1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đại sứ EU nêu cách thức giúp Việt Nam đạt các mục tiêu đầy tham vọng

An Bình

(Dân trí) - Tân Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) Julien Guerrier nhấn mạnh, Việt Nam có vị thế quan trọng về kinh tế, dân số, vị trí địa lý tại châu Á - Thái Bình Dương, do đó, là một đối tác quan trọng của EU.

Đại sứ EU nêu cách thức giúp Việt Nam đạt các mục tiêu đầy tham vọng - 1

Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam Julien Guerrier phát biểu trong cuộc họp báo sáng ngày 27/9 (Ảnh: An Bình).

Đại sứ Julien Guerrier sáng ngày 27/9 đã có cuộc trao đổi đầu tiên với báo chí kể từ khi đến Hà Nội nhận công tác. Một ngày trước đó, ông đã trình quốc thư lên Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

Ông Guerrier đánh giá, châu Á - Thái Bình Dương ngày càng trở thành khu vực quan trọng của thế giới, đóng vai trò trung tâm hơn. Liên minh châu Âu đã phát triển chiến lược hướng tới khu vực và ở đó Việt Nam có vị thế quan trọng về mặt kinh tế, dân số cũng như vị trí địa lý. Do vậy, Việt Nam là đối tác quan trọng của EU, ông khẳng định.

"EU nói chung và các thành viên nói riêng của Liên minh đều là những người bạn của Việt Nam và ủng hộ nhiệt thành các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam trong những thập niên qua", ông nói.

Trong nhiệm kỳ của mình, Đại sứ Guerrier cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ, hợp tác nhằm giúp Việt Nam đạt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045 và giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050.

3 cách thức và 5 công cụ

Ông Guerrier đã nêu ra 3 cách thức nổi bật của Liên minh châu Âu nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu đầy tham vọng đó.

Thứ nhất, EU ủng hộ quá trình chuyển đổi của Việt Nam, đặc biệt là chuyển đổi xanh, với mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Thứ hai, theo Đại sứ Guerrier, Liên minh châu Âu - với kỹ năng, kinh nghiệm về nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và cũng là đi đầu trong lĩnh vực này - có thể chia sẻ kiến thức, kỹ năng và công nghệ với Việt Nam.

Thứ ba, EU có lịch sử lâu dài và kinh nghiệm trong việc hiện đại hóa nhưng vẫn duy trì bản sắc, sự đa dạng, đặc biệt là có các di sản văn hóa phong phú. "Tôi tin rằng Việt Nam cũng muốn đi theo con đường này và chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các bạn", ông nói.

Theo Đại sứ Guerrier, Liên minh châu Âu có thể hợp tác và hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu trên thông qua 5 công cụ cụ thể.

Đầu tiên là Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà hai bên đã ký kết. Theo ông Guerrier, với việc thực thi hiệp định trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại song phương đã tăng 32%, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng gấp 4 lần so với xuất khẩu của EU sang Việt Nam. 

Thứ 2, thông qua công cụ cấp vốn có tên gọi "Cửa ngõ Toàn cầu", EU mong muốn trợ giúp Việt Nam trong xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, năng lượng, y tế, công nghệ... Ông Guerrier nói, với số vốn trên 300 tỷ euro dành cho các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nguồn tài trợ này là để ủng hộ các mục tiêu phát triển nhưng vừa không gây ra vấn đề về nợ công, vừa mang tới tác động tích cực đối với con người, xã hội, môi trường…

Công cụ thứ 3 là Cơ chế chuyển đổi năng lượng công bằng (JEPT) của nhóm G7 và các đối tác quốc tế khác. EU muốn hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi từ năng lượng than sang năng lượng tái tạo bằng nguồn vốn 15,5 tỷ USD từ nguồn ngân sách công và đầu tư tư nhân. Các đối tác quốc tế, trong đó có đại diện là 2 nhà điều phối EU và Vương quốc Anh, cùng các quốc gia khác trong khối G7, sẽ điều phối để hỗ trợ các mục tiêu chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, theo Đại sứ Guerrier.

Thứ 4 là chương trình đầu tư cho nghiên cứu và đổi mới, sáng tạo mang tên Horizon Europe. Theo ông Guerrier, chương trình này mở các cơ hội đăng ký nguồn viện trợ, đầu tư cho các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đặc biệt là các viện nghiên cứu mà Việt Nam có thế mạnh. Theo ông, Việt Nam có các nhà đổi mới sáng tạo và EU khuyến khích họ đăng ký để tiếp cận nguồn viện trợ từ quỹ, để thông qua đó các chuyên gia của hai bên có thể trao đổi kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm và công nghệ.

