1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cựu phóng viên đứng sau chính sách cứng rắn của Mỹ với Trung Quốc

(Dân trí) - Từng bị đe dọa khi còn là một phóng viên tại Bắc Kinh, Phó Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Matthew Pottinger đang có những ảnh hưởng thầm lặng nhưng mạnh mẽ trong chính sách đối ngoại của Mỹ với Bắc Kinh.

Cựu phóng viên đứng sau chính sách cứng rắn của Mỹ với Trung Quốc - 1

Matthew Pottinger (giữa) là người quyền lực thứ hai tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Washington Post đưa tin, ba năm sau khi gia nhập chính quyền của Tổng thống Donald Trump năm 2017 với tư cách là Giám đốc cấp cao của bộ phận châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), ông Matthew Pottinger, 46 tuổi, hiện là Phó cố vấn an ninh, nhân vật quan trọng thứ hai tại tổ chức này. Ông được xem là nhân vật quan trọng trong việc định hướng lại chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc theo cách tiếp cận cứng rắn hơn, tờ báo dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết.

Năm 2017, Pottinger từng tham gia xây dựng tài liệu chiến lược an ninh quốc gia Mỹ, chính thức gọi tên Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” và “một cường quốc xét lại”. Trong một cuộc phỏng vấn vào mùa thu năm ngoái, H.R. McMaster, người từng là Cố vấn An ninh quốc gia thứ hai của Tổng thống Trump, đã gọi Pottinger là “trung tâm của sự chuyển đổi lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ sau Chiến tranh Lạnh, với cách tiếp cận cạnh tranh với Trung Quốc”.

Tiếng nói đầu tiên cảnh báo về đại dịch Covid-19

Vào tháng 2, khi Tổng thống Trump dự đoán rằng Trung Quốc đã kiểm soát được dịch Covid-19, ông Pottinger đã cho rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang tiến hành một chiến dịch che giấu thông tin quy mô lớn và một cuộc “chiến tranh tâm lý” để che giấu nguồn gốc của virus SARS-CoV-2, tránh để không bị đổ lỗi. Tình báo Mỹ cho rằng có các dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang cố tình đưa ra thông tin sai trong khi truyền thông Trung Quốc cố gắng thay đổi các diễn biến quan trọng.

Cũng theo nguồn tin này, ngay từ những ngày đầu, Pottinger đã kêu gọi Tổng thống Trump và các quan chức cấp cao khác gọi tên SARS-CoV-2  là “virus Vũ Hán” để không nhầm lẫn về nguồn gốc của dịch bệnh. Tổng thống Trump sau đó đã tiếp tục đẩy quan điểm này lên mức cao hơn khi dùng từ “virus Trung Quốc”. Ngoại trưởng Mike Pompeo hồi tháng 3 cũng từng muốn G7 ký một tuyên bố tập thể sử dụng từ “virus Vũ Hán” trước nhưng đề nghị này bị từ chối.

Ông Pottinger tin rằng việc xử lý dịch Covid-19 của Bắc Kinh là một “thảm họa”, và “cả thế giới đang phải phải cùng chịu đựng thiệt hại do các vấn đề quản trị nội bộ của Trung Quốc gây ra”, nguồn tin giấu tên trên cho biết thêm.

Kể từ những ngày đầu tiên xảy ra đại dịch ở Mỹ, ông Pottinger thường xuyên trao đổi với anh trai ông, một nhà virus học tại Đại học Washington, người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân đầu tiên nhiễm Covid-19 tại Mỹ. Ông đã truyền tải những thông tin tại tuyến đầu chống dịch cho lực lượng đặc nhiệm phản ứng với dịch Covid-19 của Nhà Trắng do Phó Tổng thống Mike Pence đứng đầu.

Không chỉ đảm bảo dự trữ khẩu trang cho nhân viên của NSC, ông Pottinger còn sớm dời phòng làm việc của mình từ Cánh Tây sang Nhà Văn phòng điều hành Eisenhower nhằm duy trì giãn cách với Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien nhằm giảm nguy cơ hai người cùng lúc nhiễm bệnh, đảm bảo cơ quan này hoạt động bình thường trong mọi điều kiện.

 Theo nguồn tin của WP, chính ông Pottinger là người đầu tiên đề xuất với Tổng thống Trump kế hoạch đóng cửa một số chuyến bay từ Trung Quốc ngay từ cuối tháng 1. Vào tháng 3, dưới sự tham vấn của ông, Bộ Ngoại giao đã cắt giảm số lượng thị thực cho các nhà báo Trung Quốc.

Ông Pottinger cũng là người ủng hộ quyết định của Tổng thống Trump ngừng tài trợ cho WHO và ông chính là người dẫn đầu nhóm cố vấn cho Tổng thống Trump về các phương án hiện thực hóa quyết định này.

Ngoài ra, ông Pottinger hiện đang thúc đẩy các cơ quan tình báo kiểm tra giả thuyết rằng mầm bệnh đã vô tình khởi phát từ một phòng thí nghiệm virus học ở Vũ Hán, chứ không phải từ chợ động vật hoang dã, nguồn tin của WP cho hay.

Thời kỳ làm báo định hình quan điểm “cứng rắn” với Bắc Kinh

Theo WP, Matthew Pottinger, người đã có vợ và hai con, không được biết đến nhiều trong giới tinh hoa Mỹ khi mới gia nhập chính quyền Trump, dù gia đình ông đã có truyền thống làm việc cho các chính quyền Mỹ. Cha của ông, Stanley Pottinger, đã làm việc tại bộ phận dân quyền trong Bộ Tư pháp trong chính quyền của hai Tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford.

