Con đường “chông gai” tới Lầu Năm Góc của quyền bộ trưởng quốc phòng Mỹ
(Dân trí) - Trước khi trở thành Thứ trưởng và sau đó là Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Patrick Shanahan từng vấp phải sự phản đối do lo ngại lý lịch công tác tại Boeing cũng như chưa có kinh nghiệm về quân sự.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis tuần trước đã tuyên bố từ chức khỏi chính quyền Tổng thống Donald Trump. Quyết định này của ông chủ Lầu Năm Góc được đưa ra sớm hơn hai tháng so với dự kiến.
Thứ trưởng Patrick Shanahan, người được Tổng thống Donald Trump chọn làm quyền Bộ trưởng Quốc phòng, sẽ thay thế ông Mattis lãnh đạo cơ quan lớn nhất và phức tạp nhất của chính phủ. Tuy nhiên điều đáng lưu ý là ông Shanahan chưa có kinh nghiệm về quân sự cũng như chính sách đối ngoại, theo CNN.
Ông Shanahan sẽ dẫn dắt Lầu Năm Góc với vai trò tạm quyền cho tới khi Tổng thống Trump chỉ định một ứng viên làm Bộ trưởng Quốc phòng mới. Ông Shanahan cũng chịu trách nhiệm thực hiện các mệnh lệnh của tổng thống về việc rút quân đội Mỹ khỏi Syria, và có thể cả Afghanistan. Một quan chức quốc phòng đã xác nhận với CNN ngày 24/12 rằng ông Shanahan đã hủy kỳ nghỉ lễ của mình và quay trở lại Washington.
Là cựu giám đốc điều hành tập đoàn Boeing, hồ sơ của ông Shanahan tại Bộ Quốc phòng Mỹ được đánh giá là hạn chế khi ông không có kinh nghiệm về các vấn đề quốc tế cũng như chống khủng bố. Lãnh đạo gần đây nhất của Lầu Năm Góc mà chưa từng có kinh nghiệm quân sự là Ashton Carter, cựu Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Trong suốt 17 tháng qua, ông Shanahan là nhân vật quan trọng số hai tại Lầu Năm Góc. Ông gần như phụ trách "độc quyền" các vấn đề về cải cách nội bộ, các vấn đề về ngân sách và Lực lượng Không gian Vũ trụ - một lực lượng quân sự mới do Tổng thống Trump đề xuất thành lập.
Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ đã tiết lộ với các phóng viên cuối tuần trước rằng ông Shanahan thực chất đã "điều hành Lầu Năm Góc" trong khi ông Mattis tập trung vào các vấn đề chính sách và mối quan hệ với các đồng minh.
"Có lẽ không ai biết rõ hoạt động nội bộ của Lầu Năm Góc hơn ông Shanahan", quan chức Mỹ cho biết.
Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua vị trí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho ông Shanahan hồi năm ngoái. Tuy nhiên, đường đến Lầu Năm Góc của cựu giám đốc điều hành Boeing không phải lúc nào cũng suôn sẻ.
Con đường chông gai
Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis (phải) và Thứ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan (Ảnh: Bloomberg)
Ông John McCain, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Arizona, đã không đồng tình với câu trả lời của ông Shanahan về một câu hỏi liên quan tới chính sách đối ngoại và dọa sẽ phản đối việc đưa ông vào ghế lãnh đạo cấp cao tại Bộ Quốc phòng Mỹ.
Trong phiên điều trần vào tháng 6/2017, Thượng nghị sĩ McCain nói rằng ông cảm thấy lo lắng bởi câu trả lời của ông Shanahan trong một bảng câu hỏi được nộp lên Ủy ban Quân vụ Thượng viện về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Trong bản viết tay câu trả lời của mình, ông Shanahan nói rằng đây sẽ là vấn đề mà ông "lên kế hoạch xem xét chặt chẽ nếu ông được bổ nhiệm" làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng vì lúc này ông chưa được quyền tiếp cận với thông tin mật.
