1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đại tá Nga: Tên lửa Oreshnik khiến phương Tây lo sợ, đang tìm cách ngăn cấm

Anh Minh

(Dân trí) - Phương Tây đang chuẩn bị có những hành động quyết liệt để xếp Oreshnik, loại tên lửa mới nhất của Nga vào danh sách "vũ khí bị cấm".

Đại tá Nga: Tên lửa Oreshnik khiến phương Tây lo sợ, đang tìm cách ngăn cấm - 1

Cuộc tấn công bằng tên lửa Oreshnik của Nga vào thành phố Dnipro, ngày 21/11/2024 (Ảnh: Reuters).

Trang Bulgarian Military trích dẫn thông tin từ Đại tá Oleg Ivannikov, cố vấn cấp cao của Viện Hàn lâm Khoa học Tên lửa và Pháo binh Nga cho biết, Oreshnik đại diện cho phương thức tác chiến phi đối xứng nhằm đáp trả các hệ thống tên lửa tiên tiến do Mỹ và phương Tây cung cấp cho Ukraine. 

Những phát biểu của ông Ivannikov là tín hiệu cho thấy tên lửa Oreshnik có khả năng phá vỡ thế cân bằng sức mạnh hiện tại ở khu vực, khiến nhiều chuyên gia quân sự lo ngại.

Ông Ivannikov nói rằng các học thuyết quân sự truyền thống được xây dựng dựa trên phương thức phản ứng đối xứng nên nếu bị tấn công bằng vũ khí chính xác tầm xa, các nước có quyền đáp trả bằng các khả năng tương tự. 

"Tuy nhiên, Oreshnik là vũ khí thế hệ tiếp theo, vượt xa bất kỳ loại vũ khí nào hiện có ở phương Tây. Vì vậy, nếu được sử dụng trong xung đột, nó sẽ là đòn đáp trả phi đối xứng mạnh mẽ hơn nhiều, vượt ra ngoài giới hạn của học thuyết quân sự thông thường", ông Ivannikov giải thích thêm.

Phương thức phản ứng phi đối xứng chính là điểm đáng lo ngại nhất. Được đánh giá là tên lửa tiên tiến với những tính năng vượt trội so với vũ khí phương Tây, Oreshnik có thể làm thay đổi các toan tính chiến tranh theo cách mà phương Tây chưa sẵn sàng.

Hiệu quả tiềm tàng của loại tên lửa này có thể buộc NATO phải xem xét lại chiến lược và cách tiếp cận với Nga, đặc biệt nếu nó chứng tỏ có khả năng tấn công các mục tiêu mà phương Tây không thể chống trả hiệu quả.

Ông Ivannikov cảnh báo, Oreshnik có khả năng là vũ khí "thay đổi cuộc chơi", một biện pháp đối phó phi đối xứng làm suy yếu các chiến lược quân sự của phương Tây. Tên lửa Oreshnik không chỉ là một tiến bộ về mặt công nghệ mà còn là bước tiến chiến lược định hình lại bối cảnh chiến tranh hiện đại.

Đại tá Nga: Tên lửa Oreshnik khiến phương Tây lo sợ, đang tìm cách ngăn cấm - 2

Hình ảnh ghi nhận tại thành phố Dnipro, Ukraine trong vụ Nga tấn công bằng tên lửa Oreshnik (Ảnh: AFP).

Ông Ivannikov cho rằng, phương Tây đang muốn liệt tên lửa Oreshnik vào danh sách vũ khí hủy diệt hàng loạt vì họ nhận thấy những khả năng như vậy có thể làm thay đổi cán cân quyền lực, buộc NATO phải đánh giá lại các hoạt động quân sự, đặc biệt là khi vẫn tiếp tục hỗ trợ Ukraine.

Ngày 21/11/2024, Nga lần đầu tiên đã triển khai tên lửa Oreshnik để tấn công một nhà máy vũ khí của Ukraine tại Dnepr (hay Dnipro theo cách gọi của Ukraine).

Hành động này được Điện Kremlin tuyên bố là để đáp trả các cuộc tấn công của Ukraine vào sâu bên trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa do nước ngoài sản xuất.

Theo các quan chức Nga, tên lửa Oreshnik được thiết kế bay ở vận tốc Mach 10 (khoảng 12.200km/h), tức gấp 10 lần vận tốc âm thanh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 26/12/2024 tuyên bố, Moscow không vội vã sử dụng loại tên lửa siêu vượt âm mới nhất của mình nhưng sẽ không ngần ngại hành động nếu cần thiết.

Ông Putin khẳng định Oreshnik gần như không thể đánh chặn, kể cả bằng những hệ thống phòng không tiên tiến nhất của phương Tây hiện nay.