Người “lọt mắt xanh” của Tổng thống Trump cho ghế ông chủ Lầu Năm Góc
(Dân trí) - Người được Tổng thống Donald Trump đề cử vào vị trí thay thế Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis vừa từ chức từng là giám đốc điều hành của Boeing - nhà thầu quốc phòng hàng đầu tại Mỹ.
Tổng thống Donald Trump ngày 23/12 cho biết Thứ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan sẽ đảm nhận chức vụ quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ ngày 1/1/2019 để thay thế vị trí của ông Jim Mattis - người vừa viết đơn từ chức sau một loạt bất đồng với ông chủ Nhà Trắng.
"Tôi vui mừng thông báo rằng Thứ trưởng Quốc phòng rất tài năng của chúng ta, ông Patrick Shanahan, sẽ đảm nhận vị trí Quyền Bộ trưởng Quốc phòng bắt đầu từ ngày 1/1/2019. Ông Patrick đã đạt được một danh sách dài thành tựu khi còn giữ chức thứ trưởng và trước đây là tại Boeing. Ông ấy sẽ làm rất tốt (trên cương vị mới)!", ông Trump viết trên Twitter.
Ông Patrick Shanahan từng là cựu giám đốc điều hành tập đoàn Boeing. Người phát ngôn của ông Shanahan, Trung tướng Joseph Buccino, cho biết ông Shanahan sẵn sàng chấp thuận đề cử làm quyền bộ trưởng Quốc phòng của Tổng thống Trump.
Lầu Năm Góc rất hiếm khi có vị trí quyền bộ trưởng Quốc phòng. Thông thường, khi một bộ trưởng từ chức, họ vẫn sẽ đảm nhận chức vụ cho tới khi người kế nhiệm được phê chuẩn. Chẳng hạn, khi cựu Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama thông báo từ chức vào tháng 11/2014, ông Hagel vẫn ở lại cho tới khi người kế nhiệm là ông Ash Carter được phê chuẩn cho vị trí này vào tháng 2 năm sau.
Sự nghiệp tại Boeing
Tổng thống Trump và ông Patrick Shanahan (Ảnh: AP)
Ông Shanahan được bổ nhiệm làm thứ trưởng Quốc phòng Mỹ từ đầu năm 2017. Sau khi bắt đầu sự nghiệp tại Boeing từ năm 1986, ông Shanahan đã trải qua nhiều cấp quản lý. Ông chịu trách nhiệm giám sát các chiến lược chuỗi cung ứng toàn cầu của Boeing cũng như các vấn đề liên quan tới hoạt động sử dụng công nghệ sản xuất tiên tiến. Ông cũng là nhân vật then chốt đưa dòng máy bay Dreamliner 787 của Boeing phát triển đúng hướng sau các sự cố về sản xuất trong những năm đầu của chương trình này.
Xuất thân là một kỹ sư, ông Shanahan có hai bằng cao cấp của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), gồm bằng thạc sĩ cơ khí và bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh từ Trường Quản lý Sloan thuộc MIT.
Cha ông Shanahan là cựu binh từng tham gia chiến tranh Việt Nam. Trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện, Shanahan cho biết cha ông từng dạy các anh em ông phải thấm nhuần tư tưởng của nước Mỹ đó là "phụng sự đất nước trước khi nghĩ đến bản thân".
Với đề cử quyền bộ trưởng Quốc phòng của Tổng thống Trump, ông Shanahan không cần sự phê chuẩn của Thượng viện Mỹ. Năm ngoái, trước khi Thượng viện Mỹ thông qua với tỷ lệ phiếu ủng hộ 92-7 để bầu ông Shanahan vào vị trí thứ trưởng Quốc phòng Mỹ, cố Thượng nghị sĩ bang Arizona John McCain từng nói ông không hài lòng khi một giám đốc điều hành trong ngành công nghiệp quốc phòng, người chưa từng có kinh nghiệm quân sự trước đây, tới dẫn dắt Lầu Năm Góc.
