1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Đại sứ Mỹ nói về chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Tổng thống Trump

(Dân trí) - Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink cho rằng Mỹ và Việt Nam chia sẻ lập trường chung về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Donald Trump và hợp tác với nhau để thúc đẩy lợi ích chung.


Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink phát biểu tại Đại học Hà Nội ngày 22/11 (Ảnh: Thành Đạt)

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink phát biểu tại Đại học Hà Nội ngày 22/11 (Ảnh: Thành Đạt)

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink ngày 21/11 đã có bài phát biểu tại Đại học Hà Nội về một loạt vấn đề quan trọng liên quan tới quan hệ Mỹ - Việt và chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ.

Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Theo Đại sứ Kritenbrink, khi Tổng thống Donald Trump tới Việt Nam vào tháng 11 năm ngoái, ông đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương “tự do và cởi mở”.

“Sở dĩ chúng tôi gọi như vậy vì chúng tôi tin vào khu vực nơi có những quốc gia vững mạnh và độc lập như Việt Nam, những quốc gia có thể tự đưa ra quyết định của mình. Chúng tôi tin vào khu vực nơi các quốc gia có thể tự do đưa ra lựa chọn của mình, nơi mở cửa cho dòng người và hàng hóa, nơi mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ đều tuân thủ trật tự dựa trên luật lệ. Đây cũng là tầm nhìn mà chúng tôi chia sẻ với Việt Nam”, ông Kritenbrink nói.

Đại sứ Kritenbrink khẳng định Mỹ vẫn duy trì cam kết hợp tác kinh tế với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với mức độ cam kết chưa bao giờ mạnh mẽ đến vậy. Nhà ngoại giao Mỹ cho biết trong vòng hơn 10 năm qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài của các công ty Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã tăng gấp đôi, lên 940 tỷ USD.

Quan hệ Mỹ - Trung

Liên quan tới chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Đại sứ Kritenbrink cũng đề cập tới mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc với tư cách là hai nước lớn trong khu vực. Ông Kritenbrink khẳng định “Mỹ muốn thúc đẩy lợi ích an ninh, thịnh vượng với Trung Quốc và hai nước sẽ cùng nhau phát triển, chứ không phải tách rời”.

“Khi Tổng thống Donald Trump công bố chiến lược an ninh quốc gia vào tháng 12 năm ngoái, ông đã đề cập tới kỷ nguyên mới của cạnh tranh giữa các cường quốc, đặc biệt là cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng tôi muốn lưu ý rằng sự cạnh tranh ở đây không có nghĩa là thù địch. Tổng thống Trump từng nói ông muốn xây dựng một mối quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc”, ông Kritenbrink nhấn mạnh.

Tuy vậy, nhà ngoại giao Mỹ khẳng định Washington “sẽ đáp trả những hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc”.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục đòi hỏi một mối quan hệ công bằng, cởi mở và có đi có lại với Trung Quốc. Chúng tôi cũng mong muốn Trung Quốc sẽ phá bỏ hàng rào thuế quan và mở cửa nền kinh tế như cách chúng tôi đã làm với Trung Quốc”, ông Kritenbrink nói.

Theo Đại sứ Kritenbrink, dù quan hệ Mỹ - Trung diễn biến như thế nào, Việt Nam vẫn là một trong những đối tác quan trọng nhất của Mỹ và mối quan hệ giữa hai nước hướng đến lợi ích chung, không chống lại nước nào mà vì lợi ích chung.

Phát triển cơ sở hạ tầng

Đại sứ Kritenbrink dẫn thống kê của Ngân hàng Phát triển châu Á cho biết nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Á hiện nay rất lớn và trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ cơ sở hạ tầng giao thông, viễn thông cho tới năng lượng. Theo nhà ngoại giao Mỹ, đứng trước thực trạng này, không chính phủ của quốc gia nào có thể đáp ứng được toàn bộ nhu cầu về cơ sở hạ tầng, thay vào đó khu vực tư nhân có thể đóng vai trò trong lĩnh vực này.

Đề cập tới Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, Đại sứ Mỹ cho rằng mỗi nước khi tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng cần tính toán tới tác động dài hạn về chủ quyền và độc lập của nước mình. Ông Kritenbrink khẳng định Mỹ không theo đuổi chính sách đẩy các nước vào cảnh nợ nần hay vay mượn và theo ông đó mới là giải pháp dài hạn.

Tuân thủ luật lệ

Liên quan tới vấn đề Biển Đông, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam tin rằng tất cả quốc gia dù lớn hay nhỏ đều phải tuân thủ luật lệ.

“Những tranh chấp trên Biển Đông và biển Hoa Đông nên được giải quyết phù hợp với luật pháp quốc tế, những tuyên bố chủ quyền cần được đưa ra dựa trên luật pháp quốc tế, các tranh chấp cần được giải quyết một cách hòa bình, tự do hàng hải và hàng không cần được thực thi cho tất cả quốc gia, dù là lớn hay nhỏ”, ông Kritenbrink cho biết.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân Trí liên quan tới kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ vừa qua, Đại sứ Kritenbrink khẳng định kết quả này không có tác động lớn tới chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như mối quan hệ đối tác với Việt Nam.

“Tôi cho rằng Mỹ có lợi ích quốc gia lâu dài và bền chặt với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tôi không nghĩ kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ có tác động tới chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ. Chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục chiến lược này và tôi tin mối quan hệ Mỹ - Việt sẽ tiếp tục phát triển”, Đại sứ Kritenbrink nêu rõ.

Thành Đạt