Đại sứ Phạm Quang Vinh dự đoán “điều bất ngờ tháng 10” trong bầu cử Mỹ
(Dân trí) - Cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh cho rằng, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ rất khó đoán vì bị tác động mạnh bởi Covid-19 và nhiều yếu tố bất ngờ có thể tác động tới kết quả của sự kiện này.
Một cuộc bầu cử rất khác
Chia sẻ trong buổi chuyện về chủ đề bầu cử tổng thống Mỹ tại Hà Nội sáng ngày 10/9, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh nhận định rằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 3/11 sẽ rất khác so với các kỳ bầu cử trước, do nước Mỹ đang đối mặt với 3 cuộc khủng hoảng cùng lúc: Đại dịch Covid-19, kinh tế sụt giảm và mâu thuẫn sắc tộc. Lần đầu tiên cả 50 bang của Mỹ, cũng như thế giới nói chung, phải cách đóng cửa và cách ly xã hội ở các cấp độ khác nhau. Chính sự đóng cửa và cách ly xã hội này đã tác động nhiều tới bức tranh toàn cảnh kinh tế, xã hội của nước Mỹ.
Đại sứ Vinh cho rằng, các cuộc khủng hoảng nhiều chiều, đan xen đã làm đảo lộn các lợi thế hay bất lợi thế của các ứng viên tổng thống, trong đó có đương kim Tổng thống - ứng viên của đảng Cộng hòa Donald Trump và cựu Phó tổng thống - ứng viên Dân chủ Joe Biden.
Tình hình đại dịch và sau đại dịch đã gây ra sự chuyển hóa ngay trong lòng nước Mỹ về thái độ của cử tri đối với các ứng viên. Nước Mỹ cũng bộc lộ sự phân cực chính trị sâu sắc nhất và có sự chuyển hóa lớn, trong đó có cấu trúc cử tri, dân số, định vị của cử tri về cuộc bầu cử. Quan điểm của 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ và chính sách nhằm vào cử tri cũng phân cực.
Dịch bệnh cũng khiến cách các ứng viên tiếp xúc với cử tri và vận động tranh luận rất khác biệt. Nếu trước đây các ứng viên có thể tiếp xúc trực tiếp cử tri và cũng qua đó báo chí cũng có thể thăm dò cử tri và những ai hiện diện ở các cuộc vận động, nhờ đó họ có thể tính toán được tỷ lệ ủng hộ và dự đoán số lượng người đi bầu cử. Tuy nhiên, hiện nay mọi so sánh, tương tác chỉ có thể thực hiện qua mạng.
Sau các đại hội toàn quốc của các đảng Dân chủ và Cộng hòa, các ứng viên mới có thể đi vận động trực tiếp. Vì vậy, giai đoạn còn lại của chiến dịch sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cử tri quyết định bỏ phiếu cho ai, Đại sứ Phạm Quang Vinh nhận định.
Theo dõi đại hội toàn quốc của 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa diễn ra hồi cuối tháng 8, Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng, các sự kiện này dường như không tạo được cú huých đáng kể cho 2 ứng viên. Các phát biểu của 2 ông Trump và Biden đã phần nào gây hiệu ứng nhưng chưa thực sự gây ấn tượng với cử tri, do vậy Đại sứ Vinh cho rằng các cuộc vận động tranh cử sắp tới sẽ đóng vai trò quyết định.
"Điều bất ngờ của tháng 10"
Đại sứ Phạm Quang Vinh cho hay, các hãng thăm dò tại Mỹ đều nhấn mạnh vào cái gọi là "điều bất ngờ của tháng 10" - những yếu tố có thể xảy ra ngay trước cuộc bầu cử và ảnh hưởng mạnh tới quyết định của cử tri. Những yếu tố này có thể lớn hay nhỏ.
Theo Đại sứ Vinh, yếu tố lớn là nước Mỹ có mở cửa và phục hồi kinh tế hay không. Đại dịch ra khỏi như thế nào là chuyện đương nhiên phải tính, nhưng nếu có tín hiệu mở cửa phục hồi kinh tế, trước 3/11 có vắc xin ngừa Covid-19 và dịch qua đỉnh, chuyện mở cửa kinh tế và các hoạt động xã hội được khôi phục một phần thì đây sẽ là sẽ những yếu tố tác động lớn tới bầu cử.
Ông Vinh nhận định, ba cuộc tranh luận trực tiếp sắp tới giữa hai ứng viên Donald Trump và Joe Biden sẽ rất đáng chú ý. Đây là cơ hội để các ứng viên thu hút cử tri của mỗi người. Các ứng viên sẽ tranh luận thế nào và qua đó bộ phận hiện đang lưỡng lự sẽ đi đến câu trả lời là bỏ phiếu cho ai.
Một sự cố bất ngờ nào đó nếu xảy ra cũng có thể tác động tới bầu cử Mỹ, theo Đại sứ Vinh, ví dụ như một vụ bạo động chủng tộc hay một vấn đề liên quan tới cá nhân các ứng viên. Trong khía cạnh này, dường như ông Trump đã trải qua nhiều tranh cãi trong nhiệm kỳ, nhưng nếu người gặp sự cố là ông Biden thì điều đó có thể có nhiều ảnh hưởng lớn.
Càng gần tới ngày bầu cử thì càng phải tính tới các bang chiến trường. Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, các ứng viên không chỉ chú ý tới các bang do dự nữa mà cũng cần chú ý tới các bộ phận dân cư đang do dự tại các bang đó. Đó là các bang vốn lâu nay có thể dao động hoặc Cộng hòa hoặc Dân chủ, hai là những bang mà trong cuộc bầu cử 2016 người chiến thắng giành thắng lợi với tỷ lệ rất sít sao. Có thể nhắc tới các bang như Arizona, Florida, Wisconsin, Minnesota, Ohio, Pennsylvania, North Carolina.