Mặc dù không gần gũi với Bộ trưởng Mattis, song ông Shanahan được Nhà Trắng rất quý mến. Kể từ khi đặt chân tới Lầu Năm Góc, ông Shanahan đã nhấn mạnh tới việc đưa cơ quan này hoạt động hiệu quả hơn. Ông cũng nhận được nhiều sự tán dương từ Nhà Trắng khi thúc đẩy tầm nhìn của Tổng thống Trump về lực lượng không gian vũ trụ của Mỹ, dù điều này đi ngược lại với quan điểm của nhiều tướng lĩnh tại Lầu Năm Góc.
"Ông ấy không phải kiểu người ra chính sách hay địa chính trị. Ông ấy là một doanh nhân. Nhưng ông ấy dành cả năm 2017 để học hỏi những điều tốt nhất. Và Shanahan có mối quan hệ tốt với cả Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Mike Pence", một nguồn tin tiết lộ với Defense News.
Xung đột lợi ích
Ông Patrick Shanahan khi còn công tác tại tập đoàn Boeing. (Ảnh: Sputnik)
Mặc dù vậy, với kinh nghiệm hơn 30 năm công tác tại Boeing, nhà thầu quốc phòng lớn thứ hai của Mỹ, ông Shanahan cũng vấp phải một số ý kiến phản đối cho vị trí lãnh đạo tại Lầu Năm Góc vì lo ngại vấn đề xung đột lợi ích. Mặc dù ông Shanahan từng cam kết sẽ đứng ngoài mọi quyết định liên quan tới Boeing, song mối quan hệ giữa bộ Quốc phòng và nhà thầu này vẫn khiến nhiều người hoài nghi, trong đó có ông John McCain.
Một trong những quyết định trước mắt mà quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phải đưa ra là liệu Lầu Năm Góc có đồng ý tiếp nhận mẫu máy bay tiếp dầu mới của Boeing hay không dù máy bay này vẫn mắc nhiều lỗi chưa được giải quyết. Bộ trưởng Mattis trước đây từng tuyên bố sẽ không chấp nhận mẫu máy bay này nếu chúng vẫn còn lỗi.
Trong vòng 6 tháng qua, Boeing đã giành được 3 hợp đồng trị giá hàng tỷ USD để phát triển các chương trình máy bay chính của bộ Quốc phòng Mỹ. Hiện các lãnh đạo cấp cao của Lầu Năm Góc cũng đang hối thúc Không quân Mỹ mua thêm phiên bản mới của máy bay chiến đấu F-15 huyền thoại của Boeing, dòng máy bay sải cánh lần đầu tiên từ năm 1972.
Thương vụ được cho là có giá 1,2 tỷ USD để mua 12 phiên bản mới của "F-15X", tương tự dòng máy bay Boeing đang chế tạo cho Qatar, đã cho thấy tầm ảnh hưởng khổng lồ của Boeing đối với chính quyền Trump ngay từ khi ông Trump bắt đầu đặt chân tới Nhà Trắng.
Từ hồi tháng 2/2017, ông Trump đã bật đèn xanh cho việc mua thêm các máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet của Boeing, thay vì mua F-35 của tập đoàn Lockheed Martin. Hải quân Mỹ cũng đặt hàng hơn 100 chiếc Super Hornet mới vào mùa xuân năm nay.
Tổng thống Trump cũng có mối quan hệ cá nhan gần gũi với giám đốc điều hành Boeing Dennis Muilenburg. Hai nhà lãnh đạo đã đàm phán trực tiếp với nhau để đạt được thỏa thuận trị giá 3,9 tỷ USD cho việc chế tạo chuyên cơ Không Lực Một mới dành cho tổng thống Mỹ. Ông Trump cho biết thương vụ này đã tiết kiệm cho ngân sách của Mỹ 1,4 tỷ USD.
Thành Đạt
Theo Fox, FT