1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Cuộc chiến Afghanistan "ngốn" của Mỹ 300 triệu USD/ngày trong 20 năm

Thành Đạt

(Dân trí) - Mỹ đã chi hàng nghìn tỷ USD cho cuộc chiến kéo dài 20 năm tại Afghanistan và để lại số lượng vũ khí lớn cho Taliban sau khi rút quân.

Cuộc chiến Afghanistan ngốn của Mỹ 300 triệu USD/ngày trong 20 năm - 1

Lính Mỹ chuyển thi thể của binh sĩ thiệt mạng trong vụ tấn công ở sân bay quốc tế Kabul ngày 27/8 (Ảnh: US Marines).

Vào tối 30/8, những người lính Mỹ cuối cùng đã rút khỏi sân bay ở thủ đô Kabul của Afghanistan. Cuộc sơ tán chết chóc và hỗn loạn suốt 2 tuần qua đã đặt dấu chấm hết cho 19 năm và 47 tuần Mỹ đưa quân vào Afghanistan sau vụ khủng bố 11/9. Tổng cộng, 800.000 quân nhân Mỹ đã hoạt động tại quốc gia Trung Nam Á này.

Thương vong

Số quân nhân Mỹ thiệt mạng trong cuộc chiến ở Afghanistan khoảng 2.400 người. Ngoài ra, theo thống kê của Lầu Năm Góc, hơn 20.000 người Mỹ đã bị thương trong khoảng thời gian này.

Khoảng 1.144 quân của lực lượng đồng minh cũng đã thiệt mạng trong cuộc chiến tại Afghanistan.

Tổng thanh tra đặc biệt của Mỹ về Tái thiết Afghanistan (SIGAR), một cơ quan giám sát của chính phủ Mỹ, cho biết ít nhất 66.000 binh sĩ Afghanistan và hơn 48.000 dân thường Afghanistan đã thiệt mạng. Ngoài ra, khoảng 75.000 người Afghanistan đã bị thương trong cuộc chiến kể từ năm 2001.

Tuần trước, 13 binh lính Mỹ và hơn 170 người Afghanistan đã thiệt mạng trong cuộc đánh bom liều chết do tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thực hiện ở bên ngoài sân bay Kabul.

Từ năm 2001 đến tháng 4 năm nay, 77 nhà báo và 444 nhân viên cứu trợ nhân đạo đã thiệt mạng ở Afghanistan.

Trang thiết bị 

Cuộc chiến Afghanistan ngốn của Mỹ 300 triệu USD/ngày trong 20 năm - 2

Xe thiết giáp bị bỏ lại tại sân bay Kabul sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan (Ảnh: AFP).

Giá trị chính xác của số vũ khí và thiết bị mà Mỹ bỏ lại tại Afghanistan chưa được công bố chính thức, nhưng được cho là lên tới hàng chục triệu USD.

Tướng Kenneth McKenzie, chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ, ngày 30/8 đã công bố danh sách các trang thiết bị mà Mỹ để lại tại sân bay Kabul khi những binh lính cuối cùng rời khỏi Afghanistan.

Tướng McKenzie cho biết quân đội Mỹ đã vô hiệu hóa hàng loạt máy bay, xe bọc thép và các hệ thống phòng thủ công nghệ cao tại sân bay Kabul trước khi rút khỏi Afghanistan.

Theo đó, 73 máy bay đậu tại sân bay quốc tế Kabul đã bị "phi quân sự hóa", khiến chúng trở nên vô dụng. Trong dàn máy bay bị Mỹ phá hủy rồi bỏ lại sân bay Kabul, có những khí tài như máy bay tấn công hạng nhẹ A-29 Super Tucano, máy bay vận tải C-130H Hercules, trực thăng UH-60 Black Hawk…

Lầu Năm Góc còn bỏ lại 70 xe thiết giáp MRAP với giá 1 triệu USD/xe. Những chiếc MRAP này cùng 27 thiết giáp Humvee cũng bị vô hiệu hóa trước khi quân đội Mỹ rời đi. 

Ngoài ra, Mỹ cũng bỏ lại ít nhất 2 hệ thống phòng không C-RAM có khả năng chặn rocket, đạn cối và hỏa lực. 

Tài chính

Cuộc chiến Afghanistan ngốn của Mỹ 300 triệu USD/ngày trong 20 năm - 3

Người Afghanistan lên máy bay sơ tán (Ảnh: EPA).

Tổng thống Joe Biden ngày 31/8 cho biết cuộc chiến tại Afghanistan đã tiêu tốn của Mỹ 300 triệu USD mỗi ngày trong suốt 20 năm qua. Số tiền được Mỹ đổ vào Afghanistan trong 2 thập niên lên tới hơn 2.000 tỷ USD.

Tổng thanh tra đặc biệt của Mỹ về Tái thiết Afghanistan ước tính khoảng 837 tỷ USD được chi riêng cho cuộc chiến. Khoảng 145 tỷ USD đã được dành để tái thiết các lực lượng an ninh, các tổ chức chính phủ và nền kinh tế của Afghanistan.

Từ năm 2008, Mỹ đã chi 7,8 tỷ USD cho các tòa nhà và phương tiện ở Afghanistan. Tuy nhiên, 2 tỷ USD trong số đó về cơ bản đã bị lãng phí vì các tòa nhà và phương tiện đó sau đó rơi vào tình trạng hư hỏng hoặc không còn được sử dụng như dự tính.

Người sơ tán

Nhà Trắng cho biết hơn 122.000 người đã được Mỹ và các đồng minh sơ tán trong 2 tháng qua.

Phía Mỹ cho biết hơn 79.000 dân thường đã được đưa lên máy bay để rời khỏi Kabul kể từ ngày 14/8, bao gồm 6.000 người Mỹ và 73.500 người Afghanistan và công dân các nước khác.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ước tính còn chưa đầy 200 người, và có thể gần 100 người, là công dân Mỹ muốn rời Afghanistan nhưng không thể lên chuyến bay cuối cùng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm