1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đại sứ Pháp nói về hướng đi mới trong hợp tác quốc phòng Việt - Pháp

(Dân trí) - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholary cho biết hợp tác về an ninh - quốc phòng là một trong 3 ưu tiên trong nhiệm kỳ của ông. Năm nay, tàu sân bay lớn thứ 2 của Pháp sẽ trở lại thăm Việt Nam, trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.


Đại sứ Pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholary

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholary

Trong cuộc gặp gỡ vào chiều ngày 5/4 sau chuyến thăm Pháp lịch sử gần đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đại sứ Pháp Bertrand Lortholary cho biết kể từ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống François Hollande năm 2016, quan hệ Việt - Pháp đã có những tiến triển rất tích cực trong nhiều lĩnh vực và đạt tầm cao mới. Và chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một dấu mốc mới trong quan hệ song phương.

“Theo đánh giá của các nhà lãnh đạo cấp cao của Pháp, chuyến thăm của Tổng Bí thư rất thành công, giúp thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ giữa hai nước”, ông Lortholary, người nhậm chức tại Việt Nam từ tháng 9/2016, nói.

Năm 2018, Việt Nam và Pháp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong cuộc gặp gỡ báo chí, Đại sứ Bertrand Lortholary đã nhấn mạnh 3 lĩnh vực ưu tiên trong nhiệm kỳ của ông: Thúc đẩy hợp tác kinh tế, an ninh - quốc phòng và văn hóa - thanh niên.

Về kinh tế, theo ông Lortholary, hiện có khoảng 300 doanh nghiệp Pháp đang làm ăn tại Việt Nam, tạo ra khoảng 30.000 việc làm, với nhiều dự án quan trọng như tuyến đường sắt số 3 Hà Nội, các dự án trong lĩnh vực hàng không dân dụng, cơ sở hạ tầng, dược phẩm.... Kim ngạch thương mại song phương theo con số của Pháp đạt khoảng 6 tỷ euro.

Ông Lortholary cho rằng hợp tác kinh tế giữa hai nước đã đạt được các kết quả đáng ghi nhận, nhưng chưa thực sự tương xứng với mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước. Vì vậy, các nhà lãnh đạo bên đều đạt mục tiêu thúc đẩy hơn nữa kim ngạch thương mại song phương. Ông cũng tin tưởng rằng hợp tác kinh tế sẽ còn được tăng cường, nhất là sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu ( EVFTA) có hiệu lực trong năm nay hoặc chậm nhất là đầu năm sau.

Kỳ vọng hướng đi mới trong hợp tác an ninh - quốc phòng

Về an ninh-quốc phòng, ông Lortholary cho hay, trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã có hai văn bản được ký bên lề cuộc gặp giữa Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly. Trong vài tháng tới, cụ thể là từ nay tới cuối năm, nhân dịp một số chuyến thăm quan trọng, sẽ có những văn bản khác dự kiến được ký kết giữa hai bên.

Ông Lortholary cho biết, Pháp và Việt Nam từ lâu đã có sự hợp tác về an ninh-quốc phòng, như trong lĩnh vực đào tạo các cán bộ quốc phòng và bác sĩ quân y hay bồi dưỡng nghiệp vụ để Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình.

Đại sứ Pháp nói, một hướng đi mới mà Pháp mong muốn có kết quả cụ thể trong thời gian tới là vấn đề trang thiết bị quốc phòng. Theo ông, trang thiết bị quốc phòng của Pháp có uy tín trên thế giới, đã được các quốc gia sử dụng. Tại châu Á, nhiều quốc gia khác như Australia, Ấn Độ, Malaysia và Singapore đã coi Pháp là một trong những đối tác chủ lực về trang thiết bị quốc phòng.

“Trong bối cảnh quan hệ hai nước ngày càng phát triển, chúng tôi hi vọng trong thời gian tới Việt Nam cũng coi Pháp là một trong những đối tác quan trọng để cung cấp các trang thiết bị quốc phòng và coi đó là một trục chính để phát triển mạnh mẽ hơn nữa các mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng giữa Việt - Pháp”, ông nói.

