1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cuộc đua trang bị robot sát thương giữa một số nước trên thế giới

Nhiều nước đang chạy đua phát triển robot sát thương cho quân đội nước mình. Đã có một số e ngại về việc robot phạm sai lầm và gây hậu quả thảm khốc.

1. Trong cuộc chạy đua vũ khí sát thương tự động, Pháp chạy theo các nước khác song chủ trương con người quyết định khai hỏa chứ không phải robot. Chương trình Scorpion của Pháp (trang bị vũ khí cho bộ binh đến năm 2020) chỉ chú trọng chế tạo robot loại lớn khoảng 1 tấn để di chuyển thương binh, vận chuyển thiết bị và trinh sát trên địa bàn gài mìn. Đến năm 2021, quân đội Pháp mới bắt đầu triển khai robot đầu tiên ra chiến trường với số lượng hạn chế từ 20-50 con. Đối với robot sát thủ, theo quy hoạch đến năm 2030 quân đội Pháp mới triển khai.

Cuộc đua trang bị robot sát thương giữa một số nước trên thế giới - 1

Tàu ngầm không người lái Orca do hãng Boeing chế tạo; Ảnh: The Drive.

2. Anh có cùng quan điểm với Pháp. Tháng 11/2018, Anh đã tổ chức cuộc diễn tập robot quân sự lớn nhất trong lịch sử mang tên Thử nghiệm chiến binh tự động (AWE18) tại Salisbury, kéo dài bốn tuần, với hơn 70 mẫu máy bay không người lái, xe tăng, robot vận tải và quan sát. Lần đầu tiên quân đội Anh đã thử nghiệm xe không người lái Titan Strike hoạt động tự động (trừ quyết định khai hỏa) để bảo đảm an ninh cho kilômét tiếp tế cuối cùng nhằm tiếp tế lương thực, đạn dược, xăng dầu cho các binh sĩ đang chiến đấu.

Anh là một trong những nước xây dựng chương trình máy bay không người lái quân sự tiên tiến nhất, tuy nhiên, theo Chính sách của Anh, phải luôn kiểm soát việc vận hành vũ khí nhằm bảo đảm tuyệt đối việc giám sát, kiểm soát và trách nhiệm con người. Anh không có hệ thống vũ khí hoàn toàn tự động và không có ý định phát triển hệ thống như vậy.

3. Tại phiên khai mạc kỳ họp bàn về tương lai của “Hệ thống vũ khí giết người tự động”, hay còn gọi là "robot giết người" kéo dài 1 tuần, bắt đầu từ ngày 25/3 với sự tham gia của các chuyên gia cấp chính phủ tổ chức tại Geneva, Takamizawa - Đại sứ Nhật Bản tại Liên Hợp Quốc cho biết, Nhật Bản đã và sẽ không tiến hành phát triển hệ thống vũ khí hủy diệt hoàn toàn tự động cũng như không lên kế hoạch thực hiện.

Phát biểu của ông đã được tiên đoán rộng rãi tại Nhật Bản - một quốc gia công nghệ siêu đẳng. Ông cũng đề cập tới “những tác động tích cực” của hệ thống vũ khí tự động được đặt dưới sự giám sát của con người, như tiết kiệm sức người và giảm thiệt hại vật chất. Tuy nhiên, phần lớn những người phản đối lo ngại rằng, một ngày nào đó máy móc có thể tự tiến hành chiến tranh mà không cần sự kiểm soát của con người.

4. Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện dự án Wattozz nhằm chế tạo mìn điều khiển từ xa hoạt động dưới nước, bằng vật liệu titan và nhôm, có 3 động cơ, 2 camera và mang theo chất nổ, di chuyển với vận tốc 10 km/h theo kiểu di chuyển của cá đuối. Nhờ nam châm, mìn sẽ bám dính bên dưới tàu địch và phát nổ. Mìn có lớp áo đặc biệt nên radar rất khó dò.

5. Hàn Quốc đã triển khai robot tự động cố định SGR-A1 canh gác dọc khu phi quân sự từ năm 2013 cũng như tại các căn cứ của họ ở Iraq. Hàn Quốc đang nghiên cứu chế tạo các robot trinh sát và chiến đấu, cho phép bù đắp việc thiếu quân.

Cuộc đua trang bị robot sát thương giữa một số nước trên thế giới - 2

Xe không người lái tuần tra biên giới của Israel; Ảnh: Defence Horizon.

 

6. Tháng 2/2018, Ấn Độ đã thành lập tổ nghiên cứu trí tuệ nhân tạo nhắm đến mục tiêu phát triển hệ thống robot tự động thông minh. Tổ nghiên cứu 17 người gồm đại diện của Bộ Quốc phòng, các nhà sản xuất vũ khí và các tổ chức nghiên cứu. Dự kiến trong hai năm nữa chính phủ Ấn Độ sẽ mở thầu về trí tuệ nhân tạo ứng dụng cho quốc phòng.

7. Trước khi Nga thử nghiệm khẩu AK-47 biết bay, Công ty Matrix UAV của Ukraine đã gây bất ngờ lớn khi trình làng dòng vũ khí độc đáo, đó là tên lửa chống tăng RPG-26 Aglen biết bay để săn tìm mục tiêu. Nó có thể bay lượn hàng giờ trên không để săn tìm mục tiêu. Những tín hiệu thu được sẽ được chuyển về trung tâm điều khiển. Sau khi hệ thống tên lửa này tự khóa được mục tiêu, lệnh khai hỏa do kíp điều khiển tại trung tâm ra lệnh. Với trang bị này, tên lửa chống tăng biết bay của Ukraine có thể phá hủy tất cả các loại xe chiến đấu và cả tăng hạng nặng nào, kể cả T-14 Armata bằng đòn đánh theo kiểu đột nóc.

8. Israel là một trong những nước tiên phong trong phát triển vũ khí sát thương tự động sau nhiều năm đối đầu với các nước Arab. Đây là nước đầu tiên trên thế giới sử dụng xe không người lái Guardium để tuần tra biên giới Israel-Syria và dải Gaza từ năm 2009. Năm 2016, công ty General Robotics của Israel đã công bố robot Dogo 12 kg được trang bị súng ngắn Glock 9mm và tia laser, điều khiển từ xa, phù hợp để chống khủng bố.

Cùng năm, Israel đã trình làng xe tăng hạng nặng không người lái RoBattle (7 tấn, 6 bánh) rất cơ động. Ngoài ra, Israel còn nghiên cứu chế tạo xe ủi đất bọc thép không người lái Panda, xe vận tải tiếp liệu không người lái RoboCon, robot dò mìn Sahar. Trong mấy năm tới, Israel dự định đưa vào biên chế các robot chiến đấu siêu nhỏ dùng để tiêu diệt các nhân vật cầm đầu các tổ chức chiến binh Hezbollah và Hamas.

Với việc sử dụng robot chiến đấu, bản chất của chiến tranh tương lai sẽ thay đổi vì nó không còn là một cuộc chiến giữa người với người, yếu tố quyết định bên thắng cuộc sẽ là chất lượng của những cỗ máy chiến tranh. Mới đây, viện chính sách Rand Corporation cảnh báo, trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong quân sự có thể thổi bùng chiến tranh hạt nhân vào năm 2040, và rằng, nếu hệ thống trí tuệ nhân tạo quân sự phạm sai lầm trong việc phân tích tình huống, các nước có thể sẽ hành động vội vàng, dẫn đến kế cục thảm khốc.

Theo CTV Lê Ngọc

VOV