1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cuộc sống khó đoán tại Guam giữa “trung tâm khẩu chiến” Mỹ - Triều

(Dân trí) - Trong khi chính quyền Guam vẫn trấn an người dân rằng không có mối đe dọa nào gia tăng tại hòn đảo này sau khi Triều Tiên công bố kế hoạch phóng tên lửa nhằm vào lãnh thổ Mỹ, một số người vẫn tỏ ra lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công và chấp nhận thực tế rằng họ “có thể sẽ ra đi vào ngày mai”.


Khách du lịch vui chơi trên bờ biển tại đảo Guam ngày 11/8 (Ảnh: Reuters)

Khách du lịch vui chơi trên bờ biển tại đảo Guam ngày 11/8 (Ảnh: Reuters)

“Nếu chuyện đó phải xảy ra, thì nó sẽ xảy ra. Tôi chỉ cố gắng để không nghĩ về nó”, Marco Martinez, cư dân 27 tuổi sống tại đảo Guam, nói về nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công từ Triều Tiên nhằm vào hòn đảo được ví như “thiên đường” của Mỹ. Vùng biển nơi Martinez chuẩn bị ra khơi cũng là nơi Triều Tiên đang lên kế hoạch tấn công bằng 4 quả tên lửa.

Cũng giống như 163.000 người dân sống trên đảo Guam, Martinez đã quen với những lời đe dọa từ Triều Tiên. Năm 2013, Triều Tiên từng cảnh báo đặt Guam vào “tầm tấn công” của nước này. Tuy nhiên, tình hình tại Guam trở nên căng thẳng hơn trong những ngày gần đây khi Triều Tiên tuyên bố sẽ hoàn tất kế hoạch tấn công hòn đảo này vào giữa tháng 8 và chỉ chờ nhà lãnh đạo Kim Jong-un phê duyệt.

Tên lửa Triều Tiên được cho là sẽ rơi ngay bên ngoài phạm vi 12 hải lý của lãnh hải Guam, tuy nhiên nó vẫn nằm trong phạm vi 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế của hòn đảo này. Đây cũng là nơi người dân địa phương thường xuyên đánh bắt cá. Cố vấn An ninh nội địa của Guam George Charfauros cho biết tên lửa Triều Tiên sẽ chỉ mất 14 phút để bay tới Guam.

Không đặt nặng mối đe dọa từ Triều Tiên

Ngoài Martinez, hầu hết người dân sống tại Guam không cảm thấy sợ hãi trước những lời đe dọa của Triều Tiên. Quân đội Mỹ đã duy trì sự hiện diện đông đảo tại khu vực này với các căn cứ quân sự chiếm 1/3 diện tích hòn đảo. Lực lượng này cũng luôn sẵn sàng chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất.

Tại quán cà phê Infusion trên đảo Guam, một số người trẻ dường như không mấy bận tâm tới mối đe dọa từ Triều Tiên. Họ vô tư đùa cợt về vấn đề này, thậm chí còn vẽ một đám mây hình nấm (biểu tượng của nổ bom hạt nhân) trên phần bọt của cốc cà phê.

“Chúng tôi không quá đặt nặng việc đó. Chúng tôi hiểu rằng đó là vấn đề quan trọng và họ sẽ phóng tên lửa đến đây bất cứ lúc nào… Nhưng tôi nghĩ nhiều người trong số chúng tôi không cảm thấy quá lo lắng”, Mark Alex, 26 tuổi, cho biết.

“Đa số người dân ở đây đã từng nghe tới chuyện này. Tôi thực sự không quá lo lắng. Chúng tôi đã nói về chuyện này hơn 2 năm nay rồi”, Aeron Burger, người sống ở đảo Guam hơn 10 năm, chia sẻ.


Tên lửa đạn đạo Triều Tiên rời bệ phóng trong một vụ thử nghiệm (Ảnh: Reuters)

Tên lửa đạn đạo Triều Tiên rời bệ phóng trong một vụ thử nghiệm (Ảnh: Reuters)

Theo Aeron Burger, trong bối cảnh như hiện nay, điểm tích cực của vấn đề đó là thêm nhiều người Mỹ sống ở đất liền biết về Guam, hòn đảo từng là thuộc địa của Tây Ban Nha trước khi Mỹ nắm quyền kiểm soát vào năm 1898.

Không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy người dân sống ở Guam tính đến việc rời bỏ hòn đảo này, đặc biệt là những người sinh ra và lớn lên tại đây. Ngoài ra, cũng không có biểu hiện nào cho thấy khách du lịch, đặc biệt từ các nước châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc, có ý định hủy các chuyến đi tới Guam.

Xét về lịch sử phát triển, Guam cũng không xa lạ với các cuộc xung đột. Hòn đảo này từng bị người Nhật chiếm trong 3 năm Thế chiến II và đây cũng là lãnh thổ duy nhất của Mỹ từng bị xâm chiếm.

“Nếu các thế hệ tiền bối của chúng tôi có thể sống sót được, thì chúng tôi cũng có thể. Không có gì ngoài Chúa có thể buộc tôi phải rời bỏ nhà cửa của mình để đến một nơi khác”, Jodiann Santos - người sinh ra và lớn lên tại Guam cho biết.

Nỗi lo sợ được che giấu

Mặc dù vậy, vẫn có những người dân tỏ ra lo lắng về cuộc sống của họ trên đảo trong những ngày sắp tới, trong đó có Jodiann Santos - một cư dân làm việc tại Bảo tàng Guam.

“Chúng tôi được trấn an rằng hãy cứ bình tĩnh và họ cũng nói rằng chúng tôi đã được bảo vệ rất tốt. Nhưng thực tế cho thấy chúng tôi có thể sống ở đây hôm nay nhưng cũng có thể ra đi vào ngày mai”, Jodiann Santos nói.

Trước đó, Thống đốc Guam Eddie Calvo cho biết hòn đảo này đã được bảo vệ kỹ lưỡng bằng nhiều biện pháp, trong đó có hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), vốn được thiết kế để bắn hạ các tên lửa đạn đạo.


Lối vào căn cứ không quân Andersen của Mỹ tại Guam (Ảnh: Reuters)

Lối vào căn cứ không quân Andersen của Mỹ tại Guam (Ảnh: Reuters)

“Không có sự hoảng sợ nào ở Guam. Tôi không tìm cách xem nhẹ hay nói giảm nói tránh. Chúng tôi hiểu những mối đe dọa này, nhưng chúng tôi cũng không muốn bất kỳ ai lo sợ. Chúng tôi không muốn đi đến kết luận dựa trên những lời hăm dọa”, Thống đốc Calvo cho biết.

Mặc dù vậy, Martinez cho biết những tuyên bố của Triều Tiên vẫn luôn hiện hữu trong suy nghĩ của anh dù người đàn ông này đã cố gắng không nghĩ về nó. Martinez nói rằng anh không phải là người duy nhất ở Guam có suy nghĩ như vậy.

“Đôi lúc tôi cảm thấy rằng họ cũng sợ chuyện đó, nhưng chỉ là họ không muốn thể hiện ra, không muốn bày tỏ nó. Họ không muốn cho người khác thấy nỗi sợ hãi ở bên trong con người họ”, Martinez chia sẻ.

Thành Đạt

Tổng hợp