1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

“Cuộc chiến” với sự kỳ thị của những người khỏi Covid-19

(Dân trí) - Dù đã được chữa khỏi Covid-19 nhưng Giáo sư Park Hyun vẫn quyết định đi thang bộ lên căn hộ ở tầng 9 thay vì dùng thang máy vì không muốn để những người xung quanh lo lắng.

“Cuộc chiến” với sự kỳ thị của những người khỏi Covid-19 - 1

Giáo sư Park Hyun uống nước ấm trên đường tới Đại học Quốc gia Busan, Hàn Quốc ngày 30/3. (Ảnh: Reuters)

Giáo sư Park Hyun dừng lại để thở sau khi leo một vài bậc cầu tháng ở lối đi vào của trường kỹ thuật thuộc Đại học Quốc gia Busan - nơi anh đang giảng dạy. Mặc dù cảm thấy khó thở vì từng nhiễm virus corona, nhưng Park vẫn chọn đi cầu thang bộ thay vì dùng thang máy.

Park từng là “Bệnh nhân 47” tại Busan và là một trong hơn 5.000 người Hàn Quốc được chữa khỏi sau khi nhiễm virus corona.

Tuy vậy, 25 ngày sau khi nhận kết quả xét nghiệm âm tính lần 2 với Covid-19, Park lại rơi vào “trận chiến” mới chống lại sự kỳ thị nhằm vào những người từng mắc bệnh.

“Tôi hiểu những lo ngại và lo lắng của đồng nghiệp và hàng xóm, do vậy tôi chỉ sử dụng cầu thang bộ trong tòa nhà của trường đại học, thậm chí tôi cũng leo bộ lên căn hộ của mình ở trên tầng 9”, Park cho biết.

Park, 47 tuổi, từng mất 9 ngày nằm tại phòng đặc biệt trước khi được xuất viện. Sau đó, anh tiếp tục cách ly 14 ngày và thêm 10 ngày nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe.

Tuy vậy, Park nói rằng nhiều người xung quanh anh vẫn nghĩ về dịch bệnh trước tiên, ngay cả khi anh đã khỏi bệnh.

Trong thời gian Park nằm viện, mẹ của anh từng nghe thấy tiếng hàng xóm gào thét trước cửa nhà rằng: “Tất cả chúng ta sẽ chết vì con trai của gia đình này”.

Park tin rằng tâm lý ngờ vực trong cộng đồng còn “ăn sâu” hơn rất nhiều, vì phần lớn các ca nhiễm trong giai đoạn dịch mới bùng phát tại Hàn Quốc là các tín đồ của giáo phái Tân Thiên Địa ở thành phố Daegu, nơi cách Busan 100 km về phía tây bắc.

Tâm lý lo lắng

“Cuộc chiến” với sự kỳ thị của những người khỏi Covid-19 - 2

Giáo sư Park đeo khẩu trang khi làm việc. (Ảnh: Reuters)

Park cho biết anh quyết định chia sẻ những trải nghiệm về thời điểm anh bị nhiễm bệnh cũng như phương pháp điều trị mà anh từng được áp dụng nhằm giúp xóa bỏ những bí ẩn xung quanh dịch Covid-19. Park đã ghi lại hành trình thăng trầm trong cuộc chiến với dịch bệnh trên Facebook, bắt đầu từ những ngày đầu tiên.

 “Bằng cách công khai danh tính, tôi nghĩ mọi người sẽ hiểu rằng tôi không phát tán tin vịt. Vẫn còn nhiều điều không rõ ràng, và sự lo lắng xuất phát từ chính những điều không rõ ràng đó”, Park nhận định.

Tốc độ lây nhiễm Covid-19 tại Hàn Quốc đã chậm lại kể từ khi dịch bùng phát mạnh hồi tháng 2 và đầu tháng 3. Tính đến nay, Hàn Quốc ghi nhận 165 ca tử vong và 9.887 ca mắc Covid-19. Khoảng 5.408 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính.

Các đồng nghiệp của Park chào đón anh quay trở lại làm việc hôm 30/3, nhưng không có cái ôm hay bắt tay nào. Park ăn trưa tại phòng thí nghiệm cùng các đồng nghiệp, nhưng ngồi ở bàn riêng cách xa họ vài mét. Anh luôn đeo khẩu trang trên mặt.

Nếu có bất kỳ ai cảm thấy lo lắng khi ngồi cạnh anh, Park cho rằng việc họ không thể hiện sự lo lắng đó ra ngoài đã là điều tốt lắm rồi.

“Vẫn có một số người dương tính trở lại sau khi đã hồi phục. Tôi luôn chú ý tới những người xung quanh mình”, Park nói.

Một số nước trên thế giới, trong đó có Hàn Quốc, từng ghi nhận những trường hợp bệnh nhân được xuất viện, nhưng vẫn có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 sau khi đã hồi phục. Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết những trường hợp này cần nghiên cứu dịch tễ thêm.

“Chúng ta bây giờ đã quay trở lại bình thường, nhưng mọi thứ không thể như trước đây. Chúng tôi từng tranh luận về việc ngồi gần nhau trong khi sử dụng chung một bàn phím, song điều này không còn xảy ra từ khi dịch bùng phát”, Giáo sư Ahn Seok-young, đồng nghiệp của Park, cho biết.

Nhiệm vụ đầu tiên của Park sau khi trở lại làm việc là chế tạo các hộp đựng xà phòng bằng công nghệ in 3D để tặng cho người cao tuổi ở Busan và các thành phố khác bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

"Nhiều người cao tuổi ở thành phố của tôi đang sống ở mức nghèo khổ và họ gặp khó khăn khi mua nước rửa tay. Chúng tôi sẽ gửi xà phòng và hộp đựng đến Daegu cùng các khu vực bị ảnh hưởng nặng khác", Park cho biết.

 

Thành Đạt

Theo Reuters