Cư dân mạng Ấn Độ phản ứng về video an toàn giao thông của Trung Quốc
(Dân trí) - Video có hình ảnh vũ công bôi đen mặt biểu diễn một ca khúc nổi tiếng của Ấn Độ do Bộ Công an Trung Quốc đăng tải đã gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội.
Được đăng tải trên tài khoản Weibo chính thức của Bộ Công an Trung Quốc vào hôm 6/5, đoạn video dài một phút ghi lại cảnh nghệ sĩ Trung Quốc Brother Hao bôi đen mặt, đầu đội khăn xếp, ngồi trên xe máy và bắt chước các vũ điệu Ấn Độ nổi tiếng những năm 1990.
Ngoài ra, video còn xuất hiện 2 người đàn ông Trung Quốc khác cũng bôi đen mặt, ngồi sau xe máy của Brother Hao và mời nhóm 3 phụ nữ đang ngồi ghế sau một chiếc ô tô lên xe máy cùng họ. Ba cô gái mặc váy sequin xanh - trang phục thường thấy trong các bộ phim Bollywood.
"Lời nhắc nhở từ cảnh sát: ngồi ghế sau ô tô cũng nên cài dây an toàn. Nếu tham gia giao thông bằng xe máy, hãy nhớ đội mũ bảo hiểm", Bộ Công an Trung Quốc viết trong thông điệp đăng tải kèm theo video.
Video trên thu hút hơn 190.000 lượt xem từ Weibo. Sau khi xuất hiện trên Twitter, đoạn video lập tức vấp phải nhiều chỉ trích từ người dân Ấn Độ. Họ cho rằng đây là hành vi phân biệt chủng tộc cũng như hạ thấp văn hóa Ấn Độ.
"Họ đang chế nhạo Ấn Độ, Bollywood và người Ấn", Aadil Brar, biên tập viên báo The Print của Ấn Độ, viết trên Twitter.
"Cơ quan chính phủ của Trung Quốc sử dụng video kiểu này để tuyên truyền về an toàn giao thông ư? Chuyện gì thế này? Bây giờ đã là năm 2023 rồi", một tài khoản Twitter khác lên tiếng.
Tuy nhiên, cư dân mạng Trung Quốc lại cho rằng video này rất thú vị.
"Rất hay, tôi đã xem đi xem lại mấy lần rồi", một người dùng Weibo chia sẻ, trong khi nhiều người khác sử dụng biểu tượng cảm xúc mặt cười dưới đoạn video.
Người Trung Quốc còn sử dụng Twitter để thể hiện quan điểm ủng hộ đối với video do Bộ Công an nước này đăng tải. Họ cho rằng bài hát "Tunak Tunak Tun" trong video rất nổi tiếng và là minh chứng cho "quyền lực mềm của Ấn Độ" ở quốc gia này.
Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng chỉ có những người đàn ông trong video bôi đen mặt là vì "ở Trung Quốc đàn ông Ấn Độ bị xem như gã hề, trong khi phụ nữ Ấn Độ lại được coi là mỹ nhân".
Bộ Công an Trung Quốc và chính phủ Ấn Độ chưa lên tiếng về những tranh cãi xoay quanh đoạn video trên.
Phan Minh Thảo