"Câu trả lời đó không thỏa mãn, thưa ông Shanahan. Phản ứng của ông đối với câu hỏi này, thành thật mà nói, khiến tôi rất thất vọng", ông McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, phát biểu tại phiên điều trần.
Ông Shanahan nói rằng ông ủng hộ việc Mỹ cấp vũ khí phòng vệ cho Ukraine. Tuy nhiên, ông McCain cảnh báo rằng: "Đó không phải là một sự khởi đầu tốt đẹp. Đừng bao giờ lặp lại chuyện đó, thưa ông Shanahan. Nếu không tôi sẽ không đưa tên ông ra bỏ phiếu trước ủy ban này".
Ngoài ra, ông McCain cũng đặt ra lo ngại về nền tảng của ông Shanahan khi từng làm giám đốc điều hành cho Boeing - nhà thầu quốc phòng hàng đầu tại Mỹ. Sau khi phiên điều trần kết thúc, ông McCain cũng nhắc nhở ông Shanahan rằng ông không nên "quá vui mừng" với lý lịch từng làm cho Boeing. Ông McCain cho biết ông lo lắng nếu có ai đó từng làm việc cho một trong 5 nhà thầu quốc phòng lớn nhất lại được giao trọng trách lãnh đạo Lầu Năm Góc.
"Tô lo ngại rằng 90% ngân sách quốc phòng sẽ rơi vào tay 5 tập đoàn lớn, mà ông là người đại diện cho một trong số đó. Tôi phải giữ niềm tin rằng không thể đặt một con cáo vào trong chuồng gà", ông McCain nói với ông Shanahan.
Ông Shanahan (trái) từng có hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc tại Boeing. (Ảnh: AFP)
Ông Shanahan bắt đầu gia nhập Boeing từ năm 1986 và làm việc cho nhà thầu quốc phòng này trong hơn 30 năm trước khi đặt chân tới Lầu Năm Góc. Theo Bloomberg, Lầu Năm Góc đang lên kế hoạch về gói mua 12 máy bay F-15X của Boeing trị giá 1,2 tỷ USD.
Trong bản kê khai tài chính vào thời điểm được Tổng thống Trump bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng hồi năm ngoái, ông Shanahan khai rằng ông đã đầu tư vào hơn 400 loại cổ phiếu khác nhau ở hàng loạt công ty. Bản kê khai được ký nhận vào tháng 6/2017, trong đó liệt kê thu nhập của ông Shanahan tại Boeing là 1.419.864 USD và hàng triệu USD đầu tư vào tập đoàn này.
Trong bức thư đính kèm bản kê khai tài chính, Shanahan cho biết ông sẽ chuyển nhượng số cổ phiếu của mình, bao gồm cổ phiếu ở Boeing, và cam kết sẽ không tham gia vào các vấn đề liên quan tới Boeing, cả ở góc độ cá nhân và tập thể, nếu được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Quốc phòng.
Mặc dù vấp phải sự phản đối từ Thượng nghị sĩ McCain, song ông Shanahan vẫn nhận được nhiều lời khen từ nhiều nghị sĩ khác.
"Quyết định của Tổng thống Trump khi thăng chức cho Thứ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan lên Quyền Bộ trưởng Quốc phòng là một lựa chọn khôn ngoan", Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, một đồng minh của Tổng thống Trump, nói.
Tuy vậy, ông Shanahan vẫn phải đối mặt với những câu hỏi từ các nghị sĩ, những người coi quyết định từ chức của ông Mattis là một điềm xấu.
"Câu hỏi không thể tránh khỏi dành cho Patrick Shanahan là liệu ông ấy có đủ dũng cảm để bảo vệ những chính sách và nguyên tắc then chốt của ông Mattis không? Nếu không thể làm được, ông ấy sẽ đi vào con đường nguy hiểm của ông Trump", Thượng nghị sĩ Dân chủ Richard Blumenthal nhận định.
Thành Đạt
Tổng hợp