Tonga tan hoang sau vụ nổ núi lửa "mạnh gấp 500 lần bom nguyên tử"
(Dân trí) - Tonga đã công bố những hình ảnh mới nhất cho thấy mức độ tàn phá của vụ phun trào núi lửa mạnh gấp 500 lần bom nguyên tử.
Lãnh sự quán Tonga ngày 19/1 đã công bố một loạt bức ảnh cho thấy cây cối và các tòa nhà bị san phẳng và phủ đầy tro bụi sau thảm họa phun trào núi lửa. Những bức ảnh khác cho thấy các mảnh vỡ chất đống bên ngoài các ngôi nhà, trong khi các phương tiện bị hư hỏng nặng nề.
"Nuku'alofa, "thành phố" của Vương quốc Tonga, bị tro bụi bao phủ", lãnh sự quán viết trên Twitter.
Các bức ảnh được chụp khi đường dây liên lạc giữa Tonga và phần còn lại của thế giới đã được khôi phục một phần. Mặc dù vậy, việc khôi phục kết nối Internet đầy đủ có thể mất ít nhất một tháng.
Phóng viên địa phương Marian Kupu cho biết, người dân Tonga đang trong quá trình dọn dẹp tro bụi, nhưng họ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch.
"Mỗi nhà đều có bể cấp nước riêng, nhưng hầu hết chúng đều chứa đầy bụi nên không đủ an toàn để uống", Kupu cho biết.
Kupu cũng cho biết một số ngôi làng ở phía tây Tonga bị thiệt hại nặng nề. Khi được hỏi liệu có đủ nguồn cung thực phẩm hay không, Kupu nói rằng, người dân vẫn có thể sống sót trong vài tuần tới, nhưng không chắc có đảm bảo nguồn nước hay không.
Lô hàng viện trợ quốc tế đầu tiên sẽ đến Tonga vào ngày 20/1, sau khi một máy bay của Lực lượng Phòng vệ New Zealand chở "thùng chứa nước, bộ dụng cụ làm nơi trú ẩn tạm thời, máy phát điện, bộ dụng cụ vệ sinh và thiết bị liên lạc" đến quốc đảo Thái Bình Dương.
Trước đó, máy bay vẫn ở chế độ chờ cho đến khi tro bụi được dọn sạch khỏi sân bay quốc tế ở Tonga. New Zealand cũng đã điều động 2 tàu chở vật tư chứa 250.000 lít nước, dự kiến sẽ đến Tonga vào ngày 21/1, trong khi Australia điều một tàu hải quân và cho biết 2 máy bay của lực lượng không quân Hoàng gia Australia sẵn sàng khởi hành.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng cho biết Bắc Kinh sẵn sàng hỗ trợ Tonga nhiều nhất trong khả năng cho phép.
Liên Hợp Quốc cho biết khoảng 84.000 người, chiếm hơn 80% dân số Tonga, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi thảm họa này.
"Họ đã bị ảnh hưởng do mất nhà cửa, mất liên lạc và gặp vấn đề về nguồn nước. Nước sạch thực sự là vấn đề sống còn lớn nhất. Nguồn nước đã bị ô nhiễm, hệ thống dẫn nước xuống cấp", người phát ngôn của Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric nói với các phóng viên.
Những đợt sóng thần cao tới 15 m đã tàn phá Togatapu, hòn đảo chính của Tonga, cũng như các đảo 'Eua và Ha'apai trong vụ phun trào núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai tại Tonga hôm 15/1. Theo báo cáo của chính phủ Tonag, tất cả các ngôi nhà trên đảo Mango đã bị phá hủy, ngoài ra Tonga cũng ghi nhận thiệt hại lớn trên các đảo Fonoifua và Nomuka.
Các chuyên gia ước tính vụ nổ núi lửa ở Tonga mạnh gấp 500 lần quả bom hạt nhân ném xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản vào cuối Chiến tranh Thế giới thứ 2. Vụ phun trào đã khiến tro bụi bay cao 20 km và tạo ra tiếng nổ lớn có thể nghe thấy ở cách đó hơn 10.000 km. Đây được cho là một trong những vụ nổ mạnh nhất trên Trái đất trong hơn một thế kỷ qua.