Dân quân biển - lực lượng nguy hiểm mới của Trung Quốc ở Biển Đông
(Dân trí) - Nhằm phục vụ tham vọng bành trướng của mình, Trung Quốc đã tập trung phát triển cái gọi là lực lượng ngư dân. Với sự hỗ trợ của lực lượng Hải giám Trung Quốc, lực lượng ngư dân nước này đã tìm cách mở rộng địa bàn hoạt động trong thời gian qua, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác.
Hồi giữa năm ngoái, mỗi tàu trong nhóm đội gồm tám tàu nhận khoản "phụ cấp xăng dầu đặc biệt" ở mức 168.557 Nhân dân tệ, khoảng 28 USD, từ chính quyền địa phương ở tỉnh Hải Nam sau những chuyến đánh bắt dài ngày tại Biển Đông. Một trong những tàu này, tàu Qiongdongfang 11209, từng tham gia vào một trong những vụ việc căng thẳng ở Biển Đông hồi năm 2014. Tháng 5 năm đó, những hình ảnh quay lại được cho thấy tàu Qiongdongfang 11209 đã tìm cách đâm vào tàu của Việt Nam ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Sự việc trên diễn ra trong thời điểm căng thẳng gia tăng sau khi Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan thăm dò Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Từ tháng 5/2014, nhiều tàu Trung Quốc đã tập trung gần khu vực Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan. Trong khi các tàu của Việt Nam cố gắng giải quyết vấn đề theo hướng hòa bình và yêu cầu phía Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, tàu của Trung Quốc đã thành lập một hàng rào bảo vệ quanh Hải Dương 981 và có những động thái khiêu khích. Một vài tàu trong hàng rào bảo vệ nêu trên tới từ thị trấn đóng tàu Tanmen ở tỉnh Hải Nam, nơi được cho là có các căn cứ hỗ trợ cho khoảng 90% số tàu cá Trung Quốc đang hoạt động ở Biển Đông.
Tại thị trấn nhỏ nằm ở phía Đông của tỉnh Hải Nam này, một sự kiện thu hút sự chú ý đã diễn ra hồi tháng 4/2013 khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới đây. Chặng dừng chân đầu tiên của ông Tập tại thị trấn này là tới thăm công ty Dân quân biển Tanmen. Kể từ khi thành lập vào năm 1985, công ty này đã tuyển mộ các ngư dân địa phương, huấn luyện quân sự cho họ trong khoảng thời gian trống và tổ chức các hoạt động để "thu thập hiệu quả thông tin hàng hải hay hỗ trợ cải tạo đảo".
Sau khi trở thành Tổng bí thư hồi cuối năm 2012, ông Tập Cận Bình đã đề cập tới tham vọng đưa Trung Quốc trở thành một "cường quốc biển". Trước đó, Trung Quốc cũng bắt đầu có các động thái gia tăng hiện diện tại Biển Đông. Tháng 4 năm đó, Trung Quốc đã chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough sau những tranh chấp với Philippines. Chưa dừng lại ở đây, Bắc Kinh thành lập trái phép chính quyền trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, qua đó tiếp tục đưa ra những đòi hỏi về chủ quyền phi pháp tại Biển Đông.
Những năm qua, một lượng lớn ngân sách đã được chính phủ Trung Quốc tập trung cho các hoạt động cải tại và xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông. Nhờ vậy, lực lượng ngư dân ở Hải Nam cũng được hưởng lợi khi Bắc Kinh hỗ trợ họ nâng cấp tàu thuyền, giúp họ xây dựng những thuyền đánh cá lớn, có tàu lên tới 400 tấn. Theo cách tính toán, trợ cấp nhiên liệu cho tàu Qiongdongfang 11209 và các tàu các khác dựa vào công suất động cơ và số ngày những tàu này hoạt động ngoài biển. Tàu càng lớn thì tiền hỗ trợ càng nhiều song đôi khi số tiền này không đủ để chi trả cho các khoản xăng dầu. Một ngư dân giấu tên nói: "Số tiền tôi cần để tàu có thể ra biển hoạt động là khoảng 500.000 yuan (76 USD) song tiền trợ cấp chỉ khoảng 200.000 yuan (30 USD)".
Hành trình phi pháp của các đội tàu ngư dân Trung Quốc tới những khu vực ở Biển Đông như bãi cạn Scarborough hay quần đảo Trường Sa luôn được khích lệ và đôi khi được hộ tống bởi tàu của lực lượng Hải giám Trung Quốc. Các ngư dân cho biết họ cũng được nhận thêm các khoản tiền thưởng khác khi tham gia vào những "nhiệm vụ đặc biệt", khi có nhu cầu bảo vệ hoặc khẳng định chủ quyền tại các khu vực xảy ra tranh chấp hoặc sự cố. Lực lượng "dân quân biển" luôn được coi là lực lượng tiên phong nhưng Trung Quốc cũng rất sẵn sàng đưa các lực lượng khác tham gia vào khi xảy ra những sự cố lớn. Một ngư dân nói: "Có những điều không tiện để quân đội can thiệp".
Hồi tháng 3 vừa qua, Đài phát thanh Trung Quốc đưa tin Tòa án Nhân dân ở thành phố Hải Khẩu đã ra phán quyết liên quan tới một vụ hối lộ có liên quan tới công ty đánh bắt cá Fugang, công ty mà một tổ chức nghiên cứu Mỹ cho rằng là một lực lượng dân quân biển. Tuy nhiên, theo quyết định của tòa án, hình phạt cho những người dính líu tới vụ việc này đã được giảm nhẹ "do đóng góp của họ cho các hoạt động bảo vệ quyền và khẳng định chủ quyền". Ba quản lý của công ty này có thể đã bị xử năm năm tù giam song 2 trong số 3 người này chỉ phải chịu 18 tháng tù treo và người còn lại được miễn phạt hình sự.
Theo các báo cáo, những người bị xử trên tới từ công ty sở hữu tàu cá F8399. Đây là một trong những tàu cá từng tìm cách cản trở hoạt động của tàu thăm dò USNS Impeccable của Mỹ ở Biển Đông hồi tháng 5/2009. Với hành động khi đó, phán quyết của Tòa án Nhân dân ở Hải Khâu cho rằng "họ đã lập được chiến công".
Ngọc Anh
Theo SCMP