1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc loay hoay xoay xở trước “đòn giáng” liên tiếp của Tổng thống Trump

(Dân trí) - Trung Quốc dường như vẫn đang loay hoay suy đoán toan tính của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi Washington liên tiếp giáng đòn các công ty của Bắc Kinh trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang.

Trung Quốc loay hoay xoay xở trước “đòn giáng” liên tiếp của Tổng thống Trump - 1

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Reuters)

Khi Tổng thống Donald Trump lần đầu tiên lên nắm quyền vào năm 2017, các quan chức Trung Quốc chỉ xem ông như một doanh nhân “thực dụng”. Họ cho rằng tất cả những tuyên bố cứng rắn của ông Trump trong chiến dịch tranh cử chỉ đơn thuần là các chiến thuật đàm phán để giành được sự ủng hộ của cử tri, chứ không phải niềm tin thực sự nằm sâu trong toan tính của ông.

Tuy nhiên hơn 2 năm sau đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận ra rằng ông đang đứng trên bờ vực của một cuộc chiến tranh lạnh mới mà Bắc Kinh cho là bị đẩy lên cao trào bởi những quan chức “diều hâu” cứng rắn nhất tại Washington. Tệ hơn, quan điểm cho rằng Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược và phải bị ngăn chặn bằng mọi giá đang được nhiều người trong giới chính trị Mỹ ủng hộ.

Trong lúc Tổng thống Trump tiếp tục thổi bùng căng thẳng bằng những lời đe dọa cấm vận Huawei và các công ty Trung Quốc mà Mỹ nghi ngờ đe dọa tới an ninh quốc gia, các quan chức ở Bắc Kinh vẫn đang cân nhắc những phương án ứng phó. Họ kích động tư tưởng bài Mỹ, chuẩn bị các kế hoạch cứu vãn Huawei, trong khi vẫn kêu gọi Washington đối thoại để giải quyết bất đồng.

“Tôi không cho rằng (Trung Quốc) có chiến lược rõ ràng để phổ biến xuyên suốt hệ thống. Một mặt, truyền thông nhà nước (Trung Quốc) đang kích động chủ nghĩa dân tộc, nhưng khi bạn nói chuyện với các quan chức (Trung Quốc), họ vẫn khá dè dặt trong việc chỉ trích Mỹ”, Ether Yin, một đối tác của Trivium China - hãng tư vấn có trụ sở tại Bắc Kinh, nhận định.

Sự lưỡng lự của chính quyền Trung Quốc bắt nguồn từ việc Bắc Kinh cho đến nay vẫn không chắc chắn liệu ông Trump chỉ đang gia tăng đe dọa trước khi đạt được thỏa thuận cuối cùng, hay Mỹ rốt cuộc muốn kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc như một siêu cường toàn cầu? Đây là câu hỏi khó, ngay cả với những nhà nghiên cứu kỳ cựu về chính sách của Mỹ.

“Rất khó để biết liệu nỗ lực (của Mỹ) trong việc xử lý Huawei chỉ đơn giản là liên quan tới vấn đề an ninh quốc gia hay đây là một chiến thuật đàm phán nhằm đạt được tiến triển trong các cuộc đàm phán thương mại”, Scott Kennedy, giám đốc Dự án Kinh tế Chính trị và Kinh doanh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington, nói.

Tuần trước, ông Kennedy đã có mặt tại Bắc Kinh để tham dự các cuộc họp trong khi Bộ Thương mại Mỹ liệt Huawei vào danh sách đen. Danh sách này cấm các công ty Mỹ cung cấp công nghệ thiết yếu cho Huawei nếu chưa có giấy phép.

“Có thể Ủy ban An ninh Quốc gia Mỹ đồng ý với kết luận rằng, chỉ bằng cách chặn đứng đường sống của Huawei mới có thể xóa bỏ mối đe dọa do Huawei mang lại”, ông Kennedy nhận định.

