Dân du cư ngoại quốc, vấn đề không chỉ của nước Pháp
(Dân trí) - Vấn đề gây tranh cãi và cấp thiết liên quan đến tội phạm, dân du mục đang là tâm điểm chú ý ở Pháp. LHQ lo ngại hiện tượng này sẽ ảnh hưởng đến các nước châu Âu khác vì vấn đề người du mục ngoại quốc đã vượt ranh giới nước Pháp.
Trẻ em một gia đình người Rom ở nơi cắm trại bất hợp pháp
Hồi tháng 7, Tổng thống Pháp Sarkozy đã triệu tập các bộ trưởng và quan chức an ninh hàng đầu để bàn giải pháp cho vấn đề xã hội ngày càng nguy cấp, đó là tội phạm gia tăng từ cộng đồng người du mục Rom. Với tỷ lệ phiếu 355/1, quốc hội Pháp đã ủng hộ cho hành động mạnh của Tổng thống Sarkozy trục xuất những người được phân loại là tội phạm hoặc dân nhập cư bất hợp pháp.
Theo cơ quan chức năng Pháp, ít nhất 300 ngôi trại hoặc “nhà” bất hợp pháp đã được xây cất rải rác ở nhiều ngôi làng khắp nước Pháp, nơi sinh sống của khoảng 500.000 người Rom.
Sống trong một ngôi làng kiểu này ở phía nam nước Pháp, tôi đã quen với người Rom. Những người Tây Âu cuộc sống nay đây mai đó này thường được gọi với cái tên dân gipxi (dân du mục) ở các nước khác. Ở trong ngôi làng mà tôi sống, ngày càng nhiều vụ phạm tội nghiêm trọng có thể liên quan trực tiếp đến dòng người du mục này.
Một số người Rom đóng giả là những người đi bán giỏ hoặc thảm nhưng thực ra là để xâm nhập vào nhà riêng của người dân, ghi nhớ đường đi lối lại và về báo lại cho đồng bọn đột nhập. Với con số những vụ cướp giật ngày càng tăng, cảnh sát Pháp thậm chí không thể tiến hành các cuộc điều tra toàn diện, trừ phi vụ cướp có gây thương vong. Cảnh sát nói với người bạn tôi vừa bị cướp đến nhà hỏi thăm rằng “chúng tôi không đủ người và nguồn lực để điều tra mọi vụ cướp”.
Hai tuần sau đó, cảnh sát Pháp phát hiện 3 nam giới là dân du mục đang đi trên chiếc xe đã bị đánh cắp của ông Henri và họ bắt đầu theo vết. Chiếc xe được chất đầy những chai bia khi cảnh sát bám theo. Tiếp theo là xe cảnh sát bị tấn công bằng hàng trăm trai lọ nhưng không ai bị thương.
Bạn thân của tôi, Claudine, có một chiếc Volvo. Một sáng, một chiếc ô tô từ đâu đỗ xịch trước xe cô, buộc cô phải dừng xe. Ngay lập tức, một người đàn ông mang mặt nạ xuất hiện ở cửa sổ và cố cướp túi sách của Claudine. Cô kháng cự và bị lôi ra khỏi xe, bị đánh cho đến khi ngã khụy. Những kẻ tấn công nhảy lên chiếc Volvo và đi mất.
Hai tuần sau đó, 2 người đàn ông tiến hành một vụ cướp có vũ trang gần Paris. Chúng nghĩ là một quý ông lớn tuổi, như thường lệ, đang ở nhà một mình. Lẻn vào nhà với khuôn mặt bịt kín, hai tên cướp hăm dọa chủ nhà bằng súng ngắn. Không may cho chúng, con trai chủ nhà có mặt, kịp thời cướp súng và bắn một tên bị thương. Một tên trốn thoát trong khi tên thứ hai, một người Rom, bị cảnh sát bắt. Claudine sau đó được gọi đến nhận dạng và cô xác nhận một trong hai tên chính là kẻ đã tấn công mình.
Trong cuộc trưng cầu ý kiến mới đây của tờLe Figaro, 77% số người dân Pháp được hỏi ủng hộ hành động tháo dỡ những khu trại bất hợp pháp của dân du mục. Các cuộc trưng cầu khác cho thấy 46% ủng hộ trục xuất những người ngoại quốc này và 42% phản đối. Bắt đầu từ tháng 8 năm nay, mỗi gia đình du mục bất hợp pháp đã được cho một số tiền và chuyến đi bằng máy bay trở về nước. Hầu hết đều từ chối.
