1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cú sốc "hạ cánh cứng" của kinh tế Trung Quốc

Việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc độ tăng trưởng xuống mức chậm nhất trong 27 năm qua đã làm dấy lên mối lo ngại về một cú sốc “hạ cánh cứng” của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.

Cú sốc hạ cánh cứng của kinh tế Trung Quốc - 1

Kinh tế Trung Quốc nửa đầu năm 2019 tăng trưởng thấp nhất trong gần 30 năm qua do căng thẳng thương mại với đối tác kinh tế lớn nhất là Mỹ

Dấu hiệu bất ổn về tình trạng “sức khỏe” của nền kinh tế Trung Quốc còn có thể thấy qua tốc độ tăng trưởng của sản lượng công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất của sản suất công nghiệp - thước đo quan trọng nhất của sức cạnh tranh của nền kinh tế Trung Quốc - trong 17 năm qua.

Giải thích nguyên nhân nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất kể từ khi có số liệu thống kê chính thức từ năm 1992 tới nay, Người phát ngôn của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho rằng, do tình hình kinh tế trong và ngoài nước vẫn yếu kém, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại trong khi những bất ổn bên ngoài đang gia tăng. Quan chức này thậm chí còn nhấn mạnh thêm rằng, kinh tế Trung Quốc nói chung đang chịu “sức ép đi xuống mới”.

Cho dù giới chức Trung Quốc không nói thẳng nguyên nhân quan trọng và trực tiếp nhất khiến kinh tế nước này chững lại sau gần 30 năm tăng trưởng ở tốc độ cao, song tất cả đều biết rằng đó là hậu quả của sự căng thẳng thương mại với Mỹ. Căng thẳng này đã bùng lên ngay sau khi Tổng thống   Donald Trump tiếp quản Nhà Trắng đã thực thi những biện pháp cứng rắn nhằm giảm mức nhập siêu của kinh tế Mỹ, đặc biệt là đối với Trung Quốc - quốc gia mà Mỹ nhập siêu nhiều nhất.

Trung Quốc cũng đã sớm nhận ra những tác động tiêu cực từ những chính sách và biện pháp cứng rắn của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump để có những điều chỉnh đối với nền kinh tế. Song bất chấp những nỗ lực trong suốt năm 2018 nhằm tái cấu trúc để phát triển theo hướng bền vững hơn, kinh tế Trung Quốc năm 2018 đã “in hằn” tác động tiêu cực từ tranh chấp thương mại với Mỹ khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 6,6%, mức tăng thấp nhất của nước này trong gần 30 năm qua. 

Giới đầu tư lo ngại rằng cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nếu kéo dài hơn và gây nhiều thiệt hại hơn có thể đẩy kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, trong đó bị ảnh hưởng nặng và đầu tiên sẽ chính là kinh tế Trung Quốc.

Đòn tấn công tăng thuế của Mỹ ngay từ năm 2018 đã thiệt hại lớn đối với khu vực sản xuất hướng đến mục tiêu xuất khẩu, lượng đơn đặt hàng mới cho các doanh nghiệp ở Trung Quốc suy giảm, buộc các nhà máy phải cắt giảm sản xuất và đóng băng các quyết định về đầu tư và thuê nhân công. Tác động của căng thẳng thương mại với kinh tế Trung Quốc càng nặng nề hơn khi từ tháng 5 vừa qua, chính quyền Tổng thống Donald Trump tung ra “cú đòn” tăng thuế từ 10% lên 25% đối với số hàng hóa trị giá hơn 200 tỷ USD của Trung Quốc xuất sang Mỹ. 

Bên cạnh nguyên nhân chiến tranh thương mại với Mỹ, sự giảm tốc của nền kinh tế còn có những nguyên nhân khác, trong đó có việc từ năm 2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bắt đầu chiến dịch giảm đòn bẩy tài chính đề kiềm chế rủi ro. Đây cũng được xem là biện pháp quan trọng để giúp nền kinh tế nước này có thể “hạ cạnh mềm” sau giai đoạn dài tăng trưởng quá “nóng” với tốc độ tăng trưởng gần 10%/năm. 

