1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cuộc sống xa hoa của giới trẻ thượng lưu Triều Tiên

(Dân trí) - Triều Tiên hiện nay xuất hiện tầng lớp “một phần trăm” là nhóm giới trẻ thượng lưu với những sở thích sành điệu như dùng thời trang hàng hiệu của Zara hay H&M, tới các phòng tập để khoe hình thể đẹp, uống cà phê cappuccino hay phẫu thuật cắt mí mắt theo kiểu phương Tây.

Một góc tráng lệ tại thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên (Ảnh: Reuters)
Một góc tráng lệ tại thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên (Ảnh: Reuters)

Giới trẻ thượng lưu Triều Tiên chỉ chiếm 1% dân số, là con cái của các gia đình giàu có sống chủ yếu ở thủ đô Bình Nhưỡng. Trong bài phóng sự được đăng tải gần đây nói về cuộc sống của tầng lớp “một phần trăm” này, tờ Washington Post đã sử dụng thuật ngữ Pyonghattan ghép từ Pyongyang (thủ đô Bình Nhưỡng) và Manhattan, khu trung tâm giàu có của thành phố New York, Mỹ.

Washington Post dẫn lời Lee Seo-hyeon, một cô gái 24 tuổi từng trải nghiệm cuộc sống sành điệu ở Pyonghattan trước khi tới Mỹ, cho biết: “Bình thường chúng tôi buộc phải mặc đồ kín đáo theo truyền thống ở Triều Tiên, vì vậy các phòng tập gym là nơi để mọi người có thể khoe cơ thể và một chút da thịt”.

Phụ nữ khi đến phòng tập thích mặc quần bó sát và áo lửng. Thương hiệu thời trang được nữ giới ưa chuộng là Elle, còn đối với nam giới là Adidas và Nike.

Phụ nữ Triều Tiên bắt đầu mặc trang phục sáng màu và thời thượng hơn (Ảnh: WP)
Phụ nữ Triều Tiên bắt đầu mặc trang phục sáng màu và thời thượng hơn (Ảnh: WP)

Tại các khu phức hợp vui chơi, giải trí ở Bình Nhưỡng, những người thuộc giới thượng lưu vừa chạy bộ trên máy, vừa xem phim hoạt hình Disney trên màn hình hoặc tập yoga. Khu phức hợp này cũng có nhà hàng xa xỉ phục vụ tiệc cưới với giá thuê có thể lên tới 500 USD/giờ và quán café phục vụ đồ uống với giá từ 4 - 9 USD/ly.

“Đó là một nơi rất tuyệt vời. Khi bạn ở đó, bạn có cảm giác chẳng khác gì những nơi khác trên thế giới”, Andray Abrahamian, một người Anh đang tổ chức chương trình trao đổi huấn luyện kỹ năng tài chính tại Triều Tiên, cho biết.

Andray Abrahamian gần đây đăng ký chơi bóng quần trong khu phức hợp ở Bình Nhưỡng chia sẻ: “Giá chơi không hề rẻ. Một lần chơi phải mất vài USD. Nó chắc chắn chỉ dành cho những người có thu nhập cao”.

Nếu so sánh với mức thu nhập trung bình của người dân Triều Tiên khi mức lương chính thức của họ chưa tới 10 USD/tháng, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn như hiện tại, thì những con số trên quả thực là điều rất đáng chú ý. Tuy nhiên, sự phát triển của tầng lớp thương nhân Triều Tiên trong những năm gần đây đã tạo ra thế hệ người giàu mới với lối sống khác biệt rõ rệt với phần còn lại của đất nước.

Hình ảnh bên trong một nhà hàng tại Triều Tiên (Ảnh: WP)
Hình ảnh bên trong một nhà hàng tại Triều Tiên (Ảnh: WP)

Tầng lớp “Donju” hay còn gọi là “thầy tiền” là những người nổi lên về mức độ giàu có khi Triều Tiên bắt đầu thực hiện những bước đi thử nghiệm theo nền kinh tế thị trường từ cách đây 15 năm. Đến thời thế hệ lãnh đạo thứ ba của Triều Tiên là ông Kim Jong-un từ khi ông bắt đầu lên nắm quyền từ cuối năm 2011, hướng đi này bắt đầu phát triển mạnh mẽ hơn.

Những Donju thường giữ các chức vụ trong chính phủ Triều Tiên, ở những bộ, ngành hoặc trong quân đội, điều hành những doanh nghiệp nhà nước ở nước ngoài hoặc phụ trách kêu gọi đầu tư vào Triều Tiên. Ngoài ra, họ cũng tranh thủ làm thêm nghề buôn bán tay trái với những tài sản trong tầm tay của họ như tivi màn hình phẳng hay các căn hộ.

Tiền họ kiếm được chảy khắp xã hội, đi từ các khu chợ ở trong các khu dân cư cho đến các nhà hàng sang trọng ở thủ đô Bình Nhưỡng.

“Ông Kim Jong-un là lãnh đạo rất ủng hộ kinh tế thị trường. Nhiều thương nhân Triều Tiên tôi từng gặp nói rằng họ chưa bao giờ cảm thấy tốt như hiện nay”, Andrei Lankov, nhà sử học người Nga chuyên nghiên cứu về Triều Tiên, cho biết.

Ông Kim Jong-un dành sự ưu tiên lớn cho việc cải thiện cuộc sống của người dân. Ông đã cho xây nhiều công viên giải trí, công viên nước và công viên trượt băng, thậm chí cả khu nghỉ dưỡng trượt tuyết và bể nuôi cá heo. Dọc thủ đô Bình Nhưỡng, lực lượng thanh niên trẻ tuổi chơi trên các sân bóng chuyền và sân tennis lúc nào cũng đông đảo.

