1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Cuộc đua vũ khí trí tuệ nhân tạo và những nguy cơ tiềm ẩn

Trí tuệ nhân tạo mang lại rất nhiều giá trị cho cuộc sống loài người, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ một khi được quân sự hóa.

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (TTNT) đang khiến máy móc ngày càng đóng vai trò đắc lực hơn, thực hiện không chỉ những công việc phổ thông mà cả những việc đòi hỏi kỹ năng, trình độ cao như bác sĩ, kỹ sư... TTNT mang lại rất nhiều giá trị cho cuộc sống loài người, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, một trong số đó là bị vũ khí hóa - được lập trình để giết chóc, có thể dễ dàng gây ra thương vong lớn, quân khủng bố có thể lợi dụng để sát hại dân thường.

Cuộc đua vũ khí trí tuệ nhân tạo và những nguy cơ tiềm ẩn - 1..jpg

TTNT của Google được sử dụng trên máy bay không người lái thuộc dự án Maven. Ảnh: Shutterstock.

Quân sự hóa TTNT sẽ gây nhiều thiệt hại cho đối phương khi có xung đột, chưa kể tới các vấn đề đạo đức. Hiện có khoảng 50 quốc gia đang nghiên cứu các robot chiến trường, làm dấy lên lo ngại TTNT giúp đẩy nhanh quá trình phát triển các vũ khí giết người tự động, bộc lộ những mối đe dọa còn nguy hiểm hơn cả vũ khí hạt nhân, có thể dẫn tới chiến tranh Thế giới thứ 3. Nhận định này được đưa ra sau phát biểu của Tổng thống Nga Putin rằng, quốc gia nào làm chủ được TTNT sẽ “thống trị” thế giới.

Không chỉ dừng ở mục đích phục vụ đời sống, ba cường quốc quân sự Mỹ, Nga và Trung Quốc đang chạy đua đưa công nghệ TTNT vào guồng máy chiến tranh, chế tạo những hệ thống tự hành tinh vi đủ khả năng tự học và tự thực hiện nhiệm vụ.

Mỹ

Mới đây, Lầu Năm Góc đã phác thảo chiến lược TTNT đầu tiên của quân đội Mỹ, nhằm tăng tốc sử dụng TTNT trong quân đội, từ các hoạt động thu thập thông tin tình báo đến bảo trì máy bay, tàu chiến. Các quan chức quốc phòng Mỹ đưa ra nhiều thông tin về các chương trình phát triển vũ khí tích hợp công nghệ TTNT có thể suy nghĩ, xử lý dữ liệu khổng lồ với tốc độ cực nhanh và tự ra quyết định tấn công các mục tiêu. Chính quyền Tổng thống Trump đề xuất tăng gấp 3 lần ngân sách quốc phòng năm 2019 để đẩy mạnh chương trình phòng thủ tên lửa tự động, với chi phí ban đầu ước tính 83 triệu USD - phát triển và thử nghiệm hệ thống TTNT phát hiện các bệ phóng, dự báo các vụ phóng tên lửa hạt nhân ở mọi nơi trên thế giới, có thể tự động tìm và diệt tên lửa ngay trước khi rời bệ phóng.

Theo Reuters, Mỹ đang cho thử nghiệm phiên bản đầu tiên của hệ thống truy vết bệ phóng tên lửa cơ động, được phát triển bởi nhiều nhà nghiên cứu quân đội lẫn tư nhân và được quỹ đầu tư In-Q-Tel của cộng đồng tình báo Mỹ chống lưng. Dự án này tận dụng kho dữ liệu đám mây của các cơ quan tình báo, rà soát khối lượng thông tin khổng lồ mà những vệ tinh tối tân thu thập được nhằm phát hiện các điểm bất thường và quy tắc hoạt động của đối phương. Theo các văn kiện Mỹ, hệ thống TTNT săn tên lửa chủ yếu nhằm đối phó các nguy cơ tiềm tàng từ nhóm “4+1” (Trung Quốc, Nga, Iran, Triều Tiên và các tổ chức khủng bố), dự kiến sẽ đưa vào hoạt động năm 2020.