Ông Pottinger có hiểu biết sâu sắc về Bắc Kinh trong nhiều năm làm báo tại đây. Ông từng là phóng viên thường trú tại Trung Quốc của hai hãng thông tấn lớn là Reuters Wall Street Journal (WSJ) hồi cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000.

Cuối thời gian này, ông Pottinger phụ trách đưa tin về dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng). Ông đã viết bài điều tra một đợt tái bùng phát dịch quy mô nhỏ có liên quan đến sự cố ở một phòng thí nghiệm. Trong một bút ký trên WSJ năm 2005, ông kể lại từng bị cảnh sát Trung Quốc giám sát, phải thả các ghi chú xuống nhà vệ sinh để phi tang và từng bị tấn công, đe dọa bởi giới chức địa phương tại một tiệm cà phê Starbucks ở Bắc Kinh.

Theo một số đồng nghiệp cũ, kinh nghiệm từ các bài điều tra trước đây và những hiểu biết về cách Trung Quốc kiểm soát thông tin có thể đã định hình góc nhìn của cựu nhà báo với đại dịch Covid-19 hiện nay và cả công việc của ông tại Nhà Trắng.

Năm 2019, ông tham gia nhóm tư vấn cho Tổng thống Trump về quyết định đưa Huawei vào “danh sách đen” của Bộ Thương mại, gia tăng trở ngại cho việc hợp tác giữa gã khổng lồ viễn thông của Trung Quốc với các công ty Mỹ. Trong một diễn đàn được tổ chức ở Ấn Độ vào đầu năm nay, ông Pottinger viện dẫn những biện pháp trợ giá bất bình đẳng từ chính phủ Trung Quốc cho Huawei là lý do cho chính sách này. Ông cũng từng so sánh rằng việc mở cửa cho tập đoàn viễn thông Trung Quốc vào Mỹ nguy hiểm tương tự như việc Tổng thống Mỹ Ronald Reagan hay nữ Thủ tướng Anh Margaret Thatcher trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh đồng ý để cơ quan tình báo của Liên Xô KGB xây dựng các mạng lưới viễn thông.

Ông Pottinger rời ngành báo vào năm 2005 để gia nhập Thủy quân lục chiến Mỹ và từng là sỹ quan tình báo ở Iraq và Afghanistan. Trong một bài báo đăng trên WSJ, cựu nhà báo nói rằng ông được truyền cảm hứng thay đổi sự nghiệp sau khi xem đoạn video “đáng ghê tởm” về một người Mỹ bị một kẻ khủng bố chặt đầu ở Iraq.

Tại Afghanistan, Pottinger đã thu hút sự chú ý của Trung tướng Michael Flynn, người đang giám sát hoạt động tình báo và sau này trở thành Cố vấn an ninh quốc gia đầu tiên của Tổng thống Trump. Hai người từng hợp tác soạn thảo một báo cáo quan trọng về các phương pháp thu thập thông tin quân sự năm 2010.

Năm 2016, tướng Flynn trở thành cố vấn cấp cao của ông Donald Trump. Sau khi chiến dịch tranh cử thắng lợi, ông Flynn đề cử Pottinger, khi đó đang làm việc cho một quỹ đầu tư mạo hiểm ở New York, vào đội hình chuyển giao quyền lực, mở đường cho Pottinger bắt đầu sự nghiệp tại Nhà Trắng.

Với “sự cẩn trọng phi thường”, “sự thức thời trong việc tìm kiếm đồng minh” cùng “sự tôn trọng thứ bậc mệnh lệnh kiểu nhà binh”, Pottinger ở lại NCS trong thời gian dài và thăng tiến thành người quyền lực số hai trong NCS, chỉ dưới quyền Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien, người "sếp" thứ tư của ông trong hơn 3 năm qua.

Theo lời kể của một số nguồn tin, khi còn là giám đốc cấp cao bộ phận châu Á, ông Pottinger luôn giữ một tấm bảng trắng cỡ lớn trong phòng làm việc. Ông xây dựng một sơ đồ vô cùng chi tiết về sự gia tăng ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc. Biểu đồ được viết nhiều thuật ngữ quân sự như “đường hiệp lực” hay “mục tiêu chiến lược”. Theo lời một đồng nghiệp cũ trong NSC, tấm bảng này đóng vai trò như một bảng tổng hợp, giúp Pottinger thống kê mọi cách thức Bắc Kinh dùng để “tấn công phương Tây và cách để chúng ta phản công”.

Trong hơn 3 năm tại nhiệm, chính sách với Trung Quốc của Tổng thống Trump được cho là “thiếu nhất quán”. Có những thời điểm, ông nghiêng về những quan điểm ôn hòa từ nhóm cố vấn kinh tế ủng hộ hợp tác thương mại, gồm con rể kiêm cố vấn cấp cao Jared Kushner, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin. Đôi lúc, ông lại lắng nghe các quan điểm cứng rắn luôn muốn thúc đẩy quá trình “tách đôi” hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, như cựu chiến lược gia trưởng Stephen Bannon.

Trong một diễn đàn tại Ấn Độ hồi đầu năm nay, khi được hỏi liệu chính quyền Mỹ có hướng đến việc “tách rời kinh tế” với Trung Quốc trong một tình trạng tương tự Chiến tranh Lạnh hay không, ông Pottinger đã trả lời rằng: “Tách rời là khi có một bức tường lửa khổng lồ mà không một công ty công nghệ phương Tây nào có thể phát triển hay tồn tại ở Trung Quốc… Và việc tách rời là một hiện tượng đã diễn ra trong một thời gian khá dài nhưng không phải do Mỹ thúc đẩy”.

Hà Phương

Theo Washington Post