"Càng gần tới ngày bầu cử thì các nhóm cử tri lưỡng lự tại các bang này có thể có sự thay đổi để đảo chiều ở những bang chiến trường", cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ nói.
Đại sứ Phạm Quang Vinh nhắc tới một vấn đề nữa trong cuộc bầu cử là, do dịch bệnh nên vấn đề bỏ phiếu bằng thư lại nổi lên. Ông Trump lo ngại có gian lận, nhưng ông Vinh cho rằng đằng sau đó có thể là câu chuyện chính trị.
Theo Đại sứ Vinh, điều quan trọng trong bầu cử tổng thống Mỹ, ngoài câu chuyện cấu trúc phiếu phổ thông và phiếu đại cử tri, chuyện số lượng cử tri đi bỏ phiếu cũng rất đáng chú ý. Ví dụ, theo các phân tích, cử tri trẻ là nhóm lười đi bỏ phiếu do bận rộn, người gốc Phi cũng lười đi bỏ phiếu vì họ đã chán ngán trong nhiều năm do thấy ít thay đổi trong các cuộc bầu cử, trong khi người già chăm chỉ đi bỏ phiếu hơn. Năm 2016, chỉ có 60% cử tri đi bỏ phiếu. Nhiều người quyết định không đi bỏ phiếu là để thể hiện thái độ chính trị của mình, rằng cả 2 ứng viên đều không đáp ứng các trông đợi của họ. Việc tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu ra sao cũng sẽ tác động tới kết quả bầu cử.
Ông Biden ở “cơ trên” nhưng chưa chắc thắng
Khi còn 54 ngày nữa là tới cuộc bầu cử tổng thống, nhận định về khả năng chiến thắng của 2 ứng viên, Đại sứ Vinh đưa ra nhận định cá nhận rằng nếu tình hình tiếp tục như hiện nay thì ông Biden có nhiều cơ hội chiến thắng hơn. Nhưng nếu từ nay tới ngày bầu cử có những đột biến thì ông Trump vẫn có cơ hội chiến thắng.
Đại sứ Phạm Quang Vinh cho hay, trong cuộc bầu cử năm 2016, cử tri Mỹ tỏ ra chán ngán với chính trị truyền thống, trong khi năm 2020 người Mỹ chịu cuộc khủng hoảng kép. Trong 3 năm rưỡi qua, người Mỹ đã hiểu về ông Trump và biết về cung cách làm việc của ông, nhưng với ông Biden thì chưa rõ ràng. Khi đi vào cọ sát những chiến lược cụ thể, đặc biệt là việc phát triển kinh tế của nước Mỹ, phúc lợi và công ăn việc làm mới rõ chiến lược và khả năng của 2 ứng viên.
Các thăm dò dư luận cho tới nay, đặc biệt từ cuối tháng 5/2020, cho thấy ông Biden liên tục dẫn trước ông Trump, với khoảng cách dẫn 7-10%. Tuy nhiên, ông Vinh dẫn nhận định từ truyền thông Mỹ nói rằng ông Biden ở “cơ trên” nhưng chưa chắc thắng.
Các cuộc thăm dò gần đây cũng cho thấy tỷ lệ dẫn trước của ông Biden đang giảm dần, điều này phản ánh cuộc bầu cử sắp tới sẽ cạnh tranh và gắt gao hơn. Các ứng viên sẽ nhắm vào các nhóm cử tri nào và khía cạnh nào của cử tri là rất quan trọng.
Đại sứ Phạm Quang Vinh cũng lưu ý rằng, các cuộc thăm dò chỉ mang tính tham khảo, vì thăm dò chỉ lắng nghe ý kiến của người dám nói, nhưng khó nghe được ý kiến của người chưa dám nói. Nhiều người muốn bỏ cho ông Trump nhưng có thể không dám bộc lộ, giống như từng xảy ra trong cuộc bầu cử năm 2016.
Ông Biden có lợi thế cả theo thăm dò dư luận ở cấp quốc gia và tại các bang dao động, nhưng cuộc bầu cử phụ thuộc rất nhiều vào cuộc khủng hoảng đa chiều hiện nay. Theo Đại sứ Vinh, ông Trump có ít sự ủng hộ hơn trong các cuộc thăm dò nhưng phe này đã được thử thách và dường như trung thành hơn.
Đại sứ Vinh lưu ý, các đại hội đã bộc lộ chiến lược của các ứng cử viên trong thời gian tới. Ông Biden dường như nhấn vào cau chuyện đại dịch và sự thất bại trong quản lý dịch bệnh của ông Trump. Trong khi đó, ông Trump muốn nhấn mạnh rằng đại dịch rồi cũng sẽ qua đi để hướng tới tương lai mới và “nước Mỹ sẽ vĩ đại trở lại”.
Đại sứ Vinh cho hay nền kinh tế Mỹ đang có các dấu hiệu tốt và tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 9 này đã lần đầu tiên giảm xuống 2 con số kể từ tháng 3 năm nay.
“Đại dịch làm làm mất đi lợi thế của ông Trump và đảo chiều mong muốn của cử tri với ứng viên, khiến ông Biden dẫn trước. Tuy nhiên, phân tích sâu thì cái dẫn đó chưa chắc quyết định kết quả bầu cử”, Đại sứ Vinh nhận định.
“Nếu không có đại dịch Covid-19 thì cơ hội của ông Trump rất mạnh”, cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ nói. “Nếu có bất kỳ tín hiệu gì mở cửa phục hồi kinh tế và hoạt động xã hội thì ông Trump vẫn có cơ hội tái đắc cử ”.