Lầu Năm Góc xác nhận đang sử dụng TTNT để nhận dạng các vật thể trong băng hình ghi từ máy bay không người lái (UAV) trong dự án mới mang tên Maven. Google - “gã khổng lồ phần mềm” của thế giới là chủ sở hữu của công nghệ trí tuệ nhân tạo được quân đội Mỹ hợp tác một trong các dự án máy bay không người lái hiện hành. Theo The Guardian, hệ thống TTNT mang tên TensorFlow của Google do Bộ Quốc phòng Mỹ sử dụng trong dự án Maven được duyệt chi 7,4 tỉ USD. Một số nguồn tin khẳng định TTNT được sử dụng trong cuộc chiến chống lại tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS).

Cuộc đua vũ khí trí tuệ nhân tạo và những nguy cơ tiềm ẩn - 2..png

Một lính Trung Quốc vận hành xe tăng Type 59 thông qua một hệ thống điều khiển từ xa. Ảnh: CCTV .

Washington cũng được cho là đã ứng dụng TTNT cho loại tên lửa chống hạm tầm xa mới, cũng như thử nghiệm công nghệ TTNT cho robot và tàu hải quân. Đồng thời, Mỹ đang phát triển tiêm kích hạm thế hệ mới mang cảm biến tích hợp TTNT có thể phối hợp cùng siêu tiêm kích F-35C, tăng khả năng chiến đấu cho hải quân Mỹ. Cảm biến tích hợp TTNT có thể thu thập, đánh giá lượng lớn thông tin chiến trường trong thời gian ngắn, giúp tăng tối đa khả năng trinh sát mà không yêu cầu gắn thêm các tổ hợp trinh sát bên ngoài máy bay, giúp giảm diện tích phản xạ radar, khiến đối phương khó phát hiện chiến đấu cơ Mỹ hơn. Chương trình mang tên "Làm chủ bầu trời thế hệ mới" (NGAD) đã hoàn tất giai đoạn ý tưởng để chuyển sang nghiên cứu nguyên mẫu với mục tiêu biên chế tiêm kích hạm thế hệ 6 trong thập niên 2030.

Giám đốc DARPA của Mỹ cho biết, sắp tới các chiến đấu cơ nước này sẽ được trang bị các hệ thống tác chiến điện tử sử dụng trí thông minh nhân tạo, có khả năng phân tích, tìm hiểu, nhận dạng các dạng sóng radar mới của đối phương để đề ra biện pháp gây nhiễu thích hợp với tốc độ cực nhanh. Quan chức quốc phòng Mỹ cho rằng nếu không tích hợp TTNT vào vũ khí tự hành, Mỹ không thể chiếm ưu thế trước các đối thủ tiềm tàng như Nga và Trung Quốc. Nhiều chuyên gia lo ngại các dự án của Mỹ sẽ khiêu khích một cuộc chạy đua vũ trang với Nga và Trung Quốc, làm xáo trộn cân bằng hạt nhân toàn cầu.

Trung Quốc

Quốc gia đông dân nhất thế giới mang về những công nghệ trí tuệ nhân tạo tiên tiến nhất từ phương Tây, đồng thời nền công nghệ ở đây cũng sản sinh ra không ít TTNT nội địa; Bắc Kinh cũng không ngại chi tiền để phát triển lĩnh vực “hot” này. Trang Japan Times cho hay năm 2018, đầu tư tư nhân cho TTNT ở Trung Quốc khoảng 7 tỉ USD/năm. Các startup về trí tuệ nhân tạo nhận gần một nửa tổng số tiền đầu tư vào khởi nghiệp TTNT toàn cầu trong năm 2017, bằng sáng chế liên quan tới lĩnh vực này của Trung Quốc đăng ký cao gần gấp Mỹ 5 lần. Một nhóm sinh viên thông minh nhất Trung Quốc đã được tuyển dụng ngay từ trường trung học phổ thông để được đào tạo trở thành chuyên gia vũ khí TTNT trẻ nhất thế giới, Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đưa tin hôm 8/11/2018.