Phản ứng của Trung Quốc

Trung Quốc loay hoay xoay xở trước “đòn giáng” liên tiếp của Tổng thống Trump - 2

Huawei là tập đoàn viễn thông hàng đầu của Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Kể từ khi các cuộc đàm phán thương mại đổ vỡ hồi đầu tháng này, chính quyền Trump đã tung ra hàng loạt biện pháp để kiềm chế Trung Quốc. Ngoài đòn giáng vào Huawei, Mỹ cũng xem xét dừng cung cấp công nghệ quan trọng của Mỹ cho 5 công ty Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực camera giám sát.

Phản ứng của Trung Quốc cho đến nay chủ yếu vẫn là những tuyên bố chỉ trích. Các nhà ngoại giao Trung Quốc công kích Mỹ vì hành vi “bắt nạt”, trong khi truyền thông nhà nước Trung Quốc gọi cuộc chiến thương mại là “chiến tranh dân tộc”. Phong trào bài Mỹ nở rộ trên mạng xã hội Trung Quốc, thậm chí có cả bài hát về chiến tranh thương mại gây sốt trên cộng đồng mạng.

Phát biểu tại tỉnh Giang Tây tuần trước, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi giới chức Trung Quốc sẵn sàng cho một trận chiến dài hơi. Ông Tập nói rằng Trung Quốc nên tự lực cánh sinh về các công nghệ cốt lõi, thậm chí đưa ra cảnh báo khi ông tới thăm một nhà máy xử lý tài nguyên đất hiếm. Nhà lãnh đạo Trung Quốc được cho là gửi tín hiệu tới Tổng thống Trump rằng, Bắc Kinh có thể sẽ hạn chế việc bán đất hiếm, nguyên tố dùng để sản xuất các linh kiện quan trọng của nhiều sản phẩm từ điện thoại thông minh cho tới xe điện.

Chính phủ Trung Quốc cũng đang vạch sẵn các kế hoạch để sẵn sàng trợ giúp Huawei trong trường hợp cần thiết. Một phương án khả thi là Bắc Kinh sẽ hỗ trợ tài chính cho Huawei.

Động thái của chính quyền Trump nhằm vào Huawei là một phần trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt cho vị trí siêu cường giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ từng đề cập tới vấn đề này trong Chiến lược An ninh Quốc gia 2017.

Một con đường khả thi để đưa Mỹ và Trung Quốc quay trở lại quỹ đạo ổn định là hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản vào cuối tháng 6. Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập đã thành công trong việc đạt được một thỏa thuận đình chiến thương mại tạm thời trong cuộc gặp gần đây nhất bên lề hội nghị G20 tại Argentina vào cuối năm ngoái. Lần này, hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ gặp lại nhau.

Giới kinh doanh Mỹ coi hội nghị G20 sắp tới là một trong những cơ hội cuối cùng để đạt được thỏa thuận với Trung Quốc trước khi chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020 diễn ra và khiến cho mục tiêu này trở nên khó đạt được hơn. Tổng thống Trump từng nói rằng Bắc Kinh muốn cựu phó Tổng thống Joe Biden, đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử vào năm sau, giành chiến thắng vì khi đó Trung Quốc “có thể tiếp tục lấy đi của Mỹ 500 tỷ USD mỗi năm”.

Khoảng 1/5 số công ty Mỹ tại Trung Quốc đang cân nhắc phương án di dời một phần hoặc toàn bộ dây chuyền sản xuất ra khỏi quốc gia Đông Bắc Á để tránh hậu quả của căng thẳng thương mại, trong khi 1/3 số công ty đã hủy hoặc tạm dừng các quyết định đầu tư.

“Cả hai bên rồi sẽ phải chớp mắt. Họ đang đặt mình vào cuộc leo thang căng thẳng, nhưng rốt cuộc mối quan hệ này vẫn lớn tới mức không thể sụp đổ được”, Myron Brilliant, phó chủ tịch điều hành Phòng Thương mại Mỹ, nhận định hôm 22/5.

Thành Đạt

Theo Bloomberg