Xe tải của người Rom chặn trên đường cao tốc ở ngoại ô thành phố Bordeaux để phản đối lệnh trục xuất
Người Rom, họ từ đâu đến?
Người Rom là sắc dân thiểu số tại châu Âu. Khoảng 750.000 người sống tại Bulgari và khoảng 1,8 triệu tại Rumani.
Từ khi hai quốc gia Đông Âu này gia nhập Liên minh châu Âu, không ít người du mục đi từng đoàn, qua các nước Tây Âu như Italia, Pháp để sinh sống và trốn chạy tình trạng bị bỏ rơi tại quốc gia gốc.
Hiện nay, khoảng 15.000 người Rom cắm dù dựng trại tại Pháp đi làm đủ thứ nghề. Họ được hưởng quy định tự do di chuyển của Liên minh châu Âu, nhưng thường sống trong các lều trại tạm bợ. Sau ba tháng ở Pháp, nếu vẫn không có nhà ở cũng như thu nhập, tình trạng của họ sẽ trở nên bất hợp pháp và có thể bị trục xuất.
Ông Eric Besson, bộ trưởng Nhập cư Pháp (trái) và ông Pierre Lellouche, quốc vụ khanh phụ trách châu Âu (phải), nói chuyện với báo giới trước cuộc gặp bộ trưởng Nội vụ và bộ trưởng phụ trách Hội nhập người Rom của Rumani tại Paris ngày 25/08
Quyết định trục xuất được đưa ra sau một vụ bạo động tại vùng Loir-et-Cher gây căng thẳng trong quan hệ giữa Paris với Bucarest và Sofia.
Ngày 30/7 vừa qua, ở Grenoble, một địa phương đang bị nạn tội phạm hoành hành, Tổng thống Sarkozy đã tuyên bố sẽ tăng cường các biện pháp trấn áp tội phạm, trong đó có biện pháp “tước quốc tịch”. Ông Sarkozy đã khẳng định: “Thật là không hợp lí khi mà những tội phạm vị thành niên, tái phạm nhiều lần, khi đến tuổi trưởng thành, lại mặc nhiên được cấp quốc tịch Pháp”.
Kể từ đó, Bộ Nhập cư Pháp bắt đầu chuẩn bị cho việc sửa đổi Luật Quốc tịch với quy mô lớn.
Một gia đình người Rom chuẩn bị rời phi trường Bucarest sau khi bị trục xuất khỏi nước Pháp.
Dư luận trong và ngoài nước Pháp?
Việc Pháp trục xuất người Rom đã làm dấy lên nhiều chỉ trích trong và ngoài nước.
Báo chí Pháp dẫn lời nhiều nhà quan sát cho rằng chỉ vì mục đích chinh phục một phần cử tri thất vọng trong bối cảnh chuẩn bị tái tranh cử nhiệm kỳ hai năm 2012, ông Sarkozy và các cố vấn tìm cách khai thác tâm lý bài ngoại và kỳ thị trong một bộ phận dân chúng.
Trong khi đó, sau Vatican và Ủy ban châu Âu, hôm 27/8 đến lượt Ủy ban Loại trừ Phân biệt Chủng tộc LHQ (CERD) bày tỏ lo ngại về chính sách trục xuất dân du mục của Tổng thống Pháp. CERD lo ngại hiện tượng này lan sang các nước châu Âu khác vì vấn đề người du mục ngoại quốc đã vượt ranh giới nước Pháp, do vậy, thể giải pháp phải được đưa ra ở cấp độ châu Âu. Bộ Ngoại giao Pháp lập tức tuyên bố “về vấn đề người du mục, nước Pháp luôn tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp châu Âu cũng như các cam kết nhân quyền quốc tế.
Nhưng hầu như mọi người đều đồng ý, vấn đề hàng trăm ngàn người Rom nghèo khổ từ Rumani và Bulgari sang Tây Âu tìm một đời sống tốt đẹp hơn là một vấn nạn của cả Liên minh châu Âu, đòi hỏi một chính sách chung trên toàn châu lục.