Trung Quốc đang cạnh tranh với Mỹ và một số quốc gia khác trong cuộc đua phát triển ứng dụng TTNT gây chết người, từ tàu ngầm hạt nhân được trang bị vi mạch tự điều chỉnh đến robot siêu nhỏ có thể cấy vào mạch máu người, đang dựa vào trí tuệ nhân tạo để thực hiện giấc mơ dẫn đầu thế giới về lĩnh vực không người điều khiển trong vũ khí, thiết bị của hải, lục, không quân.

Theo tờ PLA Daily, nước này đang theo đuổi nhiều loại vũ khí TTNT như xe tăng, tàu ngầm, tàu chiến, chiến đấu cơ, máy bay ném bom và UAV. Tờ Global Times của Trung Quốc ngày 21/3/2018 đưa tin, quân đội nước này đang thử nghiệm dòng xe tăng không người lái Type 59, có thể được trang bị TTNT - lần đầu tiên xe tăng không người lái do Trung Quốc phát triển xuất hiện trên diễn đàn công khai. Global Times khẳng định, các loại xe tăng không người lái này sẽ có thể phối hợp hoạt động với các loại khí tài không người lái khác, đồng thời sẽ tiếp nhận thông tin thu được từ vệ tinh, máy bay hoặc tàu ngầm để tác chiến.

Bên cạnh đó, TTNT còn được dùng trong phát triển tên lửa để đảm bảo qua mặt hệ thống radar của đối phương. Đáng chú ý là truyền thông Trung Quốc đăng tải đoạn phim cho thấy 56 chiếc xuồng robot cỡ nhỏ vận hành thử nghiệm dàn đội hình theo chiến thuật “bầy đàn” ở Biển Đông. Theo đoạn phim, nếu được trang bị vũ khí, “bầy” xuồng robot có thể bám đuôi, bao vây và tấn công các tàu chiến đắt đỏ cỡ lớn.

Cuộc đua vũ khí trí tuệ nhân tạo và những nguy cơ tiềm ẩn - 3..jpg

ới TTNT, S-400 có thể trở thành hệ thống phòng không tự động đáng gờm. Ảnh: Veterans Today.

Trung Quốc đặc biệt chú ý tới việc phát triển tàu ngầm không người lái trang bị công nghệ TTNT. Bất chấp những thành công lớn trong lĩnh vực phát triển hạm đội tàu ngầm, phòng thủ tàu ngầm được coi là điểm yếu trong tiềm lực quân sự của Trung Quốc. Nhờ các khoản đầu tư lớn tập trung vào công nghệ mới, Trung Quốc hy vọng sẽ tạo ra bước đột phá và rút gần khoảng cách về độ tiên tiến so với Mỹ. Theo các ấn phẩm của Trung Quốc, thiết bị không người lái dưới nước sẽ được sử dụng vào mục đích trinh sát, tìm kiếm và phá hủy mìn dưới biển, gây nhiễu cho đối phương, cũng như mang vũ khí. Tàu ngầm không người lái vừa được sử dụng độc lập, vừa có thể tương tác với các tàu ngầm thông thường có người.

Nhiều khả năng tàu ngầm không người lái của Trung Quốc sẽ hoạt động xa bờ biển của nước này, trong đó có khu vực nằm ngoài chuỗi đảo thứ hai ở Thái Bình Dương, cũng như ở các khu vực xa xôi khác. Về mặt lý thuyết, nhờ tính năng hoạt động độc lập rất lớn, tàu ngầm loại này có thể bí mật tiếp cận truyền thông trên biển của đối thủ trong những bối cảnh quốc tế căng thẳng. Lúc xảy ra chiến tranh, tàu ngầm Trung Quốc sẽ có thể tấn công tàu dân sự và tàu chiến của kẻ thù, phá vỡ nguồn cung cấp của địch và tạo ra tình trạng hỗn loạn.

