Cơ hội vàng cho các nhà đầu tư "đánh thức" tiềm năng của Triều Tiên
(Dân trí) - Các nhà đầu tư có thể gặt hái nhiều thành công nếu quyết định đầu tư vào Triều Tiên, đặc biệt sau khi Bình Nhưỡng được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, vì quốc gia Đông Bắc Á được cho là sở hữu nhiều tiềm năng phát triển.
Triều Tiên sẽ trở thành một quốc gia như thế nào nếu được dỡ bỏ tầng tầng lớp lớp lệnh trừng phạt, vốn được áp đặt để răn đe Bình Nhưỡng sau các hành động khiêu khích và khiến nền kinh tế của quốc gia Đông Bắc Á gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển?
Liệu Triều Tiên có trở thành một “cường quốc kinh tế hùng mạnh” như Tổng thống Mỹ Donald Trump từng dự đoán trong cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Hà Nội hồi tháng 2 hay không?
Đây không phải là những câu hỏi dễ trả lời, một phần bởi vì rất ít người bên ngoài lãnh thổ Triều Tiên có đủ kiến thức để đánh giá xem nước này có cơ sở hạ tầng đủ mạnh để thúc đẩy nền kinh tế phát triển hay không.
Việc dự đoán vận mệnh của một đất nước Triều Tiên không còn lệnh trừng phạt dường như vẫn còn quá sớm ở thời điểm hiện tại vì như những gì cộng đồng quốc tế đã chứng kiến tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai, vẫn còn hố sâu ngăn cách rất lớn giữa Triều Tiên và phần còn lại của thế giới liên quan tới việc xóa bỏ chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Tuy vậy, luật sư Chung Min-kyu vẫn khuyến khích các nhà đầu tư, cũng như những người đang tìm kiếm cơ hội việc làm, chuẩn bị sẵn sàng tâm lý cho một đất nước Triều Tiên không còn lệnh trừng phạt. Họ có thể trở thành những người đầu tiên đặt chân tới thị trường tiềm năng này.
Trong cuốn sách với tựa đề “Đã đến lúc đầu tư vào Triều Tiên”, luật sư Chung Min-kyu kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng nên sẵn sàng đương đầu với rủi ro khi hoạt động làm ăn tại Triều Tiên nếu họ muốn kiếm được khoản lợi nhuận lớn. Nếu không nắm bắt cơ hội này, họ sẽ không có được lợi thế dành cho những người đi tiên phong tại thị trường Triều Tiên.
Những tòa nhà cao tầng tại Triều Tiên. (Ảnh: KCNA)
Tác giả cuốn sách ví cơ hội kinh doanh tiềm năng tại Triều Tiên giống như Cơn sốt Vàng vào năm 1848 khi những người thợ mỏ từ khắp nơi trên thế giới đổ xô về khu vực California để tìm vàng.
“Trước thời kỳ Cơn sốt Vàng, San Francisco chỉ đơn thuần là một thị trấn đánh cá nhỏ bé. Tuy nhiên sau đó, nơi đây nổi lên như một thành phố giàu có sau Cơn sốt Vàng. Cơn sốt Vàng kéo theo sự bùng nổ về xây dựng khi đường sá, trường học và đô thị mọc lên và California cuối cùng được sáp nhập và trở thành bang thứ 31 của Mỹ”, luật sư Chung Min-kyu viết.
“Khoảng 170 năm sau Cơn sốt Vàng, một cuộc cách mạng khác có thể sẽ diễn ra trên bán đảo Triều Tiên. Nằm ở phía bên kia bán cầu, nơi cách California gần 12 giờ bay, Cơn sốt Vàng phiên bản Triều Tiên ngày càng hiện rõ. Triều Tiên nổi lên như một đất nước thu hút đầu tư sau khi quan hệ liên Triều được cải thiện và hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra”, cuốn sách phân tích.
Thời điểm để đầu tư
Một tuyến phố tại thủ đô Bình Nhưỡng (Ảnh: AP)
Theo ông Chung, người tự nhận là một chuyên gia về Triều Tiên, hiện tại là thời điểm thích hợp để đầu tư vào nước này và các nhà đầu tư sẽ được đền đáp xứng đáng.
“Một số người nói rằng các cơ hội kinh doanh tại Triều Tiên đang bị thổi phồng quá mức, thậm chí có người còn cảnh báo về những rủi ro có thể gặp phải. Phản ứng từ những người hay lo lắng như vậy đã khiến tôi nhớ lại những gì từng xảy ra trong Cơn sốt Vàng. Những người đủ dũng cảm để tận dụng Cơn sốt Vàng, bất chấp rủi ro, đều thành công rực rỡ. Triển vọng cải thiện quan hệ liên Triều và Mỹ - Triều vẫn chưa rõ ràng vì một số người tỏ ra lạc quan, trong khi một số khác vẫn hoài nghi”, luật sư Chung Min-kyu nhận định.
“Đã đến lúc đầu tư vào Triều Tiên” là một cuốn sách hướng dẫn đầu tư. Tác giả cho rằng Triều Tiên đã mở ra cơ hội khởi nghiệp cho những người trẻ Hàn Quốc chưa có việc làm.
Luật sư Chung Min-kyu lưu ý rằng Triều Tiên có cơ sở hạ tầng cơ bản để phục vụ các hoạt động kinh doanh tại đây. Theo ông, Triều Tiên cũng có ngành sản xuất riêng mặc dù ngành này chưa được xây dựng một cách có hệ thống như tại Hàn Quốc hay các nền kinh tế phát triển khác.
Theo luật sư Chung Min-kyu, tại Triều Tiên hiện có 3 nhóm đầu tư: nhóm “don-ju” gồm những người bản địa Triều Tiên nắm giữ nhiều tiền của, nhóm doanh nhân người Nhật Bản gốc Triều và người Trung Quốc gốc Triều.
“Nhóm don-ju đã tích lũy được khối tài sản đáng kể thông qua công việc kinh doanh tại thị trường (Triều Tiên). Tại Triều Tiên, thị trường bắt đầu phát triển từ năm 1995. Một số người đã đầu tư vào ngành sản xuất để kiếm thêm tiền, còn một số khác trông cậy vào làm ăn thương mại với Trung Quốc”, cuốn sách của Chung Min-kyu chia sẻ.
Luật sư Chung khuyến khích các nhà đầu tư tiềm năng nên xây dựng mạng lưới với các doanh nhân Trung Quốc gốc Triều, những người đã làm ăn với Triều Tiên từ hàng chục năm nay. Theo ông Chung, nhóm doanh nhân này có mối liên hệ với các quan chức cấp cao Triều Tiên, những người có quyền cấp giấy phép kinh doanh.
Thành Đạt
Theo Korea Times