1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Cuộc xử lý khủng hoảng căng thẳng lúc nửa đêm sau vụ tên lửa rơi ở Ba Lan

Thanh Thành

(Dân trí) - Tổng thống Joe Biden đang nghỉ ngơi tại Indonesia thì các trợ lý đánh thức ông vào nửa đêm với tin khẩn cấp: một quả tên lửa đã tấn công Ba Lan khiến 2 người thiệt mạng.

Cuộc xử lý khủng hoảng căng thẳng lúc nửa đêm sau vụ tên lửa rơi ở Ba Lan - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia họp khẩn sau vụ tên lửa rơi ở Ba Lan (Ảnh: Reuters).

Đến tận 5h30 giờ địa phương ở Bali, Indonesia, nơi các lãnh đạo thế giới đang tham dự hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Mỹ Joe Biden, vẫn mặc áo phông và quần kaki, điện đàm với người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda để tìm hiểu rõ ràng hơn về vụ việc.

Thông tin quan trọng lúc đó là: nguồn gốc thực sự của tên lửa, từ Nga hay từ Ukraine. Bởi thực tế là vụ việc xảy ra giữa lúc xung đột ở Ukraine vẫn khốc liệt và nếu tên lửa do Nga khai hỏa, đây sẽ là cuộc tấn công của Moscow nhằm vào một thành viên NATO, động thái có thể làm bùng nổ xung đột toàn diện giữa Nga và liên minh quân sự duy nhất trên thế giới này.

Ngoại trưởng Antony Blinken, người đi cùng Tổng thống Biden đến Indonesia, cũng đã bị đánh thức vào khoảng 4 giờ sáng giờ địa phương vì tin tức về vụ nổ, một quan chức Mỹ cho biết.

Ông Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nhanh chóng nói chuyện với những người đồng cấp ở Ba Lan và tham gia cùng Tổng thống Biden trong cuộc điện đàm với Tổng thống Duda sau đó.

Các giới chức Ba Lan lần đầu tiên nghe tin về vụ nổ ở ngôi làng Przewodów gần biên giới phía đông vào khoảng 10h ngày 15/11 (23h theo giờ Indonesia). Thông tin bắt đầu được công khai và thông báo ngắn gọn cho các đồng minh vào khoảng 13h, tức 2 giờ sáng ở Bali.

Khi trời sáng và có thêm thông tin tình báo, các quan chức Mỹ đã kiểm tra các hệ thống tình báo dựa trên vệ tinh và nói với các đối tác Ba Lan rằng, tên lửa  nhiều khả năng là của Ukraine, có thể do lực lượng phòng không nước này khai hỏa để chống lại tên lửa của Nga.

Sau nhiều giờ căng thẳng đỉnh điểm, Tổng thống Biden là người đầu tiên "giảm nhiệt" khi thông báo trước các phóng viên rằng, thông tin ban đầu cho thấy tên lửa "ít có khả năng được phóng từ Nga".

Có thể cảm nhận được sự nhẹ nhõm của các quan chức Mỹ.

Trái ngược với những lo ngại tồi tệ nhất lúc ban đầu, thông tin tình báo sơ bộ cho thấy Nga không cố tình tấn công vào Ba Lan.

Nhưng đối với Tổng thống Biden và các cố vấn của ông, vụ việc vẫn cho thấy một tình huống họ đã lo ngại từ lâu: một cuộc tấn công không chủ ý nhằm vào lãnh thổ thành viên NATO mà hệ lụy và hậu quả rất khôn lường.

Mỹ khuyên "Ukraine nên thận trọng"

Với tình hình phức tạp như vậy, các cố vấn của Tổng thống Biden kêu gọi các bên bình tĩnh và kiên nhẫn, kể cả các quan chức Ukraine.

Khoảng một giờ sau khi tin tức về sự việc được Ba Lan công bố, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố trong bài phát biểu hàng đêm của mình rằng, "tên lửa Nga đã tấn công Ba Lan", gọi đó là "một hành động leo thang nguy hiểm" cần phải có phản ứng đáp trả.

Cố vấn Sullivan đã nhanh chóng gọi điện cho văn phòng Tổng thống Zelensky ngay sau những bình luận này, kêu gọi giới chức Ukraine cẩn trọng hơn trong các tuyên bố về vụ việc, một nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết.

Theo CNN, Tổng thống Biden và Zelensky đã không điện đàm với nhau vào tối 15/11, bất chấp đề nghị của nhà lãnh đạo Ukraine "sắp xếp một cuộc gọi".

Mỹ và Ba Lan đã nhanh chóng đồng ý phối hợp chặt chẽ trong cuộc điều tra về vụ nổ tên lửa và Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Bill Burns đã gặp Tổng thống Ba Lan Duda tại thủ đô Warsaw ngay trong tối 16/11. Chỉ vài giờ trước đó, ông Burns vừa phải xuống hầm trú ẩn trong Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Kiev, Ukraine, khi tên lửa Nga dội xuống thành phố.

Và vụ việc cũng đã lộ rõ một số rạn nứt trong liên minh của phương Tây với Ukraine. Các nguồn tin cho biết, Tổng thống Biden và người đồng cấp Duda giờ đây đều công khai nói rằng tên lửa nhiều khả năng được phóng từ hệ thống phòng không của Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky vẫn kiên quyết phủ nhận, điều khiến nhiều quan chức ở Ba Lan cảm thấy thất vọng.

Mặc dù Tổng thống Biden đã nói chuyện với người đồng cấp Ba Lan và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg về sự cố, đồng thời tổ chức họp khẩn cấp với các lãnh đạo G20 ở Bali, cho đến nay, ông chủ Nhà Trắng vẫn không trao đổi trực tiếp với Tổng thống Zelensky.

Thay vào đó, ông Sullivan chỉ thảo luận với chánh văn phòng của Tổng thống Zelensky vài giờ sau vụ nổ ở Ba Lan và Ngoại trưởng Blinken điện đàm với người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba.

Ukraine đã yêu cầu tham gia nhóm điều tra, bao gồm các quan chức Mỹ và Ba Lan, kiểm tra địa điểm tên lửa rơi. Ông nói với các phóng viên: "Chúng tôi phải tham gia vào cuộc điều tra". Nhưng đề nghị đó vẫn chưa được chấp nhận.

Cuộc xử lý khủng hoảng căng thẳng lúc nửa đêm sau vụ tên lửa rơi ở Ba Lan - 2

Hiện trường vụ rơi tên lửa tại Przewodów, Ba Lan khiến 2 dân thường thiệt mạng (Ảnh: Reuters).

Căng thẳng ở Lầu Năm Góc

Trở lại Washington vào hôm 15/11, khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đang họp với Thứ trưởng Quốc phòng Kathleen Hicks và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley thì một phụ tá cắt ngang với tin tức về vụ nổ. Và cả ba quan chức đều nhanh chóng gọi điện cho những người đồng cấp Ba Lan.

Sau đó, vào khoảng 14h, một cuộc họp báo dự kiến được người phát ngôn Lầu Năm Góc Pat Ryder tiến hành. Nhưng một số quan chức trong Lầu Năm Góc chỉ mới nghe tin về tên lửa tấn công Ba Lan từ các phương tiện truyền thông, và Lầu Năm Góc không có gì để chứng thực Nga phóng tên lửa tấn công lãnh thổ một quốc gia NATO.

Các quan chức Lầu Năm Góc phải quyết định xem có nên tiếp tục tổ chức họp báo và đề cập thông tin nhạy cảm này hay không, bởi họ chưa có dữ liệu xác thực nào trong tay.

Cuối cùng, một quan chức nói với CNN rằng, buổi họp báo vẫn diễn ra, nhưng được đẩy nhanh tiến độ, bởi việc hủy họp báo vào phút chót sẽ tạo ra sự hỗn loạn mà các quan chức muốn tránh để xảy ra.