Theo một chuyên gia về chiến lược quốc tế của Mỹ, ứng dụng TTNT để trí năng hóa lực lượng xe tăng, hải quân và không quân là một phần của chiến lược “tung đòn hiểm bất ngờ” của quân đội Trung Quốc. Chiến lược này bao gồm nghiên cứu phát triển vũ khí công nghệ cao để quân đội Trung Quốc có thể chiến thắng quân đội Mỹ hùng mạnh hơn nếu xảy ra xung đột trong tương lai. Trung Quốc sẽ ứng dụng TTNT vào tác chiến mạng cũng sẽ gia tăng mối đe dọa về các cuộc tấn công mạng và hoạt động gián điệp.
 
Một báo cáo về Trung Quốc của Trung tâm An ninh mới của Mỹ (CNAS) cho biết, quân đội Trung Quốc có thể tụt hậu so với quân đội Hoa Kỳ về các số liệu như số lượng tàu sân bay mà họ có, nhưng họ có thể nắm bắt cơ hội phát triển TTNT để đầu tư vào vũ khí mới hơn, rẻ hơn có thể khiến tàu sân bay trở nên lỗi thời. Tham vọng của Trung Quốc là trở thành một nước đứng hàng đầu thế giới về công nghệ TTNT, tận dụng cơ hội để phát triển công nghệ dựa trên TTNT, bao gồm cả tàu ngầm tự trị có thể đối đầu với các tàu sân bay Mỹ.

 

Nga

Từ năm 2016, tại Crimea các nhà sản xuất quốc phòng đã cho ra đời một loại vũ khí mới tích hợp TTNT, có khả năng tự động phát hiện mục tiêu, tính toán đường đạn và lựa chọn cỡ nòng vũ khí hợp lý để tiêu diệt, hoạt động tốt cả ngày và đêm và trong mọi điều kiện chiến trường. Modul vũ khí không có người, trắc thủ có thể điều khiển từ rất xa, hoàn toàn tự động lựa chọn loại vũ khí cần thiết, tự nạp đạn, theo dõi mục tiêu và điều khiển hỏa lực.

Trang Izvestiya dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Nga qua cho biết, không quân Nga đã thử nghiệm hệ thống kiểm soát phòng không tự động được trang bị TTNT, có thể tăng tốc độ phản ứng và hiệu quả của các hệ thống tên lửa tầm xa S-400 Triumf và tầm ngắn Pantsir-S1. Hệ thống phòng không tự động trang bị trí tuệ nhân tạo sẽ giúp bỏ qua bước phân tích của con người tại trung tâm chỉ huy, giảm thời gian phản ứng trước các mối đe dọa và tăng khả năng hiệp đồng diệt mục tiêu giữa các khẩu đội tên lửa.

Khi được đưa vào biên chế đại trà, các hệ thống TTNT sẽ giúp lực lượng phòng không Nga phản ứng chớp nhoáng với thay đổi chiến trường trong thời gian thực. Công nghệ này đặc biệt có ích khi kết hợp nhiều hệ thống phòng không thành những tuyến phòng thủ. Ví dụ như hệ thống S-400 Triumf vốn hiệu quả trong đánh chặn các mục tiêu tầm cao có thể được sử dụng đồng bộ với Pantsir-S, hệ thống lý tưởng trong các tình huống cận chiến. Sự phối hợp này đảm bảo máy bay, tên lửa hành trình hay đạn đạo, máy bay không người lái nhỏ đều bị tiêu diệt mà không cần phải phóng quá nhiều tên lửa.

Nga tuyên bố đang thử nghiệm công nghệ này trên tiêm kích thế hệ 5 Su-57 và một số máy bay trực thăng Mi-28 của nước này. TTNT sẽ tự động lọc các mục tiêu trên mặt đất, nhận diện binh sĩ "phe ta" và "phe địch", cung cấp danh sách mục tiêu cho phi công trên trực thăng tấn công Mi-28N. Phi công chọn những mục tiêu mà họ muốn tiêu diệt dựa trên gợi ý của TTNT và TTNT sẽ tự động thực hiện việc tiêu diệt các mục tiêu đã được chỉ định đó. Người điều khiển vẫn có quyền hủy lệnh tấn công bất cứ lúc nào, do đó quyết định sử dụng vũ khí vẫn sẽ nằm trong tay con người.