Các chuyên gia cho rằng, việc nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc độ tăng trưởng đã được lường trước khi nước này nhấn mạnh sự phát triển bền vững thay vì tăng trưởng bằng mọi giá, song sự giảm tốc đột ngột lại dẫn tới sự lo ngại về việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này có thể rơi vào tình thế “hạ cánh cứng” không mong muốn. Kinh tế “hạ cánh cứng” do tình trạng sụt giảm lớn, đột ngột của hoạt động kinh tế có thể dẫn tới những hệ lụy đáng lo ngại không chỉ về kinh tế.

Cú sốc hạ cánh cứng của kinh tế Trung Quốc - 2

Nhiều nhà phân tích cho rằng kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với rủi ro “hạ cánh cứng” hơn bao giờ hết và điều này có thể thấy qua việc các tập đoàn lớn của thế giới đang dần dịch chuyển các nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh các hàng rào thuế quan mà Mỹ đã áp đặt lên hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc. Điều này sẽ khiến hàng triệu công nhân mất việc làm, giảm thu nhập, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

Không chỉ nhà đầu tư nước ngoài rời bỏ Trung Quốc mà dòng vốn của các công ty, giới nhà giàu Trung Quốc cũng lẳng lặng tìm đến những quốc gia khác để tìm cách bảo vệ giá trị tài sản. Trong khi đó, rất nhiều công ty trong nước của Trung Quốc cũng phải vật lộn với những khó khăn chưa từng thấy sau thời kỳ dài có điều kiện phát triển thuận lợi.

Tăng trưởng kinh tế chậm lại là một nguyên nhân làm gia tăng rủi ro vỡ nợ với các công ty Trung Quốc - một vấn đề được đánh giá là lớn và ngày càng trầm trọng với nước này. Các công ty tư nhân, vốn là khu vực năng động và thu hút nhiều lao động nhất, chiếm hơn 90% số vụ vỡ nợ trong nửa đầu năm 2019.

Cú sốc “hạ cánh cứng” của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và lớn nhất châu Á còn tác động tiêu cực tới kinh tế châu lục. Số liệu mới nhất do Chính phủ Singapore công bố trung tuần tháng 7 cho thấy nền kinh tế nước này đã sụt giảm mạnh trong quý II-2019, chỉ tăng trưởng vẻn vẹn 0,5% do sức ép từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng như tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc.

Giới chuyên gia cho rằng, những gì đang xảy ra ở Singapore đều là tín hiệu cảnh báo sớm, bởi nền kinh tế của nước này có độ mở rất lớn và rất nhạy cảm với thương mại. Tăng trưởng quá thấp của kinh tế Singapore - nền kinh tế có độ mở lớn bậc nhất của khu vực - trong quý II vừa qua cho thấy khả năng kinh tế giảm tốc sâu hơn ở toàn bộ phần còn lại của châu Á.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc suy giảm trong quý II rõ ràng đang gây tác động tiêu cực đối với phần còn lại của châu Á. Điều đáng lo ngại hơn cả, theo các chuyên gia, là nhập khẩu của Trung Quốc giảm mạnh sẽ có thể gây ra những rủi ro cho chuỗi cung ứng đang ảnh hưởng xấu đến toàn bộ châu Á, nơi Trung Quốc là một thị trường lớn.

Nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của căng thẳng thương mại leo thang với đối tác lớn nhất là Mỹ, Chính phủ Trung Quốc thời gian qua đã thực hiện các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong năm 2019, theo đó thông báo cắt giảm thuế với quy mô lớn có giá trị lên tới gần 2.000 tỷ Nhân dân tệ và hạn ngạch 2.150 tỷ Nhân dân tệ trái phiếu đặc biệt do chính quyền các địa phương phát hành nhằm thúc đẩy hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cũng có thể sẽ tung thêm các biện pháp kích cầu trong vài tháng tới để giữ tốc độ tăng trưởng không sụt giảm sâu thêm.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, các biện pháp này vẫn chưa phát huy tác dụng đối với nền kinh tế Trung Quốc và niềm tin của các doanh nghiệp của nước này vẫn chưa ổn định, ảnh hưởng bất lợi tới hoạt động đầu tư. 

Theo Hoàng Tuấn

An ninh thủ đô