1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

“Cuộc chiến” bên trong bệnh viện chống dịch corona tại Trung Quốc

(Dân trí) - Các y tá phải hoạt động liên tục trong bộ đồ bảo hộ ngột ngạt, thậm chí mất luôn nhận thức về thời gian khi làm việc bên trong bệnh viện chống dịch corona tại Trung Quốc.

“Cuộc chiến” bên trong bệnh viện chống dịch corona tại Trung Quốc
“Cuộc chiến” bên trong bệnh viện chống dịch corona tại Trung Quốc - 1

Kính bảo hộ của một y tá bắt đầu bốc hơi sau nhiều giờ làm việc tại bệnh viện tạm được chuyển đổi từ trung tâm văn hóa Phòng khách Vũ Hán. (Ảnh: CGTN)

 

Thành phố Vũ Hán đã thiết lập hàng loạt bệnh viện tạm thời kể từ khi bùng phát dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới. Một trong số đó là bệnh viện được dựng lên từ một nơi từng là trung tâm văn hóa, với tên gọi “Phòng khách Vũ Hán”.  

Bệnh viện này có khả năng tiếp nhận 2.000 bệnh nhân với các triệu chứng nhiễm virus corona ở cấp độ nhẹ. Các nhân viên y tế tại đây làm việc theo 4 ca, mỗi ca 6 tiếng và bệnh viện hoạt động 24/7.

“Chúng tôi rời khách sạn vào lúc 6h40, đến đây lúc 7h30 để mặc đồ bảo hộ. Ca làm việc bắt đầu từ lúc 8h sáng và kết thúc vào lúc 2h chiều. Bây giờ đã là hơn 2h chiều rồi, nhưng chúng tôi vẫn ở đây vì còn chờ những người khác thay đồ bảo hộ trước”, y tá Wang Xiaodong thuộc Nhóm Cứu hộ Y tế Khẩn cấp Quốc gia từ An Huy, cho biết.

Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, Wang là một trong 13.900 nhân viên y tế được điều tới Vũ Hán vào giữa đêm 8/2. Chỉ riêng trong ngày 8/2 đã chứng kiến con số kỷ lục khi có tới 5.000 nhân viên y tế tới sân bay quốc tế Vũ Hán.

8 nhóm cứu hộ y tế khẩn cấp quốc gia khác cũng tham gia cuộc chiến chống dịch corona cùng các “đồng đội” tại bệnh viện dã chiến ở Phòng khách Vũ Hán, trong đó có một nhóm từ khu tự trị Tân Cương cách 4.000 km.

“Cuộc chiến” bên trong bệnh viện chống dịch corona tại Trung Quốc - 2

Nhân viên y tế tiếp nhận bệnh nhân tại bệnh viện tạm được chuyển đổi từ trung tâm văn hóa Phòng khách Vũ Hán. (Ảnh: Xinhua)

Các chuyên gia y tế cho rằng khó có nguy cơ lây nhiễm chéo giữa các bệnh nhân. Tuy nhiên đối với các nhân viên y tế chăm sóc hàng trăm bệnh nhân, công việc của họ đòi hỏi phải có các biện pháp phòng ngừa cẩn thận.

“Các đồng nghiệp của tôi tự chăm sóc lẫn nhau. Họ kiểm tra xem các thiết bị bảo hộ còn nguyên vẹn không. Sau khi tiếp xúc với bệnh nhân, chúng tôi phải rửa tay”, Cai Lizhou, một thành viên của nhóm cứu hộ quốc gia từ Phúc Kiến, cho biết hôm 10/2 - ngày làm việc đầu tiên của cô tại bệnh viện này.

“Mọi thứ đều được tổ chức tốt. Bàn giao công việc, thông tin bệnh nhân, vận chuyển thuốc, tất cả đều được lên kế hoạch kỹ càng”, y tá Cai nói.

Việc chăm sóc hàng trăm bệnh nhân trong bộ đồ bảo hộ ngột ngạt không phải chuyện dễ dàng với các y bác sĩ. Thường mất khoảng nửa tiếng để mặc xong một bộ và mất thêm nửa tiếng nữa để cởi ra, cùng với quy trình khử trùng phức tạp và mất nhiều thời gian.

