Dân ồ ạt rời thành phố "né" phong tỏa, Paris tắc đường 400 km
(Dân trí) - Thủ đô Paris, Pháp chứng kiến cảnh tắc đường kéo dài tổng cộng 400 km và những đoàn tàu chật cứng khách, khi nhiều người hối hả rời khỏi thành phố trước thời điểm phong tỏa chống Covid-19 có hiệu lực.
Theo AFP, nhằm đối phó với sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19, Thủ tướng Pháp Jean Castex ngày 18/3 thông báo nước này sẽ áp dụng các lệnh hạn chế mới, tác động lên 1/3 dân số, bao gồm người dân ở Paris và một số khu vực ở phía bắc và phía nam đất nước.
Chính phủ Pháp đã tuyên bố rằng đợt phong tỏa lần này sẽ bớt khắt khe hơn 2 đợt phong tỏa năm ngoái khi trường học vẫn mở cửa và việc ra ngoài tập thể dục vẫn được cho phép trong một khoảng thời gian không giới hạn.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 19/3 nhấn mạnh rằng từ "phong tỏa" là không hoàn toàn phù hợp để mô tả chính sách của chính phủ trong lần này.
"Điều chúng tôi muốn là ngăn vi rút lây lan mà không tự đóng cửa hoạt động của chúng ta. Đây không phải là phong tỏa. Thẳng thắn mà nói, từ 'phong tỏa' trong trường hợp này không đúng cho lắm", ông Macron cho hay.
Tuy nhiên, trước khi lệnh hạn chế mới đi vào hiệu lực từ nửa đêm ngày 20/3, làn sóng người dân ồ ạt rời Paris gia tăng nhanh chóng. Họ đổ tới các khu vực áp dụng ít lệnh hạn chế hơn như Brittany, bờ biển phía tây nam Đại Tây Dương và Lyon ở phía đông nam.
Theo trang web về giao thông Sytadin, số lượng người lái xe rời Paris tăng vọt vào chiều 19/3, gây ra cảnh tắc đường dài tổng cộng 396 km.
Một phát ngôn viên của nhà vận hành hệ thống đường sắt quốc gia SNCF nói với AFP rằng các chuyến tàu tới những địa điểm không bị phong tỏa giờ đã được đặt chỗ kín hoàn toàn. Vào thời điểm tương tự trong những tuần trước, tỉ lệ lấp đầy thường ở mức 60-70%.
Tàu rời ga Montparnasse tới Brittany và khu vực phía tây nam Pháp, hoàn toàn được đặt kín chỗ sau khi nhiều người vội vàng mua vé vào đêm 18/3.
Bộ Y tế Pháp kỳ vọng đây sẽ là đợt phong tỏa cuối cùng khi thời tiết sắp bước vào mùa xuân và chương trình tiêm chủng được tiến hành. Trong khi đó, Bộ Tài chính Pháp cho biết các biện pháp phong tỏa dự kiến khiến ngân sách tốn 1,4 tỷ USD cho các chi phí cứu trợ, hỗ trợ thất nghiệp…
Pháp hiện ghi nhận hơn 4,1 triệu ca bệnh và trên 90.000 người thiệt mạng vì Covid-19.