Cuộc sống khốn cùng tại “thiên đường hoa lệ” Hong Kong
(Dân trí) - Dù Hong Kong là một trong những vùng đất hoa lệ, giàu có bậc nhất thế giới, nơi tập trung của giới siêu giàu châu Á, nhưng chênh lệch giàu nghèo tại đây ngày càng sâu sắc và những người nghèo khó vẫn chật vật mưu sinh dù làm lụng cật lực mỗi ngày.
Trước khi mặt trời mọc, Ah Wing đã ra đường để làm công việc nhặt rác và anh chỉ có thể về nhà trước nửa đêm. Đây đã là lịch làm việc cố định hàng ngày của Wing, trừ một ngày duy nhất anh nghỉ ngơi để dành thời gian với vợ và 2 con.
Wing, 43 tuổi, kiếm được 18.000 đô la Hong Kong mỗi tháng (2.300 USD). Cùng với vợ, người đang làm bán thời gian tại một tiệm ăn nhanh, tổng thu nhập của cả gia đình là 20.000 đô la Hong Kong. Con số trên chỉ vừa đủ cho gia đình Wing vượt qua mức thu nhập được xét là hộ gia đình nghèo với 4 nhân khẩu (19.900 đô la Hong Kong).
Tuy nhiên, họ buộc phải dành mỗi tháng 3.300 đô la Hong Kong để thuê một căn phòng với diện tích vỏn vẹn 9,3 m2 ở khu Mong Kok.
“Dù lương của tôi khá thấp, nhưng thu nhập khá đều đặn và tôi có thể làm thêm giờ để kiếm thêm”, Wing nói.
Câu chuyện của Wing chỉ là một trong rất nhiều những câu chuyện tương tự về những người Hong Kong lao động cật lực mỗi ngày nhưng vẫn chật vật mưu sinh cho bản thân và gia đình.
Chính quyền Hong Kong đã công bố một báo cáo về tình trạng người nghèo năm 2017, với thống kê cho thấy có 1,38 triệu cư dân của thành phố đang sống dưới mức nghèo khó. Con số này đã đạt mức kỷ lục và tăng 25.000 so với năm 2016.
Tỉ lệ người nghèo cũng tăng thêm 0,2% trong cùng kỳ, đạt mức 20,1%, cao nhất kể từ năm 2010.
Theo báo cáo trên, các hộ nghèo thường là những gia đình có người già đã về hưu hoặc chỉ có một thành viên gia đình làm việc và thường là công việc tay nghề thấp.
Giáo sư Yip Siu-fai tại đại học Hong Kong nói rằng những người trình độ thấp ở Hong Kong là nhóm người rất thiệt thòi vì họ gần như không thể thoát nghèo dù luôn nỗ lực làm việc, thậm chí 12h/ngày.
Với Ah Wing, người chỉ có trình độ học vấn tương đương với lớp 5 ở Hong Kong, có việc làm là điều may mắn vì anh không có quyền được kén chọn.
Wing đi theo xe rác mỗi ngày từ 6h30 sáng tới 3h30 chiều. Sau khi nghỉ ngơi 1h, anh sẽ tiếp tục lao mình vào đống rác để kiếm tiền cho tới 11h đêm. Với Wing, thời gian với vợ và 2 con là một thứ gì đó xa xỉ vì anh thường đi làm lúc con chưa ngủ dậy và đi về khi chúng đã lên giường say giấc.
“Con gái tôi thường hay phàn nàn rằng tôi đi làm thường xuyên và không đưa chúng đi chơi và ăn uống nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác vì tôi phải kiếm tiền để nuôi cả nhà”, Wing phân trần. Công việc nặng nhọc lâu dài cũng khiến Wing bị bệnh đau lưng kinh niên.
Cuộc sống bế tắc
Một người cao tuổi đi nhặt những tấm bìa các tôn để bán lấy tiền (Ảnh: SCMP)
Theo ông Yip, nhiều người lao động nghèo ở Hong Kong đang nhận các công việc mà chính quyền khoán cho các nhà thầu tư nhân như nhân viên bảo vệ, người dọn vệ sinh. Wing là một ví dụ điển hình.
Hong Kong bắt đầu khoán các công việc này cho các công ty tư nhân vào năm 2002 trong nỗ lực nhằm cắt giảm ngân sách và chi phí.
Mặc dù vậy, khoản tiền chính phủ trả cho nhà thầu không ít hơn việc họ thuê và trả lương trực tiếp cho các lao động là bao.
“Họ vẫn làm công việc tương tự, nhưng thay vì kiếm được 13.000 đô la Hong Kong mỗi tháng, các lao động chỉ nhận được từ 8.000-9.000 đô la Hong Kong, trong khi 20-40% rơi vào túi các nhà thầu”.
Ông Yip cho rằng chính quyền Hong Kong đã tạo ra một nhóm người lao động nghèo mới rồi sau đó lại phải đi trợ cấp cho gia đình của những lao động này. Theo ông Yip, thành phố có khoảng 60.000 tới 70.000 người như Wing.
Số tiền trợ cấp hàng tháng dựa vào tiền lương và giờ làm việc của người lao động. Ví dụ, một hộ gia đình 4 người làm việc 144 giờ mỗi tháng với thu nhập dưới mức 20.100 đô la Hong Kong, có thể nhận được 800 đô la Hong Kong tiền lương cơ bản và trợ cấp 1.000 đô la Hong Kong cho mỗi đứa con.
Một nhóm khác dễ rơi vào cảnh đói nghèo là những người nhập cư từ Trung Quốc đại lục. Theo ông Yip, tăng trưởng dân số của Hong Kong trong 10 năm qua có từ 60-70% tới từ các đại lục. Phần lớn các phụ nữ đến Hong Kong từ đại lục có trình độ học vấn khá thấp và khó tìm kiếm việc tại thành phố này khiến nhiều người phải chịu cảnh thất nghiệp.
Ah Yu và chồng tới Hong Kong 5 năm trước với hy vọng sẽ mang lại nền giáo dục tốt hơn cho 2 con trai. Họ chỉ có trình độ học vấn cấp 2 và kiếm được khoảng 14.000 đô la mỗi tháng. Họ phải chi một phần trong số tiền trên để thuê căn nhà chỉ 10 m2.
Nỗi lo lắng lớn nhất của Yu và các gia đình có hoàn cảnh tương tự là tình cảnh khốn khó sẽ như một vòng luẩn quẩn, không buông tha cho các con cái của họ sau này. Và họ vẫn đang nỗ lực để có thể tồn tại mà chưa biết tương lai sẽ đi về đâu.
Một nhóm người "tị nạn" tiệm ăn nhanh, ám chỉ những người ngủ qua đêm tại các cửa hàng mở cửa 24/24h vì không có tiền thuê nhà (Ảnh: SCMP)
Đức Hoàng
Theo SCMP