Đại sứ Mỹ thả cá chép trên sông Hương tiễn ông Táo về trời
(Dân trí) - Sáng nay 1/2 (ngày 23 tháng Chạp âm lịch), tại bến thuyền chùa Thiên Mụ, TP Huế, Đại sứ Mỹ Ted Osius đã thực hiện nghi thức thả cá chép vàng tiễn đưa ông Công, ông Táo về trời.
Nhà ngoại giao Mỹ Ted Osius và người bạn đời Clayton Bond đã thả chú cá chép vàng xuống sông Hương để tiễn ông Công ông Táo về trời. Đây là một nghi thức văn hóa truyền thống của người Việt vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm.
Đại sứ Ted Osius và người bạn đời cùng người bạn đời Clayton Bond thả cá tiễn đưa ông Công, ông Táo về trời.
Đại sứ Mỹ thả cá chép tiễn đưa ông Công ông Táo về trời
Đây là lần thứ hai ông Osius thực hiện nghi thức thả cá nhân ngày ông Công, ông Táo. Năm ngoái, ông và người bạn đời đã thả cá chép trên Hồ Tây tại Hà Nội.
"Tôi nghĩ rằng đây là một hoạt động truyền thống quan trọng cho dù được thực hiện ở bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam. Chúng tôi đã tham gia vào “Hành Trình Mới” đạp xe từ Hà Nội vào Huế. Tôi nghĩ thật hoàn hảo khi có mặt tại Huế đúng vào dịp 23 tháng Chạp âm lịch để tiễn ông Công, ông Táo. Huế thực sự là trung tâm văn hoá, lịch sử của Việt Nam, nên có thể thực hiện thả cá chép tiễn ông Công ông Táo về trời tại đây ngay trước Tết là điều rất có ý nghĩa", ông Osius nói.
Đại sứ Mỹ gửi lời chúc mừng năm mới đến người dân Việt Nam
Ông Osius vừa hoàn thành chuyến đạp xe dài 840km từ Hà Nội và Huế để đánh dấu hành trình mới trong quan hệ Việt-Mỹ. Ông xuất phát từ Hà Nội hôm 24/1 và cán đích tại thành phố Huế ngày 30/1.
Chia sẻ ấn tượng về các món ăn xứ Huế, ông nói: "Món ăn Huế rất ngon. Tôi đã ăn những món rất tuyệt vời. Cơm hến rất ngon. Bánh bèo, mít trộn, cà và cá cũng rất ngon. Có rất nhiều món ăn Huế nhưng có lẽ món mà tôi thích nhất là món bánh bèo với tôm chấy bên trên, dùng thêm với nước mắm"..
Nhà ngoại giao Mỹ chia sẻ rằng người Huế rất hiếu khách. "Kể từ khi đặt chân đến Huế và ở mọi nơi tôi đến mọi người đều hiếu khách. Và tôi muốn đề cập đến một người cụ thể, đó là ông Phan Thuận An, một nhà nghiên cứu về Huế nổi tiếng. Chúng tôi đến thăm ông và ông đã giải thích rất nhiều về lịch sử và văn hoá của thành phố xinh đẹp này. Ông ấy có kiến thức rất sâu về văn hoá, lịch sử Huế và cách giải thích thú vị, rất dễ hiểu. Ông An đã giúp tôi hiểu biết nhiều về truyền thống, vẻ đẹp và lịch sử của thành phố này".
Đại sứ Mỹ chụp ảnh lưu niệm cùng những người bạn tại chùa Thiên Mụ, Huế
Ông Osius trả lời phỏng vấn của các báo tại Huế
Đại sứ Mỹ cho hay ông đã đến Huế nhiều lần và dự kiến sẽ quay lại Huế nhân dịp Festival Huế diễn ra vào cuối tháng 4/2016. Ông tiết lộ, Mỹ sẽ tham gia vào Festival Huế lần này theo hai cách. "Thứ nhất, chúng tôi sẽ đóng góp một hình thức biểu diễn ca nhạc nào đó. Thứ hai là một dự án lâu dài hơn, đó là chúng tôi đang hỗ trợ bảo tồn, tu bổ Triệu Tổ Miếu", ông nói.
"Đây là một địa điểm quan trọng ở Huế và mang tính biểu tượng cao vì Triệu Tổ Miếu được vị vua đầu tiên của triều Nguyễn xây dựng vào năm 1804. Nhà Nguyễn đã thống nhất Việt Nam nên đây còn tượng trưng cho sự đoàn kết thống nhất của cả Việt Nam. Chúng tôi rất tự hào đã hợp tác chặt chẽ cùng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế để bảo tồn, tu bổ Triệu Tổ Miếu. Tôi hy vọng chúng tôi sẽ có thể đóng góp một cách lâu dài cho vẻ đẹp và văn hóa đa dạng của Huế", ông Osius nhấn mạnh.
Nhân dịp năm mới, Đại sứ Mỹ nói ông hy vọng mỗi người Việt Nam, mỗi gia đình Việt Nam có một năm mới an khang và thịnh vượng. "Và tôi chúc nước Việt Nam ngày càng vững mạnh, thịnh vượng", ông Osius nói.
Đại Dương