Thứ 5 là thúc đẩy hợp tác về an ninh, quốc phòng. Nhà ngoại giao của EU cho biết, Liên minh châu Âu có dự án nhằm tăng cường hợp tác an ninh với châu Á. Thông qua cơ chế này, EU sẽ giúp Việt Nam xây dựng năng lực như an ninh hàng hải, an ninh mạng và các lĩnh vực liên quan khác.

Dẫn khẩu hiệu "Độc lập, Tự do, Hạnh phúc" của Việt Nam, Đại sứ Guerrier cho biết ông cảm nhận đầy đủ vẻ đẹp và ý nghĩa của 3 từ này và khẩu hiệu đó cũng phản ánh nguyện vọng, mong muốn của hai bên. Do đó, EU và Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa quan hệ và giao lưu nhân dân. Ông cho rằng việc người dân năng thăm hỏi, qua lại lẫn nhau sẽ giúp thúc đẩy quan hệ giữa hai bên.

"EU là một người bạn và đối tác tin cậy lâu năm của Việt Nam. Chúng tôi có vị thế đặc biệt để mang lại giá trị gia tăng cho quan hệ đối tác song phương, hướng tới việc hiện thực hóa các tham vọng của Việt Nam. Tôi tin rằng Việt Nam có thể tin tưởng vào Liên minh cũng như cá nhân tôi với tư cách là một người bạn, một đối tác tin cậy", Đại sứ Guerrier nói.

Tiềm năng chưa được khai phá

Trong cuộc họp báo, Đại sứ Guerrier cũng nhận được nhiều câu hỏi về các lĩnh vực hợp tác khác trong quan hệ giữa Việt Nam và EU.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí về hợp tác nghiên cứu, đổi mới  và sáng tạo, nhà ngoại giao EU cho rằng, có tiềm năng chưa được khai phá trong lĩnh vực này và hai bên có nhiều cách thức để thúc đẩy hợp tác. Ông Guerrier nhấn mạnh tới Horizon Europe, một cơ chế cấp tài trợ với nguồn vốn rất lớn lên tới gần 100 tỷ euro dành cho các viện nghiên cứu, nhà nghiên cứu cá nhân để cùng hợp tác với các đối tác tại châu Âu. Theo ông, đó là cách thức mới trong hợp tác giao lưu, trao đổi kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức hay công nghệ giữa hai bên. Hướng đi này có thể giúp thu hút đầu tư cho các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam để thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.

"Việt Nam hoàn toàn có thể thu hút quá trình đầu tư này qua các điều chỉnh khuôn khổ pháp lý để mang lại những đề nghị đầu tư hấp dẫn nhằm phát triển các trung tâm nghiên cứu tại Việt Nam. Điều này sẽ giúp tăng cường giao lưu, trao đổi, chuyển giao về công nghệ, nâng cao kỹ năng của và tạo công ăn việc làm mới trong bối cảnh mới", ông chia sẻ.

Trả lời câu hỏi về khắc phục "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam, ông Guerrier cho biết hai bên đã có các cuộc trao đổi tích cực về vấn đề này trong những năm qua. EU ghi nhận các nỗ lực của Việt Nam trong việc điều chỉnh các quy định của pháp luật, tuy nhiên việc thực thi trên thực tế ở các địa phương và truyền thông tới ngư dân để đạt được hiệu quả còn là một vấn đề. Ông Guerrier cho biết, trong tháng 10 tới, sẽ có một đoàn công tác của EU tới Việt Nam để xem xét những thay đổi và sẽ đưa kết quả đánh giá về các nỗ lực của Việt Nam.

Về lĩnh vực năng lượng, theo ông Guerrier, EU đã đạt được thành công trong việc vừa tăng trưởng GDP, vừa giảm phát thải khí CO2. Ông cho rằng Việt Nam cũng có nhiều lợi thế và cơ hội để đi theo hướng này. Ông lấy ví dụ về Vinfast, công ty gần đây đã có chiến lược táo bạo là chuyển hoàn toàn sang mảng sản xuất xe điện và đạt được những lợi thế của người đi đầu. Ông cũng nhắc tới Trung Quốc khi đang là quốc gia đứng đầu về năng lượng mặt trời.

"Quá trình chuyển đổi xanh này, theo chúng tôi đánh giá, có chi phí lớn nhưng cũng mang lại cơ hội lớn. Đó là cơ hội cho Việt Nam", ông nói.

Ảnh: An Bình