Khi đứng trên bục, ông Ryder đã không trả lời nhiều câu hỏi về tên lửa mà ông vẫn chưa có câu trả lời.

Trong khi đó, tướng Milley đang ở trong văn phòng của mình ở vòng ngoài của Lầu Năm Góc, hướng dẫn nhân viên sắp xếp các cuộc điện thoại. Đầu tiên là với người đồng cấp Ba Lan, tiếp theo là Ukraine. Tướng Milley gọi hết cuộc gọi này đến cuộc gọi khác, nói chuyện với các chỉ huy quốc phòng khác, cũng như với tướng Chris Cavoli, Tư lệnh Tối cao các Lực lượng NATO tại châu Âu, người cũng đang quay cuồng với các cuộc điện thoại.

Các nhân viên của tướng Milley thậm chí còn cố kết nối với Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov nhưng không ai nghe máy. Lần cuối cùng hai vị tướng này trao đổi với nhau là vào cuối tháng 10, một trong rất ít lần đôi bên tổ chức thảo luận kể từ sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. 

Tối hôm đó, tướng Milley và Bộ trưởng Quốc phòng Austin đã thông báo cho  Tổng thống Biden về những gì họ biết được về vụ việc.

Một bức tranh rõ ràng hơn

Đến chiều 16/11, nhiều quan chức cấp cao của Mỹ đã công khai nói rằng thông tin tình báo cho thấy, vụ nổ xuất phát từ một tên lửa phòng không Ukraine vô tình rơi xuống Ba Lan.

Một quan chức cho biết Mỹ cũng đã chia sẻ thông tin mật với các đồng minh trước cuộc họp của NATO vào sáng cùng ngày tại trụ sở ở Bỉ.

"Chúng tôi chưa thấy thông tin gì mâu thuẫn với đánh giá sơ bộ từ Tổng thống Duda rằng vụ nổ rất có thể là kết quả của một vụ phóng tên lửa phòng không Ukraine nhưng không may rơi xuống Ba Lan", phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson cho biết.

Khi xem xét địa điểm xảy ra vụ nổ, lực lượng điều tra của Ba Lan tìm thấy các mảnh vỡ dường như là từ một tên lửa S-300 thời Liên Xô, một số nguồn tin cho biết. Đánh giá ban đầu là tên lửa phòng không của Ukraine đã cố gắng đánh chặn một tên lửa của Nga nhưng đã bắn trượt và rơi xuống Ba Lan.

Trong cuộc họp báo hôm 16/11, Tổng thống Duda cũng thông báo, "từ thông tin mà chúng tôi và các đồng minh có, đó là tên lửa S-300 được sản xuất tại Liên Xô, một tên lửa cũ, và không có bằng chứng nào cho thấy nó được phóng từ Nga. Khả năng cao là nó đến từ lực lượng phòng không Ukraine".

Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky vẫn khẳng định tên lửa không xuất phát từ Ukraine. "Tôi không nghi ngờ gì về việc đó không phải tên lửa của chúng tôi", ông nói với phóng viên ở Kiev ngày 16/11, trích dẫn thông tin từ các báo cáo mà ông nhận được từ chỉ huy lực lượng vũ trang và không quân Ukraine.

Ông Zelensky cũng bày tỏ sự thất vọng khi các quan chức Ukraine không được phép tham gia cuộc điều tra chung giữa Ba Lan và Mỹ về vụ việc này, nói rằng ông muốn xem "số hiệu trên tên lửa, bởi vì tất cả các tên lửa đều có số hiệu trên đó". "Chúng tôi có quyền tham gia đội điều tra không. Tất nhiên là có?", ông Zelensky nói. 

Đến ngày 17/11, Tổng thống Zelensky xác nhận Ukraine đã bắn một tên lửa phòng không, nhưng nhấn mạnh: "Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra. Chúng tôi không biết chắc chắn. Thế giới không biết".

Ông cho biết thêm, chỉ sau cuộc điều tra mới có thể đưa ra kết luận tên lửa của bên nào rơi xuống lãnh thổ Ba Lan.

Theo CNN