Cựu Tư lệnh Không quân Nga Bondarev hồi tháng 2/2017 cho biết nước này đang phát triển các loại tên lửa dẫn đường sử dụng TTNT có khả năng đổi mục tiêu giữa hành trình (khi đã phóng đi). Tháng 5/2017, CEO nhà thầu quân sự Kronstadt Group của Nga cho biết, Nga đang thử nghiệm nhiều hệ thống tự động và bán tự động khác nhau, ví dụ module chiến đấu trang bị súng máy, camera và TTNT có khả năng tự nhắm mục tiêu mà không cần con người can thiệp.

Cách đây không lâu, quân đội Nga tiến hành thử nghiệm các loại đạn pháo phản lực mang đầu đạn thông minh, tính toán thời gian chính xác tách khỏi rocket và phát nổ tại điểm dự kiến, thay vì bộ phận kích nổ đầu đạn cơ khí chỉ kích hoạt khi tiếp xúc mục tiêu. Năm 2019, mìn có TTNT PTM-5 - có thể phân biệt các binh sĩ mang trang bị chiến đấu với dân thường sẽ được thử nghiệm. Tổng giám đốc công ty Techmash cho biết, từ năm 2017, lực lượng công binh Nga đang thử nghiệm mìn chống bộ binh POM-3 "Medallion", được cài đặt và kích nổ bằng TTNT. Moscow đã sử dụng TTNT để chế tạo những bộ giáp khiến binh sĩ có năng lực gần như “siêu nhân” cũng như những người máy chiến đấu dùng súng thành thạo, lái được nhiều phương tiện và có thể du hành vào không gian.

Nga đang phát triển dòng ngư lôi thế hệ mới có khối lượng chỉ 40 kg (ngư lôi đời cũ nặng tới 2.300 kg), không gây tiếng ồn và không để lại vệt sóng phía sau. Mẫu ngư lôi này dự kiến được trang bị TTNT, cho phép nó mô phỏng đặc tính hoạt động của cá và sinh vật biển, tăng cường khả năng đánh lừa các hệ thống cảm biến và cảnh báo của đối phương. Dự án này đang trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển, sản phẩm đầu tiên có thể ra mắt trong vài năm tới.

Các nước công nghệ cao khác như Hàn Quốc và Israel cũng rốt ráo với các ứng dụng TTNT. Hàn Quốc từng giới thiệu súng máy Super aEgis II có khả năng xác định, theo dõi và phá hủy mục tiêu chuyển động từ khoảng cách 4 km. Israel thì sở hữu máy bay không người lái chống radar, có khả năng bay qua các vùng địa lý để tìm và diệt hệ thống radar theo tiêu chí cài đặt sẵn.

Được biết, Đức, Thụy Điển và Hà Lan vừa ký thỏa thuận hợp tác nhằm ngăn chặn phổ biến vũ khí sát thương tự động, thúc đẩy việc hệ thống hóa các quy định về sự kiểm soát đối với tất cả các loại vũ khí gây chết người, tiến tới một lệnh cấm toàn cầu đối với vũ khí có thể tiêu diệt mục tiêu mà không cần sự can thiệp của con người. Theo kết quả khảo sát của hãng Ipos, có tới 61% số người được hỏi tại 26 nước phản đối việc sử dụng các loại vũ khí tự động. Liên Hợp Quốc và EU cũng ráo riết thúc đẩy một lệnh cấm toàn cầu đối với loại vũ khí này song vẫn chưa đạt kết quả. Những gì đang diễn ra cho thấy, cuộc đua vũ khí được một số nhà công nghệ và học giả coi là “nguy hiểm nhất của thế kỷ 21” đã được khởi động và đang tăng tốc.

Theo CTV Lê Ngọc

VOV.VN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm