1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cộng đồng người Việt tại Đức đoàn kết hướng về quê hương

(Dân trí) - Giữa bộn bề mưu sinh nơi đất khách, những người con quê hương Việt Nam ở CHLB Đức vẫn luôn đoàn kết, động viên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, giáo dục con cháu giữ gìn bản sắc, truyền thống dân tộc Việt Nam và hướng về quê hương, đất nước.

Nồng ấm tình quê hương

Sau chặng bay dài hơn 12 tiếng đồng hồ từ Hà Nội và thêm một chặng transit từ sân bay Frankfurt, chúng tôi đã có mặt ở sân bay Berlin, CHLB Đức. Cảm giác mệt mỏi nhanh chóng tan biến khi ngay tại sảnh sân bay có gần 20 người trong Hội Đồng hương Hà Tĩnh tại CHLB Đức đón chào bằng những bông hoa tươi thắm. Những cái bắt tay nồng hậu, lời chào hỏi thân tình, đậm chất giọng quê nhà nhanh chóng xua đi cái lạnh vùng Đông Âu.

Ngay trong ngày đầu của chuyến công tác, đoàn đã có buổi gặp gỡ, giao lưu với Hội đồng hương tại nhà hàng Đồng Xuân Quán (nằm trong Trung tâm thương mại Đồng Xuân, phố Herzberg, quận Lichtenberg phía Đông Berlin), nơi có gần 4.000 người Việt Nam làm ăn, sinh sống và là địa chỉ thân thiết của cộng đồng người Việt Nam ở Đức. Để chào đón đoàn chúng tôi, Hội Đồng hương đã bố trí 1 chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn”. Những bài hát về quê hương, những làn điệu dân ca ví, giặm được những ca sỹ thế hệ thứ 2 (sinh ra, lớn lên tại Đức) thể hiện bằng tiếng Việt một cách mượt mà, sâu lắng.

“Việc gìn giữ, truyền bá văn hóa Việt luôn được bà con ở đây coi trọng. Hàng ngày đến trường, con em phải sử dụng tiếng Đức, còn về nhà là luôn được bố mẹ nhắc nhở học tiếng Việt”, ông Nguyễn Quốc Hùng (quê Đức Thọ, Chủ tịch Hội Đồng hương Hà Tĩnh tại CHLB Đức cho biết.

Ông Hùng cho biết, với 200 hội viên, trọng tâm hoạt động là đoàn kết, động viên, giúp đỡ hội viên trong kinh doanh, học tập, giáo dục con cái giữ gìn bản sắc, truyền thống dân tộc Việt Nam và tuân thủ pháp luật của nước sở tại, qua 5 năm hoạt động, hội đã tạo được mái nhà chung, gắn kết, đùm bọc, chia sẻ trong cộng đồng người Hà Tĩnh tại CHLB Đức. Đặc biệt, hội đã có những hoạt động thiết thực, hiệu quả về công tác từ thiện, nhân đạo, khuyến học hướng về quê hương với tổng số tiền, hàng hóa trị giá hàng chục nghìn Euro.

Một nhà hàng của gia đình anh chị Tuấn - Ngần trên phố Parkchein.
Một nhà hàng của gia đình anh chị Tuấn - Ngần trên phố Parkchein.

Thành công trên đất khách

Anh Trần Quốc Tuấn quê ở Đức Thọ và vợ - chị Đặng Thị Ngần quê ở Vũ Quang sang Đức theo diện xuất khẩu lao động từ năm 1988. Năm 1989, Đông Âu sụp đổ, bức tường Beclin chia cách nước Đức được dỡ bỏ, tạo thông thương tự do cho công dân 2 miền Đông - Tây.

Chị Ngần chỉ đạo đầu bếp nấu các món ăn Việt Nam
Chị Ngần chỉ đạo đầu bếp nấu các món ăn Việt Nam

Trải qua giai đoạn đầu mưu sinh trên đất khách khá vất vả, đến nay, gia đình anh Tuấn đã có 2 nhà hàng khá lớn ở thủ đô Berlin. Tại 2 nhà hàng này có gần 20 lao động là người Hà Tĩnh trực tiếp chế biến món và phục vụ. Kinh doanh thành công, các nhà hàng của anh chị Tuấn - Ngần tạo việc làm cho hàng chục lao động là con em quê hương với mức thu nhập bình quân 30 triệu đồng/người/tháng.