Công viên nước Munsu tại thủ đô Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)
Công viên nước Munsu tại thủ đô Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)

Trong chuyến đi tới Bình Nhưỡng vào tháng này, 3 nhà báo của Washington Post đã tới ăn một nhà hàng ẩm thực Đức ở gần tòa tháp Juche. Tại đây, một phần bò bít tết với khoai tây nướng đặc biệt có giá 48 USD, trong khi ở các bàn bên cạnh, hầu hết người dân Triều Tiên chọn cơm trộn truyền thống chỉ với giá 7 USD/tô. Nhưng so với thu nhập trung bình chưa tới 10 USD/tháng của họ thì 7 USD cho một tô cơm trộn bibimbap xem ra cũng không rẻ chút nào.

Tại khu phức hợp Sunrise vào một tối thứ 7, nơi có nhà hàng sushi và nhà hàng nướng, một nhóm người Triều Tiên đang thưởng thức món thịt bò với giá do nhân viên phục vụ bàn tư vấn là 50 USD cho một người uống cùng rượu soju.

“Họ có thể trả từ 10 đến 15 euro cho một bữa ăn”, một người nước ngoài làm việc tại Triều Tiên cho biết.

Ngoài ra, còn một dấu hiệu khác cho thấy người Triều Tiên ngày càng có thu nhập dư dả, đó là sự xuất hiện của 5 đến 6 hãng taxi tại đất nước này và hình ảnh những người Triều Tiên dắt chó cưng đi dạo trên phố. Những hình ảnh này hoàn toàn vắng bóng ở Triều Tiên cách đây vài năm.

Trong khi đó, phụ nữ Triều Tiên bắt đầu diện những bộ trang phục sáng màu và thời thượng hơn theo phong cách của Đệ nhất phu nhân Ri Sol Ju.

Phụ nữ Triều Tiên ăn mặc theo phong cách của Đệ nhất phu nhân Ri Sol Ju (Ảnh: WP)
Phụ nữ Triều Tiên ăn mặc theo phong cách của Đệ nhất phu nhân Ri Sol Ju (Ảnh: WP)

Hiện nay, khoảng 3 triệu người Triều Tiên, trong dân số 25 triệu người, sở hữu điện thoại di động, trong đó phải kể tới thương hiệu điện thoại thông minh Ariang do Triều Tiên tự sản xuất.

Một siêu thị lớn ở Bình Nhưỡng cũng bày bán những sản phẩm nhập khẩu xa xỉ như bò Úc, cá hồi Na Uy hay thực phẩm chức năng granola. Tất nhiên, tất cả những sản phẩm này đều được bán với giá “trên trời” so với thu nhập của phần lớn người dân Triều Tiên.

Phẫu thuật thẩm mỹ giờ đây cũng không còn xa lạ với người Triều Tiên. Một ca phẫu thuật cắt mí để giống người phương Tây có giá trong khoảng từ 50 - 200 USD tùy thuộc vào tay nghề của bác sĩ.

Cô Seo Hyeon cho biết: “Bạn có thể xin thị thực ra nước ngoài chữa bệnh, nhưng phẫu thuật thẩm mỹ không được xem là lý do chữa bệnh chính đáng. Tuy nhiên, ngoại hình đẹp là một lợi thế rất lớn ở đây”.

Mặc dù vậy, Bình Nhưỡng thực sự hào nhoáng đến đâu? Và bao nhiêu phần trăm trong sự thay đổi chóng mặt đó là thực chất?

Abrahamian cho rằng, phần lớn sự hào nhoáng ở Triều Tiên chỉ là vẻ bề ngoài. “Các quán cafe không thu được nhiều lợi nhuận. Đó chỉ là vẻ bề ngoài để tỏ ra họ là người sành điệu và mang dáng dấp thành thị”, ông nhận định.

Một trong những ví dụ rõ ràng nhất minh chứng cho sự hào nhoáng “nửa vời” của Triều Tiên là sự bùng nổ của những khu nhà cao tầng ở trung tâm Bình Nhưỡng. Nhìn từ xa, những căn hộ cao tầng mọc lên từ khu phức hợp Changjon gần quảng trường Kim Nhật Thành cho tới đường Mirae nhìn vô cùng ấn tượng. Nhưng nếu quan sát kỹ hơn bên trong các tòa nhà này sẽ thấy từng mảng gạch bong ra dù mới chỉ xây dựng được một năm, còn hệ thống điện thì chập chờn. Do vậy phần lớn người dân chỉ chọn mua các căn hộ ở dưới những tầng thấp. Ai muốn chịu cảnh đi bộ lên tận tầng 20 bây giờ?

Một chung cư ở thủ đô Bình Nhưỡng, nổi bật với màu đỏ và trắng (Ảnh: Reuters)
Một chung cư ở thủ đô Bình Nhưỡng, nổi bật với màu đỏ và trắng (Ảnh: Reuters)

Mặc dù vậy, Chủ tịch Kim Jong-un vẫn tiếp tục đưa ra những chính sách phát triển mới tại khu vực đường Ryomyong. Ông ra lệnh xây dựng những tòa nhà chọc trời nguy nga, mỗi tòa 70 tầng với những thiết kế thân thiện môi trường như pin năng lượng mặt trời hay nhà thực vật. Những chính sách này chắc chắn sẽ tiếp tục làm thay đổi bộ mặt của Triều Tiên trong tương lai nhưng đó có phải là sự thay đổi thực chất hay không thì vẫn chưa thể kết luận được.

Thành Đạt

Tổng hợp