1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cư dân mạng tìm thấy máy bay Malaysia mất tích trong rừng?

(Dân trí) - Trong nỗ lực tham gia tìm kiếm máy bay mất tích của Malaysia, một sinh viên Đài Loan dường như đã tìm thấy một chiếc máy bay rơi trong rừng. Tuy nhiên liệu đây có phải là chuyến bay MH370 hay không vẫn chưa thể kiểm chứng.

Bức ảnh được cung cấp bởi Tomnod.com, một trang bản đồ trực tuyến của công ty DigitalGlobe được hàng triệu cư dân mạng sử dụng để tìm kiếm chiếc Boeing 777-200 mất tích của Malaysia Airlines.

Bức ảnh được một sinh viên Đài Loan phát hiện
Bức ảnh được một sinh viên Đài Loan phát hiện

Trong bức ảnh, dường như một máy bay dân dụng đang nằm trong một khu rừng.

Theo tờ China Times của Đài Loan, một sinh viên ngành khoa học ứng dụng của đại học công nghệ Nan Kai đã phát hiện ra vị trí này hôm 18/3. Bức ảnh, thuộc tờ bản đồ số Map654342, đã được gửi tới Tomnod để kiểm tra thông tin về địa điểm này.

Đến nay, tính xác thực của bức ảnh cũng như liệu đây có phải là chiếc máy bay của Malaysia hay không vẫn chưa thể khẳng định.

Cũng tìm kiếm tương tự như chàng sinh viên tại Đài Loan, một cư dân mạng khác đến từ Ấn Độ có tên Anoop Madhav Yeggina, 29 tuổi, khẳng định đã tìm thấy một máy bay lớn đang thấp bay qua khu vực đảo quần Andaman trên Ấn Độ Dương hôm 8/3, đúng ngày máy bay của Malaysia mất tích, tờ The Hindu cho biết.

Hình ảnh do một nhà phân tích IT Ấn Độ tìm thấy

Hình ảnh do một nhà phân tích IT Ấn Độ tìm thấy

Nhà phân tích công nghệ thông tin này đã đăng tải phát hiện của mình lên trang web của CNN từ hôm 14/3, và đến nay nhận được hơn 16000 lượt xem cùng nhiều bình luận.

“Tôi tin rằng hình ảnh này là của máy bay mất tích, bởi nhiều lí do. Trước hết, hình ảnh được chụp ngay trên một khu rừng, nằm rất gần sân bay Shibpur trên đảo Andaman. Sân bay này chỉ dành riêng cho quân đội mà không cho phép máy bay dân sự.

Khi nhìn kỹ hơn có thể thấy máy bay bay cực kỳ thấp, đến mức các đám mây cũng ở bên trên nó, một việc được thực hiện để tránh sự phát hiện của radar. Và quan trọng nhất, tỷ lệ kích thước và màu sắc của máy bay mất tích phù hợp với máy bay trong ảnh”, Anoop khẳng định.

Theo hãng tin AFP, những ngày qua, đã có khoảng 3 triệu người tham gia vào chương trình tìm kiếm trực tuyến, sử dụng các bức ảnh vệ tinh của DigitalGlobe.

Tính tới ngày hôm qua (18/3), công ty này cho biết đã có 257 triệu lượt “xem bản đồ”, và 2,9 triệu khu vực được người dùng đánh dấu.

Công ty trên sử dụng một thuật toán có tên CrowdRank để xác định những manh mối hứa hẹn nhất, chú ý tới những vùng trùng lặp được nhiều người cùng đánh dấu.

“Các chuyên gia phân tích của DigitalGlobe sẽ kiểm tra các vùng đánh dấu để xác định 10 vùng đáng chú ý nhất và chia sẻ thông tin đó với các khách hàng và cơ quan chức năng”, thông báo của công ty này cho biết.

Không tìm thấy bằng chứng trong mô hình bay giả lập

Trong khi đó, các nguồn tin từ cơ quan điều tra Mỹ cho biết, quá trình rà soát các thư điện tử cũng như mô hình giả lập điều khiển máy bay trong nhà của các phi công trên máy bay mất tích không cho thấy dấu hiệu nào những người này đã chuẩn bị cho việc đưa máy bay đi chệch hướng.

“Không có gì đặc biệt”, một trong những nguồn tin được giới chức Malaysia thông báo về vụ việc khẳng định với tờ LA Times.

Không có gì đặc biệt trong mô hình bay giả lập tại nhà cơ trưởng Zaharie
Không có gì đặc biệt trong mô hình bay giả lập tại nhà cơ trưởng Zaharie

Trước đó, giới chức Malaysia muốn tìm hiểu xem liệu cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah có luyện tập trước việc thay đổi đường bay tại nhà trên mô hình bay giả lập của mình hay không, bao gồm cả việc tắt các bộ phát sóng. Vậy nhưng các nhà điều tra “không phát hiện thấy việc đó”.

Các cuộc đối thoại giữa phi công và đài kiểm soát không lưu tại Malaysia cũng thân thiện, như bình thường, và không có gì báo hiệu một sự vụ nào đó sắp xảy ra.

Còn tờ Berita Harian của Malaysia thì cho biết, các nhà điều tra đã tìm thấy trong mô hình giả lập phần mềm minh họa sân bay quốc tế Male tại Maldives, 3 sân bay tại Ấn Độ và Sri Lanka và một sân bay thuộc căn cứ quân sự Mỹ tại đảo Diego Garcia trên Ân Độ Dương.

Những thông tin có được trong ngày thứ Ba dường như đã làm giảm bớt khả năng phi công đã tự sát, cho dù các nhân viên thực thi pháp luật Mỹ tiếp tục tập trung vào các giả thuyết không tặc, hoặc các hình thức phá hoại khác, bao gồm cả việc ai đó can thiệp vào máy tính của máy bay để thay đổi lộ trình.

“Vẫn có khả năng ai đó đã vào buồng lái và khiến máy bay chuyển hướng”, một nguồn tin từ giới chức Mỹ nói. “Hoặc máy bay đã bị cài đặt từ trước”.

Một giả thuyết nữa đó là một trong các phi công “đã tự thực hiện” việc chuyển hướng máy bay vì nguyên nhân nào đó, nguồn tin này cho biết thêm.

Thanh Tùng
Tổng hợp