1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cuộc chiến thu phục lòng tin với những vắc xin Covid-19 phát triển thần tốc

Minh Phương

(Dân trí) - Nhiều người tỏ ra hoài nghi về tính an toàn và hiệu quả của các loại vắc xin Covid-19 đã và đang được phát triển trong thời gian ngắn.

Cuộc chiến thu phục lòng tin với những vắc xin Covid-19 phát triển thần tốc - 1
Thế giới chạy đua phát triển vắc xin ngừa Covid-19 cũng khiến nhiều người lo ngại về hiệu quả và sự an toàn của các vắc xin này. (Ảnh minh họa: Science)

Susan Bailey, 57 tuổi, một cựu y tá ở Florida (Mỹ), tiêm chủng gần như đầy đủ các loại và tiêm phòng cúm hàng năm. Tuy nhiên, bà là một trong rất nhiều người trên thế giới nói rằng họ sẽ không tiêm phòng ngừa Covid-19 ngay cả khi thế giới sắp có hàng loạt vắc xin.

"Tôi không phải là người phản đối tiêm vắc xin. Các con của tôi đều tiêm phòng đầy đủ nhưng tôi sẽ không tiêm phòng Covid-19 vào lúc này. Tôi có nhiều bệnh nền. Tôi muốn chờ đến khi có đầy đủ nghiên cứu về vắc xin trong một thời gian dài", bà Bailey nói.

Bà nói chưa thực sự tin tưởng vào vắc xin ngừa Covid-19 do chính Mỹ nghiên cứu, phát triển. Bà nói, 6 tháng thử nghiệm mới chỉ là "khởi đầu" để có thể thuyết phục bà tiêm phòng loại vắc xin đó. "Với tôi, khoảng thời gian đó vẫn còn quá ngắn ngủi, theo tôi, phải ít nhất 18 tháng", bà nói.

Sự lo lắng này không chỉ của riêng bà Bailey, mà nó là tâm lý chung của rất nhiều người trên thế giới hiện nay vẫn còn e dè với vắc xin ngừa Covid-19. Neil Johnson, chuyên gia tại Đại học George Washington đang nghiên cứu về sự hoài nghi vắc xin của cộng đồng mạng, cho biết 4 vấn đề chính khiến nhiều người còn e ngại tiêm phòng Covid-19 là: tính an toàn của vắc xin, liệu việc tiêm phòng có cần thiết, mức độ tin cậy của hãng dược và nhận thức chưa chắc chắn về khoa học.

Sự hoài nghi lan rộng

Các nhà khoa học nói rằng, vắc xin là công cụ hiệu quả nhất nhằm đối phó với các bệnh truyền nhiễm, cứu sống khoảng 6 triệu người mỗi năm. Rất nhiều nghiên cứu chứng minh vắc xin là an toàn. Ông Anthony Fauci, chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ cho rằng, tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 rộng rãi có thể chấm dứt được đại dịch, thậm chí một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí y khoa Lancet chỉ ra, đây là cách duy nhất để chấm dứt hoàn toàn việc phong tỏa phòng dịch.

Tuy nhiên, kết quả thăm dò dư luận trực tuyến từ tháng 5 của hãng tin AP và Trung tâm NORC (Mỹ) cho thấy, một nửa người Mỹ lưỡng lự hoặc không có ý định tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Một nghiên cứu của Đại học King's London (Anh) cũng cho kết quả tương tự. Ngược lại, khảo sát từ tháng 5 của CNN cho thấy, 2/3 người Mỹ tìm cách được tiêm phòng vắc xin Covid-19 ngay khi vắc xin có mặt trên thị trường với giá rẻ. Kết quả khảo sát ban đầu của nhóm Convince ở 19 nước cũng chỉ ra, khoảng 70% người Anh và Mỹ sẵn sàng tiêm chủng.

Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của tiêm chủng là tạo ra miễn dịch cộng đồng, nghĩa là phải có một tỷ lệ dân số tối thiểu có miễn dịch để ngăn đà lây lan của dịch. Chuyên gia Fauci cho biết hồi tháng 6, nếu chỉ 2/3 dân số tiêm chủng, thì khó đạt được miễn dịch cộng đồng. Một nghiên cứu của Đại học Hamburg hồi tháng 6 cho biết, 71-74% người Mỹ và châu Âu cần tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 để đạt được miễn dịch cộng đồng, song tỷ lệ sẵn sàng tiêm chủng này ở nhiều nước châu Âu, đặc biệt là Pháp, Đức, Hà Lan còn quá thấp so với tiêu chuẩn.

Cuộc chiến thu phục lòng tin với những vắc xin Covid-19 phát triển thần tốc - 2
Chính phủ Anh đang kêu gọi người dân, đặc biệt người thuộc nhóm rủi ro cao, tiêm thử nghiệm vắc xin ngừa Covid-19. (Ảnh minh họa: Guardian)

Hoài nghi vắc xin vốn là vấn đề thường thấy ở châu Âu và Mỹ, nhưng nó đang có dấu hiệu lan rộng. Ở châu Phi, sự hoài nghi này đang lớn dần do tác động bởi các thông tin lệch lạc trên mạng xã hội. “Sự hoài nghi, lo sợ này hiện rất lớn ở các nước đang phát triển”, ông Johnson cho biết.

Một số khảo sát, trong đó có khảo sát của Reuters hồi tháng 5, cho thấy mối lo ngại lớn nhất hiện nay đối với vắc xin ngừa Covid-19 đó là tốc độ nghiên cứu, thử nghiệm quá nhanh, chỉ vài tháng, trong khi quá trình này với hầu hết các vắc xin là 10-15 năm.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 11/8 thông báo, Nga chính thức trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn vắc xin ngừa Covid-19 có tên gọi Sputnik V. Vắc xin được phê chuẩn sau vài tháng nghiên cứu, phát triển và thậm chí chưa tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 - giai đoạn quan trọng tiến hành thử nghiệm trên hàng chục nghìn người để khẳng định tính an toàn và hiệu quả của vắc xin. Hồi tháng 6, Trung Quốc cũng phê chuẩn việc sử dụng vắc xin thử nghiệm cho quân đội và cũng bỏ qua thử nghiệm giai đoạn 3.

Trước những lo ngại này, Cục quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ tuần trước cho biết sẽ không “đốt cháy giai đoạn” trong phát triển vắc xin ngừa Covid-19. Bộ trưởng Y tế Pháp cũng nói rằng, nước này sẽ chưa phê chuẩn vắc xin khi chưa qua thử nghiệm giai đoạn 3. Bộ Ngoại giao Mỹ và Liên minh châu Âu cho rằng, việc người dân không tin tưởng vào tiêm vắc xin một phần là do những thông tin sai lệch do những người phản đối tiêm chủng lan truyền. Ông Scott Ratzan, lãnh đạo tại Đại học New York, cho rằng điều này còn do sự thiếu tin tưởng vào các tổ chức khoa học ngày càng tăng.

Theo Giám đốc điều hành Chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Mike Ryan, các chính phủ và giới khoa học cần có sự tương tác gần gũi hơn nữa với cộng đồng để giúp người dân có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về vắc xin ngừa Covid-19. “Tôi nghĩ chính phủ, các nhà khoa học có nhiệm vụ giúp người dân cảm thấy yên tâm, còn người dân thì nên lắng nghe và hy vọng sẽ có nhiều người chấp nhận một vắc xin đạt chuẩn để chấm dứt đại dịch này”, ông Ryan nói.

Các chuyên gia cho rằng cần một chiến lược cụ thể khi nghiên cứu, phát triển vắc xin để giải đáp các thắc mắc như ai sẽ là người tiêm trước, việc phân phối được tiến hành ra sao, có những phương án nào khác và giải quyết những lo ngại như thế nào. Vấn đề không chỉ là thuyết phục mọi người rằng vắc xin đó an toàn mà là làm mọi việc có thể để đảm bảo điều đó là đúng.