Cũng sang Đức theo diện xuất khẩu lao động năm 1988, nhưng con đường kinh doanh của vợ chồng Nguyễn Văn Hùng quê Trường Lộc (Can Lộc) và Trịnh Thị Liên, quê Đức Châu (Đức Thọ) phát triển sớm hơn. Năm 1995, anh Hùng đã lập doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong lĩnh vực thực phẩm khô châu Á (mỳ tôm, bún khô, gạo, hải sản, rau - củ - quả).


Anh Nguyễn Văn Hùng đầu tư xây dựng hệ thống nhà kho, xưởng đông lạnh nằm gần với Khu Trung tâm thương mại Đồng Xuân, phố Herzberg, quận Lichtenberg phía Đông Berlin.

Anh Nguyễn Văn Hùng đầu tư xây dựng hệ thống nhà kho, xưởng đông lạnh nằm gần với Khu Trung tâm thương mại Đồng Xuân, phố Herzberg, quận Lichtenberg phía Đông Berlin.

Anh Hùng cho biết, mỗi năm nhập khoảng 10 container hàng từ Việt Nam sang, doanh thu khoảng 3 triệu Euro/năm. Ngoài khu nhà kho 1.000 m2 hiện có, anh vừa đầu tư hơn 1,2 triệu Euro mua 5.000 m2 đất và xây dựng thêm nhà kho, xưởng đông lạnh. Thời gian tới, doanh nghiệp của anh sẽ ký kết với các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó, có Mitraco Hà Tĩnh về cung cấp các sản phẩm hải sản, rau - củ - quả, thực phẩm khô… Cũng theo anh Hùng, sau khi mở rộng quy mô, sẽ tăng số lao động lên khoảng 50 người và doanh thu dự kiến chừng 10 triệu Euro/năm.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch Hội Đồng hương Hà Tĩnh tại CHLB Đức cho biết, ngoài một số ít “đại gia” có cửa hàng, địa điểm SXKD riêng, còn lại là kinh doanh buôn bán tại Trung tâm thương mại Đồng Xuân. Tại đây, có khoảng 4.000 người Việt Nam đang kinh doanh buôn bán, trong đó, có khoảng 200 người Hà Tĩnh và làm chủ 20 gian hàng.

Một nhà hàng khác của vợ chồng anh Tuấn, chị Ngàn.
Một nhà hàng khác của vợ chồng anh Tuấn, chị Ngàn.

“Ngoài việc kinh doanh ổn định, điều đáng tự hào nữa là con em người Việt sinh ra và lớn lên tại Đức học rất giỏi. Nhiều con em Hà Tĩnh được nhà trường và chính quyền sở tại khen thưởng về thành tích học tập xuất sắc trong lễ tổng kết năm học hàng năm”, ông Hùng nói.

Điều làm chúng tôi ấm lòng từ những người con đất Việt trên đất nước CHLB Đức tươi đẹp đó là nỗi đau đáu hướng về xây dựng quê hương. "Chúng tôi luôn khuyến khích, động viên các doanh nhân có điều kiện bên này về đất nước, quê hương đầu tư mở mang làm ăn, bởi cơ hội hiện đã rất nhiều xuất phát từ những chính sách thông thoáng mà Chính phủ triển khai những năm qua. Với cộng đồng người Việt, chúng tôi luôn kết nối, duy trì một việc rất quan trọng khác là buộc con em sinh ra tại Đức phải học, phải biết nói tiếng Việt. Tiếng mẹ đẻ không chỉ là niềm tự hào mà còn là cội nguồn của dân tộc", ông Hùng cho biết thêm.

Chúng tôi kết thúc thành công chuyến đi đến CHLB Đức, trong đó có những giây phút ấm nồng với bà con Việt kiều. Năm mới, chúc cộng đồng người Việt nói chung, Hà Tĩnh nói riêng làm ăn, học tập nơi đất khách gặp nhiều may mắn, thành công và luôn hướng về quê hương.

Hoài Dũng