“Đây là ngày thứ 4 tôi ở đây”, y tá Wu Menghuo nói và đếm từng ngón tay vì anh bị mất nhận thức về thời gian khi tới Phòng khách Vũ Hán. Wu nằm trong nhóm nhân viên y tế đầu tiên được cử tới làm việc tại bệnh viện này.

“Chúng tôi chăm sóc những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ. Khối lượng công việc tương đối nhẹ hơn. Nhưng có quá nhiều bệnh nhân. Do vậy, đây cũng không phải là nhiệm vụ dễ dàng”, Wu cho biết.

“Cuộc chiến” bên trong bệnh viện chống dịch corona tại Trung Quốc - 3

Các nhân viên y tế hướng dẫn bệnh nhân tập thể dục tại bệnh viện tạm ở Vũ Hán. (Ảnh: Xinhua)

Mặc dù các bệnh viện tạm thời không hẳn là một kế hoạch hoàn hảo, nhưng hiện tại đây là giải pháp ngắn hạn khả thi nhất để kiểm soát sự lây lan của dịch corona. Các chuyên gia y tế tin rằng biện pháp cách ly có thể giúp làm giảm nguy cơ lây nhiễm giữa 9 triệu người ở Vũ Hán, bao gồm gia đình các bệnh nhân.

“Tôi đến đây vì gia đình tôi và hy vọng được điều trị tốt hơn. Tôi gọi video cho vợ tôi hàng ngày. Chỉ muốn nói với cô ấy rằng mọi thứ ở đây đều ổn”, một bệnh nhân chia sẻ với ánh mắt bừng sáng và nở nụ cười phía sau chiếc khẩu trang.

Tại giường bên cạnh là một bệnh nhân 56 tuổi. Ông tới trung tâm từ hôm 7/2 và điều kiện sức khỏe hiện tại đã khá hơn.

“Tôi cảm thấy tốt hơn nhiều. Tôi không còn bị sốt cao trong nhiều ngày, tôi chỉ còn sốt nhẹ thôi. Đây là cách hiệu quả để bảo vệ gia đình tôi và tránh cho họ không bị lây nhiễm”, bệnh nhân cho biết.

“Cuộc chiến” bên trong bệnh viện chống dịch corona tại Trung Quốc - 4

Đội ngũ y bác sĩ làm việc tại bệnh viện tạm ở Vũ Hán. (Ảnh: CGTN)

Một nữ bệnh nhân khác chia sẻ rằng cô cảm thấy may mắn khi được đưa vào đây điều trị.

“Ban đầu, tôi sốc khi biết kết quả chẩn đoán. Tôi rất sợ hãi và khóc suốt đêm. Sau đó tôi tới đây và gặp các bệnh nhân khác. Các nhân viên y tế đã đối xử với bệnh nhân như chúng tôi rất tốt. Tôi cảm thấy an toàn hơn nhiều và tôi nghĩ chúng tôi sẽ được sống”, nữ bệnh nhân cho biết.

Hội nghị cấp cao do Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chủ trì ngày 10/2 cho biết khoảng 20.000 nhân viên y tế từ khắp Trung Quốc đã được điều tới tỉnh Hồ Bắc, nơi có “tâm dịch” Vũ Hán, để điều trị các bệnh nhân nhiễm virus corona.

Hội nghị yêu cầu 19 tỉnh khác tăng cường hơn nữa sự hỗ trợ về nhân viên y tế cho Hồ Bắc, trong khi vẫn phải đảm bảo việc kiểm soát dịch tại địa phương của mình.

Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) hồi đầu tháng 2 đã điều ít nhất 3.500 nhân viên y tế tới thành phố Vũ Hán. Đây là đợt huy động lực lượng quân y lớn nhất của quân đội Trung Quốc trong 4 thập niên qua.

Hai bệnh viện dã chiến quy mô lớn tại Vũ Hán là Lôi Thần Sơn và Hỏa Thần Sơn, lần lượt có sức chứa 1.600 và 1.000 giường bệnh, đã được hoàn thiện trong thời gian ngắn kỷ lục và bàn giao cho lực lượng quân y Trung Quốc.

Thành Đạt

Theo CGTN, Xinhua

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm