1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cuộc chạy đua sức mạnh mềm với Trung Quốc ở quốc đảo Tonga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Vài ngày sau vụ núi lửa phun trào dữ dội gây sóng thần rung chuyển Tonga, các nước lớn bắt đầu chiến dịch viện trợ, một phần trong nỗ lực cạnh tranh sức mạnh mềm với Trung Quốc tại Thái Bình Dương.

Cuộc chạy đua sức mạnh mềm với Trung Quốc ở quốc đảo Tonga - 1

Tonga bị tàn phá sau thảm họa kép núi lửa, sóng thần (Ảnh: Unosat).

Ngày 15/1, núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai, nằm cách thủ đô Nuku'alofa của Tonga 60 km về phía bắc, phun trào mạnh như "bom nguyên tử", gây ra sóng thần dữ dội, khiến quốc đảo Thái Bình Dương thiệt hại nghiêm trọng và bị đứt liên lạc với thế giới trong vài ngày.

New Zealand đã cử 2 tàu hải quân được trang bị thiết bị khử muối và vật liệu viện trợ đến Tonga. Trong vòng vài giờ sau khi vụ phun trào xảy ra, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã thông báo viện trợ ngay lập tức 100.000 đô la New Zealand (68.000 USD) và huy động các lực lượng hải quân và không quân gấp rút giúp đỡ Tonga. Australia theo sau, và một ngày sau đó Trung Quốc cam kết chi 100.000 USD. Mỹ ngay sau đó cũng tuyên bố hỗ trợ Tonga. Các bên đều nói rằng đây là lượt viện trợ đầu tiên.

Tonga đang nợ lớn Trung Quốc. Sau các cuộc bạo động chính trị vào năm 2006 dẫn đến việc các khu thương mại trung tâm của Nuku'alofa bị phá hủy, Trung Quốc là quốc gia duy nhất sẵn sàng giúp đỡ Tonga tái thiết cơ sở hạ tầng, nhưng thông qua một khoản vay chứ không phải viện trợ. Tonga vẫn nợ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc 108 triệu USD, tương đương khoảng 25% tổng sản phẩm quốc nội nước này và đồng nghĩa với việc mỗi người dân Tonga nợ Trung Quốc 1.000 USD.

Cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd đã nhấn mạnh rằng, Canberra phải là bên đầu tiên hỗ trợ Tonga. "Nếu không làm được điều đó, Trung Quốc sẽ ở đó trong gang tấc", ông Rudd nói, nhấn mạnh các tàu chiến lớn của Australia nên được điều động đi cứu trợ Tonga ngay lập tức. "Đó là lý do các tàu này được đóng", ông Rudd nói.

Global Times, tờ báo nhà nước Trung Quốc, đã đăng bài xã luận viết rằng: "Tonga đang cần hỗ trợ khẩn cấp và Trung Quốc sẵn sàng giúp đỡ".

Tờ báo nói rằng vụ phun trào đã phá hỏng tuyến cáp ở Tonga và liên hệ tới các nỗ lực của tập đoàn viễn thông Huawei trong việc tìm cách tham gia vào thị trường ở Nam Thái Bình Dương.

"Điều quan trọng cần lưu ý là ngoài việc cung cấp các mặt hàng thiết yếu, Trung Quốc có khả năng giúp đỡ các quốc đảo Thái Bình Dương trong công việc tái thiết của họ. Thực tế, trong những năm gần đây, các công ty Trung Quốc như Huawei đã tích cực theo đuổi các dự án cơ sở hạ tầng ở các quốc đảo Thái Bình Dương, trong đó việc xây dựng các tuyến cáp quang biển là một phần quan trọng", bài báo viết.

Huawei trước đó đã cố gắng tham gia vào các dự án cáp ở Papua New Guinea và quần đảo Solomon, nhưng Australia đã có động thái chặn nỗ lực này.

Global Times cho biết, một số quốc gia phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, đang cố gắng ngăn chặn sự hợp tác như vậy vì họ coi các quốc đảo Thái Bình Dương "là nơi tranh giành ảnh hưởng địa chính trị và công khai tuyên bố chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương".

Sau vụ bạo loạn năm 2006, cựu Thủ tướng Tonga Fred Sevele đã đề nghị Trung Quốc viện trợ 100 triệu USD, nhưng sau đó Bắc Kinh quyết định cho quốc đảo này vay 112 triệu USD ngân sách tái thiết, có thể hoàn trả trong 20 năm. Khoản vay đó rất lớn với Tonga và sau 16 năm, nó vẫn tác động tới nền kinh tế của quốc gia này. 

Cựu Thủ tướng Tonga Akilisi Pohiva năm 2013 nói rằng, quốc gia này có những khoản nợ "không bao giờ có thể trả được". "Chúng ta cần một chính phủ có thể giải quyết vấn đề này với chính phủ Trung Quốc theo cách mà người dân Tonga hiện tại và trong tương lai sẽ không phải gánh chịu những hậu quả lớn", ông nói.

Jonathan Pryke, Giám đốc Chương trình Quần đảo Thái Bình Dương tại Viện Lowy của Australia, cho biết cả Australia và New Zealand hiện đang hối hả hơn bao giờ hết trong nỗ lực cạnh tranh tầm ảnh hưởng ở Thái Bình Dương với Trung Quốc. Họ đang gửi đi thông điệp rõ ràng rằng họ là đối tác nước ngoài tốt và đáng tin cậy nhất trong khu vực.

Vụ núi lửa phun trào dữ dội nhất thế kỷ 21, như "bom nguyên tử" ở Tonga

Theo asia.nikkei.com