1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đã có 2 nước đề nghị công dân rời Thái Lan tránh bạo lực

(Dân trí) - Cô-ét và Oman đã trở thành hai nước đầu tiên đề nghị công dân nước mình rời khỏi Thái Lan trong bối cảnh căng thẳng tại đây vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Trong khi đó bom tiếp tục nổ tại Bangkok trong ngày hôm qua (18/1).

Bạo lực tại Thái Lan vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống
Bạo lực tại Thái Lan vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống

Theo tờ Nation của Thái Lan, thông tin trên được ông Sek Wannamethee, Vụ trưởng vụ thông tin Bộ ngoại giao Thái Lan xác nhận với báo giới.

Đây là những quốc gia đầu tiên đã đưa ra những cảnh báo như trên tới người dân nước mình, bởi trước đó các quốc gia khác mới chỉ khuyên người dân không nên du lịch tới Thái Lan, hoặc trách các khu vực có biểu tình tại Bangkok.

Ông Sek Wannamethee cho biết thêm rằng các Tiểu vương quốc A rập thống nhất, một quốc gia Trung Đông khác, cũng đã khuyên công dân nước mình hoãn kế hoạch tới Thái Lan.

Cho đến nay 46 quốc gia đã phát đi cảnh báo đi lại tới người dân nước mình, trong bối cảnh căng thẳng chính trị tại Thái Lan tái bùng phát.

Bom tiếp tục nổ tại Bangkok

Trong khi đó, bạo lực trong ngày hôm qua tiếp tục nổ ra giữa những người chống chính phủ và các lực lượng ủng hộ chính quyền.

Trong chiều qua, những quả bom tự tạo đã được ném về phía một khu vực biểu tình gần giao lộ Lat Phrao, Bangkok. Các nhân chứng cho biết có 2 tiếng nổ đã vang lên. Những quả bom được ném ra từ một chiếc xe bán tải đi ngang qua khu vực cầu vượt Lat Phrao. Lực lượng bảo vệ điểm biểu tình đi trên xe máy đã chặn được chiếc xe bán tải và bắt giữ hai người đàn ông bên trong.

Các nghi phạm này sau đó bị người biểu tình thẩm vấn trên đường Lat Phrao. Hai kẻ này được cho là các thành viên của lực lượng “áo đỏ” ủng hộ chính phủ, đến từ tỉnh Pathum Thani, và một trong số họ mang một thẻ thành viên của lực lượng bảo vệ áo đỏ, Suchart Srisang, một lãnh đạo phe biểu tình cho biết.

Hiện người biểu tình đang cân nhắc xem có giao nộp những người này cho cảnh sát hay không, một lãnh đạo khác của phe biểu tình phụ trách địa điểm Lat Phrao nói.

Trong khi đó, tại tỉnh Nakhon Pathom, hai kẻ tấn công không rõ danh tính đã nã đạn vào đền Or Noi vào đầu giờ sáng, nhưng không có ai bị thương.

Đây là vụ nã đạn thứ hai liên tiếp vào ngôi đền của đạo Phật, nơi sư trụ trì là một lãnh đạo người biểu tình chống chính phủ

Người của đảng Dân chủ đứng sau vụ ném lựu đạn?

Hiện cảnh sát Thái Lan cũng đang điều tra hai nghi phạm của vụ ném lựu đạn vào người biểu tình, khiến một người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương hôm thứ Sáu. Một trong hai nghi phạm được cho là người thân cận của một cựu nghị sỹ đảng Dân chủ.

Thiếu tướng cảnh sát Adul Narongsak, phó chỉ huy cảnh sát Bangkok cho biết một đoạn video ghi lại hiện trường vụ nổ cho thấy, một người đàn ông đội mũ trắng đi bộ gần một chiếc xe bán tải, và thả một vật gì đó xuống, trước khi chạy lại núp sau một cây cột. 5 giây sau, vụ nổ diễn ra.

Kowit Tharana, một cựu nghị sỹ đảng Dân chủ, đã thừa nhận chiếc xe tải thuộc về một cấp dưới của mình, nhưng ông cho biết người lái xe cũng bị thương sau vụ nổ, và rằng không thể có chuyện người này có dính líu tới vụ tấn công.

Sau khi vụ nổ xảy ra, lái xe của chiếc xe bán tải đã bỏ chạy tới chiếc cột để ẩn náu. Đến khi tình hình lắng xuống, hai người này mới đi ra từ sau chiếc cột, và nhặt một thứ gì đó từ dưới đất lên, mà cảnh sát cho rằng là chốt của quả lựu đạn.

Những người này sau đó bỏ đi mà không bận tâm tới người bị thương.

Thiếu tướng Adul cho rằng có thể hai người này quen biết nhau, và có liên quan đến vụ nổ. Trong khi đó loại lựu đạn đã phát nổ được xác nhận là một lựu đạn RGD-5, không phải loại lựu đạn mà quân đội hay cảnh sát Thái Lan sử dụng.

Thanh Tùng
Tổng hợp