Ông Lortholary cho biết, trong những năm vừa qua, các tàu chiến Pháp đã đều đặn thăm hữu nghị Việt Nam. Trong 2 năm qua, tàu sân bay lớn thứ 2 của Pháp đã liên tiếp thăm Việt Nam và năm nay tàu này sẽ quay trở lại thăm hữu nghị Việt Nam.

“Đây là điều chưa từng có. Việc này cho thấy hai nước có tầm nhìn tương đồng và mối quan tâm chung nhằm tăng cường hợp tác hơn nữa về quốc phòng”, Đại sứ Pháp nhấn mạnh.

Ông Lortholary cũng lý giải vì sao Pháp bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới an ninh khu vực dù cách xa về mặt địa lý.

Thứ nhất, Pháp là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, vì vậy Pháp có trách nhiệm quan tâm tới vấn đề an ninh, hòa bình của cả thế giới, trong đó có khu vực này. Thứ hai, Pháp cũng có phần lãnh thổ trong khu vực Thái Bình Dương, vì vậy Pháp cũng có lực lượng hải quân được triển khai khá mạnh tại khu vực này. Ngoài ra, quyền lợi kinh tế của Pháp trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng tăng lên, vì vậy Pháp đặc biệt quan tâm tới sự ổn định của khu vực. Và trong bối cảnh như vậy, Pháp mong muốn hợp tác về an ninh, quốc phòng với Việt Nam.

Chú trọng tới giới trẻ

Về quan hệ nhân dân, Đại sứ Pháp đặc biệt nhấn mạnh tới sự hiểu biết giữa giới trẻ hai nước để các thế hệ tương lai xích lại gần nhau hơn nữa và ông coi đây là một ưu tiên trong nhiệm kỳ. Ông cho biết Pháp khuyến khích mở rộng việc dạy và học tiếng Pháp trong các trường phổ thông của Việt Nam để ngày càng có nhiều các sinh viên tới du học tại các ngôi trường hàng đầu của Pháp.

Ngoài ra, Pháp và Việt Nam cũng hợp tác mạnh mẽ trong các lĩnh vực như môi trường và biến đổi khí hậu, nông nghiệp, pháp luật, y tế...

Theo Đại sứ Lortholary, hiện có khoảng 10.000 người Pháp hiện đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam và đây là con số rất đáng kể. Số lượng du khách Pháp tới Việt Nam đứng số 1 trong số các quốc gia châu Âu.

Ông Lortholary cho rằng, Việt Nam là nền kinh tế phát triển năng động ấn tượng, do đó nhiều người Pháp muốn sang Việt Nam để tận dụng môi trường phát triển năng động như vậy.

Việt Nam có nhiều cảnh quan đẹp và sự gắn kết về mặt lịch sử giữa hai nước cũng là những lý do khiến du khách Pháp tới Việt Nam ngày một tăng.

“Không chỉ tới thăm các địa điểm nổi tiếng như Vịnh Hạ Long, Sa Pa, Huế, du khách giờ đây còn tới nhiều địa điểm khác như Hà Giang, Lạng Sơn hay Đồng bằng Sông Cửu Long”, ông nói.

Ở chiều ngược lại, số lượng du khách Việt Nam tăng mạnh qua từng năm. Trong năm 2017, số lượng thị thực cấp cho khách du lịch Việt Nam sang Pháp đã tăng 60% so với năm 2016, với số lượng khoảng 50.000 du khách.

Theo Đại sứ Lortholary, tại Pháp, cộng đồng người Việt có khoảng 300.000 người. Đây là cộng đồng năng động, hội nhập tốt với xã hội Pháp và nước Pháp cũng tự hào về các cộng đồng nhập cư này.

Ông Lortholary nói thêm, trong tuyên bố chung Việt - Pháp nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhận lời mời thăm Việt Nam vào năm 2019 và hai nước giờ đây rất mong đợi chuyến thăm này.

An Bình