Cựu binh Úc vẫn đau đáu với 90 lá thư của bộ đội Việt Nam
(Dân trí) - Cựu binh Úc, người trở lại Việt Nam vào năm ngoái cùng một đồng đội mang theo “Lá thư xuân” đầy xúc động của người lính họ Phan, đến nay vẫn còn bao nỗi khắc khoải trong lòng. Bởi ông vẫn còn lưu giữ 90 lá thư và nhiều kỷ vật khác của bộ đội Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh.
Người cựu binh từng tham chiến ở chiến trường Việt Nam Derrill de Heer vào đầu tháng 4 năm ngoái đã trở lại Việt Nam cùng cựu binh Laurens Wildeboer, mang theo cuốn sổ có bài thơ “Lá thư Xuân” mà ông Wildeboer lưu giữ suốt 40 năm, trao trả cho Việt Nam. Mặc dù thân nhân của bài “Lá thư Xuân” chưa được tìm thấy, nhưng cả hai cựu binh Derrill de Heer và Laurens Wildeboer đã trao trả được một số kỷ vật khác của bộ đội Việt Nam cho người thân của họ. Và quan trọng hơn, hành động của họ là một cử chỉ đẹp, giúp hàn gằn hai phía từng ở hai đầu chiến tuyến, tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Bản thân những người cựu binh Úc cũng nguôi ngoai đôi chút về những sai lầm trong quá khứ chiến tranh.
Và giờ đây, đúng vào năm kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ Việt-Úc, cựu binh Derrill de Heer, thành viên của Dự án Những linh hồn phiêu bạt, thuộc Đại học New South Wales chi nhánh tại Canberra, dự kiến sẽ trở lại Việt Nam thêm một lần nữa. Lần này, dự án của ông dự kiến sẽ trao lại cho chính phủ Việt Nam và các thân nhân liệt sỹ toàn bộ trên 150 di vật của các liệt sỹ Việt Nam được các binh sỹ Úc và New Zealand lưu giữ trong cuộc chiến tranh Việt Nam từ năm 1966 đến năm 1971.
Bà Ngô Thị Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm quản lý dữ liệu liệt sỹ và người có công (MARIN) tại Hà Nội, cho biết qua phối hợp với Dự án Những tâm hồn phiêu bạt, trung tâm MARIN của bà đã tìm được nhiều người là người nhận hoặc người gửi các thư mà đến nay vẫn còn sống. Họ cũng rất muốn nhận lại những lá thư này.
Ngoài ra, còn có 19 bức phác họa màu Derrill de Heer thu thập được và dự kiến sẽ trao lại cho Việt Nam khi trở lại đây trong một vài tháng nữa. Theo Derrill de Heer, hầu hết các bức phác họa này là do một họa sỹ vẽ và chỉ có một bức là của một người khác vẽ.
Derrill de Heer cho biết, các bức phác họa này được thu thập tại một hệ thống hầm ở tỉnh Phước Tuy (Bà Rịa Vũng Tàu ngày nay) hoặc tỉnh Long Khánh hay tây nam Biên Hòa. Tuy nhiên, ông cũng không thể chắc chắn về điều này.
Ông cũng ám ảnh bởi một bức ảnh chụp một người lính Việt Nam, được cho là trung sỹ quân y, nhiều khả năng hi sinh vào năm 1968. Bức ảnh của anh được tìm thấy trên người lúc anh ngã xuống. Ông de Heer cũng rất muốn trao lại tận tay bức ảnh này cho người thân của anh.
Dự án Những linh hồn phiêu bạt là dự án của một nhóm các nhà nghiên cứu do tiến sỹ Bob Hall, cũng là cựu binh tham chiến ở Việt Nam, đứng đầu. Dự án này thuộc Trung tâm Nghiên cứu Xung đột vũ trang và Xã hội của Úc, Đại học New South Wales chi nhánh tại Canberra và có trụ sở đặt tại Học viện Lực lượng Quốc phòng Australia tại Canberra. Suốt nhiều năm qua, họ đã nghiên cứu các chiến dịch của Australia từ năm 1966 đến 1971 tại Phước Tuy (nay thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) và Biên Hòa (nay thuộc tỉnh Đồng Nai). Họ đã từng chuyển cho chính phủ Việt Nam và một số nhóm cựu chiến binh nhiều thông tin đánh dấu vị trí những địa điểm binh sỹ Úc và New Zealand đã chôn cất bộ đội Việt Nam. |
Vũ Quý