Đại sứ Mỹ: “Chúng ta là anh, chị, em”
(Dân trí) - Trở lại thăm cây cầu lịch sử Hiền Lương tại tỉnh Quảng Trị sau 20 năm, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius bày tỏ hi vọng hai nước sẽ tiếp tục xây dựng mối quan hệ Việt-Mỹ và khẳng định: “Hôm nay, chúng ta là anh, chị, em”.
Đại sứ Mỹ ngày 29/1 đã tới tỉnh Quảng Trị, một phần trong hành trình đạp xe Hà Nội-Huế mang tên “Hành trình Mới” để đánh dấu giai đoạn tiếp theo trong quan hệ Việt-Mỹ sau khi hai nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ hồi năm ngoái. Một trong những điểm dừng chân của ông tại Quảng Trị là cầu Hiền Lương, nơi từng là giới tuyến chia cắt hai miền Bắc-Nam trong quá khứ.
Đúng 20 năm trước, ông Osius cũng tới thăm cây cầu này khi mới đến Việt Nam làm việc sau khi hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ năm 1995. Vào năm 1996, ông Osius, một nhà ngoại giao trẻ, được cử đến Việt Nam để bắt đầu điều mà Tổng thống Bill Clinton khi đó gọi là “một thời kỳ để hàn gắn và xây dựng”.
Nhà ngoại giao Mỹ cho biết nhiều hình ảnh từ thời điểm đó vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của ông. Một trong những hình ảnh đó là về cầu Hiền Lương, nơi ông đến thăm trong chuyến đạp xe xuyên Việt gần 2.000 km từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh.
“Khi đó tôi đứng ở đây, nhìn vào vùng nước trông giống như các ao rải rác xung quanh. Một phụ nữ đứng tuổi giải thích bằng tiếng Việt, rằng đó không phải là ao mà là những chỗ bị bom dội xuống, trong đó có cả ngôi làng của bà”, ông Osius nhớ lại.
“Khi tôi nói với bà rằng tôi là đại diện của chính quyền và nhân dân Mỹ, bà đã trả lời tôi bằng những từ ngữ thân tình mà khiến tiếng Việt trở thành một ngôn ngữ hết sức gần gũi: “Hôm nay, chúng ta là anh chị em”.
Đại sứ Mỹ và đoàn đạp xe đi qua cầu Hiền Lương
Theo nhà ngoại giao Mỹ, cuộc trò chuyện đó cho ông thấy 2 điều quan trọng. “Thứ nhất, người Việt Nam nhớ đến quá khứ nhưng chú trọng xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Thứ hai, họ muốn có một mối quan hệ mới, tốt đẹp hơn với người dân Mỹ để là một phần của tương lai đó”, ông nói.
Trong chuyến đạp xe Hà Nội-Huế, Đại sứ Mỹ cho biết ông cũng đã gặp nhiều người Việt Nam mà ông sẽ luôn nhớ đến, trong đó có những người nỗ lực để bảo vệ môi trường và đem giáo dục đến cho thanh thiếu niên.
Nhìn vào sự hợp tác và tình hữu nghị ngày càng lớn mạnh, Đại sứ Mỹ cho biết ông nhận ra rằng điều người phụ nữ trên nói là đúng: “Hôm nay, chúng ta là anh, chị, em”.
"Báu vật nổi tiếng thế giới của Việt Nam"
Ông Osius đi thuyền tới động Phong Nha
Trong chuyến đạp xe kéo dài 8 ngày, ông Ted Osius cũng dừng chân tại nhiều địa điểm. Trước khi đến Quảng Trị, ông đã tới thăm động Phong Nha tại tỉnh Quảng Bình, nơi ông gọi là “báu vật nổi tiếng thế giới của Việt Nam”.
“Tôi đã từng nghe về báu vật nổi tiếng thế giới của Việt Nam, hang động Phong Nha, nhưng chỉ đến hôm qua tôi mới có cơ hội tận mắt chiêm ngưỡng một phần tổ hợp đó. Những khối nhũ đá và măng đá ấn tượng đến mức tôi không chỉ muốn chia sẻ cùng các bạn mà tôi còn muốn trở lại và tôi sẽ trở lại thăm khu vườn này vào tháng 5 tới để khám phá hang Sơn Đoòng”.
Đại sứ Mỹ tham quan khu động nổi tiếng
“Tôi rất vui khi thấy những kỳ quan thiên nhiên này đang nhận được sự gìn giữ, chăm nom quý báu và quy củ mà chúng cần để truyền lại cho thế hệ tương lai. Đó là nguồn tài nguyên to lớn và là một điểm du lịch đáng nhớ đối với khách du lịch Việt Nam và khách quốc tế”, ông Osius nhấn mạnh.
Trước đó dọc hành trình, ông Ted Osius đã tới thăm Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Cúc Phương thuộc Vườn quốc gia Cúc Phương tại Nho Quan, Ninh Bình; đền Lam Kinh tại Thọ Xuân, Thanh Hóa; ngôi nhà của cụ Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - tại Nam Đàn, Nghệ An và Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An.
Đại sứ Mỹ, vốn được biết tới là có sở thích đạp xe, sẽ kết thúc “Hành trình Mới”, vào ngày 31/1 tại Huế.
Ông Osius, sinh năm 1961, là một nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ. Ông phần lớn làm việc tại châu Á trong hơn 25 năm qua. Ông tới Việt Nam công tác lần đầu tiên vào năm 1996 và chính thức đảm nhiệm cương vị Đại sứ Mỹ tại Việt Nam từ tháng 12/2014. Ông nói khá thành thạo tiếng Việt.
Đại sứ Mỹ trò chuyện bằng tiếng Việt trong chuyến đạp xe 840 km
An Bình
Ảnh: Facebook Đại sứ Mỹ