1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cuộc “so cơ” cạnh tranh ảnh hưởng giữa Nga và phương Tây ở Belarus

Nga liên tiếp tung ra các bước đi khiến đồng minh lâu năm cảm thấy tin tưởng và hài lòng trong khi Mỹ và các nước phương Tây thì không.

Dù đã rất nỗ lực tiếp cận để kéo Belarus ra khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Nga, song tới nay Mỹ và các nước phương Tây vẫn đang tỏ ra khá “lúng túng” và “bị động” trong việc tìm kiếm một bước đi phù hợp trong vấn đề Belarus. Ở thời điểm “khó khăn” hiện tại, Nga lại liên tiếp tung ra các bước đi khiến đồng minh lâu năm của mình cảm thấy tin tưởng và hài lòng; trong khi Mỹ và các nước phương Tây thì không.

Cuộc “so cơ” cạnh tranh ảnh hưởng giữa Nga và phương Tây ở Belarus - 1

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. (Ảnh: Time)

Biểu tình lan rộng hậu bầu cử hôm 9/8 vừa qua đã buộc Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko - người đã tuyên bố thắng cử với nhiệm kỳ thứ 6 liên tiếp, phải “tìm tới” người đồng cấp Nga Putin, để nhận được lời cam kết sẽ đảm bảo an ninh từ phía Moscow trong trường hợp cần thiết.

Những ngày qua, Nga liên tục đứng về phía chính quyền Belarus, khi cả hai nước cùng đưa ra cáo buộc phương Tây đang tìm cách can thiệp vào tình hình nội bộ quốc gia Đông Âu này.

Hôm qua (26/8), Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, Nga có bằng chứng cho thấy Mỹ, một số nước Liên minh châu Âu (EU) hay một số quốc gia Baltic  đang can thiệp vào công việc nội bộ của Belarus, một quốc gia có chủ quyền. Trước đó 1 ngày, trong cuộc gặp với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun, Ngoại trưởng Nga Lavrov cũng chỉ trích kế hoạch trừng phạt của Mỹ và EU đối với quốc gia này.

Trong một bước đi chứng tỏ sự ủng hộ “ngày một lớn” của Nga với Belarus, Tổng thống Nga Putin hôm qua (28/6) cho biết, Belarus sẽ là quốc gia đầu tiên nhận được vaccine Covid-19 do Nga sản xuất – điều sẽ có ý nghĩa rất lớn với người dân quốc gia Đông Âu này:

“Về tình hình Belarus, tôi đã thảo luận với Ngài Tổng thống Alexander Lukashenko và cả 2 chúng tôi đã đồng ý rằng Belarus sẽ tham gia thử nghiệm vaccine Covid-19 do Nga sản xuất ở giai đoạn cuối cùng. Sau đó, Belarus sẽ là một trong số những quốc gia đầu tiên nhận được vaccine”.

Hôm qua, một chuyên cơ của Chính phủ Nga - vốn được sử dụng để chở các quan chức chính phủ cấp cao – cũng đã hạ cánh xuống sân bay ở thủ đô Minsk của Belarus, khiến truyền thông quốc tế đặc biệt chú ý. Dù chưa thể xác định được vị quan chức Nga nào đã tới Belarus, với mục đích là gì; song đây là chuyến bay thứ 2 chở quan chức Nga tới Belarus kể từ khi xảy ra các cuộc biểu tình tại đây.

Trái ngược với các bước đi đầy “thiện chí” từ Nga; Mỹ và các nước phương Tây đang lên kế hoạch áp đặt trừng phạt lên quốc gia Đông Âu này liên quan đến cáo buộc bầu cử gian lận và trấn áp người biểu tình.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đang theo dõi sát “những sự kiện tồi tệ” ở Belarus. Trong khi  Liên minh châu Âu (EU) đã chuẩn bị các lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Belarus sau hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp trực tuyến hồi tuần trước.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tiết lộ một số lượng đáng kể cá nhân sẽ bị trừng phạt. Và dự kiến, danh sách này sẽ được thảo luận và thông qua trong cuộc họp không chính thức các ngoại trưởng EU tại Berlin trong hôm nay và ngày mai (27-28/8). Hiện giới chức Mỹ và châu Âu đều cho rằng Belarus không thể làm ngơ yêu cầu cải cách dân chủ của người dân.

Hôm qua, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương NATO Jens Stoltenberg đã lên tiếng bác bỏ mọi cáo buộc của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko về sự hiện diện quân sự của khối gần biên giới nước này. Người đứng đầu NATO cảnh báo, chính quyền Belarus không nên sử dụng cáo buộc sai trái về NATO để thúc đẩy các hành vi trấn át biểu tình trong nước, đồng thời kêu gọi Belarus nên tiến hành một cuộc bầu cử mới tự do và công bằng.