1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đặc nhiệm Ukraine cận chiến tiêm kích Nga, giành lại giàn khoan gần Crimea

Thành Đạt

(Dân trí) - Lực lượng Ukraine tuyên bố giành lại quyền kiểm soát một số giàn khoan dầu khí do Nga kiểm soát gần Crimea.

Đặc nhiệm Ukraine cận chiến tiêm kích Nga, giành lại giàn khoan gần Crimea - 1

Tàu chiến Nga di chuyển gần cầu Crimea (Ảnh: Reuters).

Cơ quan tình báo quân đội Ukraine (GUR) hôm 11/9 thông báo, lực lượng Ukraine đã giành lại quyền kiểm soát các giàn khoan có tên gọi "Tháp Boiko" trong một "chiến dịch đặc biệt".

"Đối với Ukraine, việc giành lại quyền kiểm soát Tháp Boiko có tầm quan trọng chiến lược, khiến Nga mất khả năng sử dụng chúng cho mục đích quân sự. Nga đã mất khả năng kiểm soát hoàn toàn Biển Đen và điều này khiến Ukraine tiến thêm nhiều bước trong mục tiêu giành lại Crimea", tuyên bố của GUR cho biết.

GUR tuyên bố, lực lượng đặc nhiệm Ukraine di chuyển bằng xuồng cao tốc đã giao tranh với một máy bay chiến đấu của Nga, khiến máy bay này bị hư hỏng và buộc phải rút lui.

 "Một trận chiến đã diễn ra giữa lực lượng đặc nhiệm Ukraine trên xuồng và máy bay chiến đấu Su-30 của Nga. Kết quả của trận chiến là máy bay Nga bị trúng đạn và buộc phải rút lui", tình báo Ukraine thông báo.

"Trong quá trình giao tranh, các lực lượng đặc nhiệm đã thu được những chiến lợi phẩm có giá trị: một kho đạn trực thăng loại UAM (tên lửa máy bay không dẫn đường), cũng như radar Neva, có thể theo dõi chuyển động của các tàu ở Biển Đen", tình báo Ukraine cho biết thêm

Ukraine xác nhận các giàn khoan đã bị Nga kiểm soát từ năm 2015, sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, và được Moscow sử dụng cho mục đích quân sự kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2 năm ngoái.

Tình báo Ukraine cho biết Tháp Boiko đã được Nga sử dụng làm bãi đáp trực thăng và triển khai thiết bị radar. Bộ Quốc phòng Anh cũng nói rằng tháp có thể đóng vai trò là "căn cứ để triển khai lực lượng, sân đỗ trực thăng và đặt hệ thống tên lửa tầm xa".

Trước khi Nga sáp nhập Crimea, Ukraine đã khai thác một phần đáng kể khí đốt tự nhiên từ Biển Đen, cung cấp khí đốt không chỉ cho bán đảo Crimea mà còn cho các khu vực đất liền của Ukraine.

Những tuần gần đây, Ukraine được cho là tăng cường nhắm mục tiêu tấn công vào Crimea bằng các thiết bị không người lái và tên lửa tầm xa. Các hệ thống phòng không của Nga đã chặn và bắn hạ hàng loạt máy bay không người lái tập kích Crimea.

Đặc nhiệm Ukraine cận chiến tiêm kích Nga, giành lại giàn khoan gần Crimea - 2

Bán đảo Crimea ở phía nam Ukraine (Ảnh: NYT).

Nga sáp nhập Crimea từ tháng 3/2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi. Moscow coi Crimea là một phần lãnh thổ không thể tách rời.

Kể từ đó đến nay, Moscow đã tăng cường hệ thống phòng thủ với niềm tin biến Crimea thành pháo đài "bất  khả xâm phạm". Tuy nhiên, Crimea liên tục bị tập kích sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.

Bất chấp cảnh báo của Nga, Ukraine vẫn khẳng định ý định khôi phục toàn bộ lãnh thổ theo đường biên giới năm 1991, bao gồm Crimea. Các cuộc tấn công thường xuyên của máy bay không người lái và lực lượng đặc nhiệm trên bán đảo Crimea và cầu Crimea gần đây đã cho thấy quyết tâm đó của Kiev.

Giới chức Ukraine từng tuyên bố sẽ tiến quân vào Crimea khoảng cuối năm nay. Tuy nhiên, giới lãnh đạo và chuyên gia phân tích phương Tây tỏ ra hoài nghi về khả năng của Ukraine trong việc giành lại Crimea trong tương lai gần.

Theo Reuters