1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ký hiệp ước hòa bình: Bài toán chưa lời giải của bán đảo Triều Tiên

(Dân trí) - 65 năm sau khi chiến tranh kết thúc, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc hàn gắn những mâu thuẫn và tìm được tiếng nói chung trước khi cùng nhau ký hiệp ước hòa bình chấm dứt hoàn toàn chiến tranh.


Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 4 (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 4 (Ảnh: Reuters)

Tuần trước, người dân trên bán đảo Triều Tiên vừa kỷ niệm 65 năm ngày Hàn Quốc và Triều Tiên ký thỏa thuận đình chiến (27/7/1953) sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn chuyển thỏa thuận đình chiến này thành một hiệp ước hòa bình - một văn kiện mà nếu không được ký kết, Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ mãi ở trong tình trạng chiến tranh.

Được ký kết tại làng đình chiến Panmunjom bởi các chỉ huy quân sự của Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc, thỏa thuận này cho đến nay vẫn là thỏa thuận đình chiến kéo dài nhất còn hiệu lực mà chưa được chuyển thành hiệp ước hòa bình.

Cuộc chiến tranh kéo dài 3 năm đã khiến 2 triệu người trên bán đảo Triều Tiên thiệt mạng và bị thương. 2 triệu người Trung Quốc đã tham gia cuộc chiến để hỗ trợ Triều Tiên, trong khi 150.000 binh sĩ thuộc lực lượng của Mỹ và các nước thành viên Liên Hợp Quốc đã trợ giúp Hàn Quốc. Hơn 36.000 lính Mỹ đã thiệt mạng trong cuộc chiến này.

Theo Giáo sư sử học Kathryn Weathersby tại Đại học Hàn Quốc ở thủ đô Seoul, điều Triều Tiên mong muốn bây giờ là một hiệp ước hòa bình chính thức để chấm dứt tình trạng chiến tranh với Mỹ và Hàn Quốc.

Ngày 23/7, truyền thông nhà nước Triều Tiên đề nghị Hàn Quốc thực thi cam kết do Tổng thống Moon Jae-in đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 4 với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, trong đó ông Moon cam kết sẽ hợp tác với ông Kim để chấm dứt hoàn toàn chiến tranh Triều Tiên.

“Đó là nhiệm vụ lịch sử không thể trì hoãn thêm được nữa nhằm xây dựng một cơ chế hòa bình vững chắc bằng cách chấm dứt tình trạng đình chiến bất thường hiện tại trên bán đảo Triều Tiên”, trang mạng Uriminzokkiri chính thức của Triều Tiên nêu rõ.

Việc ký kết một hiệp ước hòa bình không phải là câu chuyện đơn giản đối với hai miền Triều Tiên. Nhiều câu hỏi sẽ cần phải giải quyết, bắt đầu bằng việc ai sẽ là người ngồi vào bàn đàm phán. Ngoài ra, các nhà đàm phán cũng phải cân nhắc xem một hiệp ước hòa bình sẽ ảnh hưởng như thế nào tới liên minh quân sự Mỹ - Hàn khi có tới 28.000 binh sĩ đang đồn trú trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là liệu có cần gắn hiệp ước hòa bình với mục tiêu phi hạt nhân hóa và xóa bỏ kho vũ khí hóa học cũng như sinh học của Triều Tiên hay không. Một câu hỏi liên quan khác là liệu hiệp ước hòa bình có ràng buộc với việc giảm lực lượng quân sự của các bên trên bán đảo Triều Tiên hay không. Với hơn 1 triệu quân thường trực, Triều Tiên hiện đứng thứ 5 thế giới về số lượng quân nhân.

Quan điểm khác biệt

Theo Giáo sư Kathryn Weathersby, một vấn đề cốt lõi nữa liên quan tới việc ký kết hiệp ước hòa bình là sự mâu thuẫn giữa Hàn Quốc và Triều Tiên về nguồn gốc khởi phát của cuộc chiến tranh Triều Tiên.

Phía Hàn Quốc cho rằng chiến tranh Triều Tiên được khơi mào từ hành động xâm lược của Triều Tiên vào ngày 23/6/1950. Trong khi đó, truyền thông Triều Tiên vẫn luôn khẳng định cuộc chiến này bắt đầu từ “cuộc tấn công vô cớ” của Hàn Quốc, với vai trò như một “con rối” của Mỹ, nhằm vào Triều Tiên.

Triều Tiên gọi cuộc chiến tranh với Hàn Quốc là Cuộc chiến Giải phóng Tổ quốc Vĩ đại. Bình Nhưỡng mô tả cuộc chiến này như một chiến thắng anh hùng mà Triều Tiên giành được dưới sự lãnh đạo của ông Kim Nhật Thành - người đã giải phóng đất nước khỏi những kẻ xâm lược nước ngoài hung hãn.

Cả Hàn Quốc và Triều Tiên có thể sẽ phải đấu tranh với nhau để ký một hiệp ước hòa bình khi hai bên giữ quan điểm hoàn toàn đối lập về nguồn gốc cũng như bản chất của cuộc chiến. Tâm lý tiêu cực về “sự xâm chiếm” của Triều Tiên vẫn hiện hữu trong suy nghĩ của nhiều người dân Hàn Quốc cho tới ngày nay.

Cho tới đầu thập niên 1990 khi chính quyền Liên Xô sụp đổ, các tài liệu ghi chép về quá trình ra quyết sách phía sau cuộc chiến tranh Triều Tiên đã được công bố trong kho lưu trữ của Nga. Trong suốt hơn 25 năm qua, các học giả và nhà báo trên thế giới đã phân tích những tài liệu này.

Các tài liệu đã tiết lộ thời gian, cách thức cũng như lý do khiến các quan chức cấp cao Triều Tiên chuẩn bị một cuộc tiến công quy mô lớn nhằm vào Hàn Quốc. Các tài liệu cũng cho thấy một thực tế rằng cuộc chiến tranh Triều Tiên không chỉ đơn thuần là sự leo thang của xung đột biên giới vào năm 1949, mà là kết quả của những quyết định thận trọng do nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành, với sự hậu thuẫn của nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông, đưa ra trong giai đoạn bí mật. Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng không thể loại trừ vai trò của cố Tổng thống Hàn Quốc Syungman Rhee và chính quyền Mỹ vào thời điểm đó.

Để một hiệp ước hòa bình thực sự đóng vai trò hiệu quả trong việc bảo đảm cơ chế an ninh cho bán đảo Triều Tiên, hiệp ước đó phải được xây dựng dựa trên lập trường chung của các bên về cuộc chiến tranh Triều Tiên. Nếu các mâu thuẫn chưa được giải quyết, sự nghi kỵ từng phá hỏng các thỏa thuận trước đây sẽ vẫn tiếp tục kéo dài và tiếp tục hủy hoại các nỗ lực chung nhằm hàn gắn sự chia rẽ trên bán đảo Triều Tiên.

Thành Đạt

Theo CNA