Đàm phán thương mại Mỹ - Trung "căng hơn trước"
Mỹ và Trung Quốc dự kiến nối lại đàm phán thương mại trong tuần này nhưng sau 1 năm kể từ khi thương chiến nổ ra, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy hai phía đã thu hẹp được những khác biệt.
Sau cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình hồi cuối tháng 6 tại Nhật Bản, Tổng thống Donald Trump đồng ý hoãn áp thuế bổ sung lên hàng hóa nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc và hai phía cũng đã nhất trí nối lại đàm phán sau 2 tháng gián đoạn.
Dù vậy, theo Reuters, các nguồn tin mật và giới quan sát thương mại Trung Quốc ở Washington khẳng định cuộc gặp trên không mang lại nhiều tác động tích cực trong việc giải quyết những vấn đề khiến đàm phán rơi vào bế tắc. Tổng thống Donald Trump sau cuộc gặp tuyên bố Bắc Kinh sẽ mua thêm lượng lớn nông sản Mỹ và đổi lại, Washington sẽ nới lỏng lệnh trừng phạt nhằm vào Tập đoàn Thiết bị viễn thông Huawei (Trung Quốc).
Washington và Bắc Kinh dường như có quan điểm khác nhau về điều mà 2 nhà lãnh đạo đã nhất trí trong cuộc gặp nêu trên. Phía Trung Quốc không đưa ra bất cứ cam kết nào về việc mua thêm nông sản Mỹ tức thì - các nguồn tin mật cho biết, đồng thời tiết lộ Tổng thống Donald Trump đã 2 lần nêu vấn đề nông sản trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình, song nhà lãnh đạo Trung Quốc chỉ đồng ý xem xét mua thêm nông sản trong khuôn khổ của thỏa thuận thương mại cuối cùng.
Một quan chức giấu tên của Trung Quốc khẳng định với Reuters rằng 2 nước đến giờ vẫn tồn tại "một khoảng cách khá lớn" về các yêu cầu cốt lõi và rất khó để đạt được sự đồng thuận về những vấn đề chính. "Không khí đàm phán bây giờ thậm chí còn căng thẳng hơn trước" - quan chức này nhấn mạnh.
Washington yêu cầu Bắc Kinh cải cách hàng loạt chính sách để thực hiện điều mà họ mô tả là bảo vệ tốt hơn tài sản trí tuệ Mỹ, ngăn chặn tình trạng ép buộc chuyển giao công nghệ và ăn cắp bí mật thương mại, cũng như chấm dứt trợ cấp nhiều cho doanh nghiệp nhà nước.
Theo Cao Lực
Người lao động