1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Clinton và Trump "khẩu chiến" gay gắt đến phút chót

(Dân trí) - Hai ứng viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton và Donald Trump vừa kết thúc vòng tranh luận trực tiếp đầu tiên với những đấu khẩu gay gắt về nhiều chủ đề nóng bỏng không chỉ của riêng nước Mỹ mà của cả thế giới. Cả hai đều khẳng định đã chuẩn bị sẵn sàng và đủ khí chất để trở thành chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng.

Cuộc tranh luận đầu tiên giữa ứng viên Cộng hòa Donald Trump và ứng viên Dân chủ Hillary Clinton bắt đầu lúc 9 giờ tối ngày 26/9 giờ địa phương.

Cuộc đối đầu kéo dài 90 phút được dự đoán là cuộc tranh luận thu hút nhiều người xem nhất trong lịch sử truyền hình Mỹ, lên tới 100 triệu người.

Hai ứng viên tranh luận về các vấn đề, từ kinh tế, việc làm tới an ninh, dân chủ.

Clinton và Trump sẽ có 3 cuộc tranh luận trước cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 8/11.

Thăm dò ý kiến Theo bạn, ứng viên nào gây ấn tượng hơn trong cuộc tranh luận?
Donald Trump Hillary Clinton
Clinton và Trump "khẩu chiến" gay gắt đến phút chót - 1
Clinton và Trump "khẩu chiến" gay gắt đến phút chót - 2

Câu hỏi cuối cùng


Các ứng viên đã kết thúc tranh luận đầu tiên (Ảnh: BBC)

Các ứng viên đã kết thúc tranh luận đầu tiên (Ảnh: BBC)


Cựu Tổng thống Bill Clinton cũng tới theo dõi cuộc tranh luận trực tiếp (Ảnh: Reuters)

Cựu Tổng thống Bill Clinton cũng tới theo dõi cuộc tranh luận trực tiếp (Ảnh: Reuters)


Ông Trump trong vòng vây của báo giới sau cuộc tranh luận (Ảnh: Reuters)

Ông Trump trong vòng vây của báo giới sau cuộc tranh luận (Ảnh: Reuters)

Câu hỏi cuối cùng được người dẫn chương trình Holt đưa ra là liệu các ứng viên có chấp nhận thất bại trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới hay không.

Bà Clinton trả lời: "Tôi ủng hộ sự dân chủ của chúng ta. Sẽ có những lúc bạn chiến thắng, nhưng cũng có những lúc phải thất bại, Tuy nhiên tôi nhất định ủng hộ kết quả của cuộc bầu cử này".

Ông Trump thì nói rằng ông sẽ chấp thuận kết quả cuộc bầu cử kể cả khi bà Clinton đánh bại ông. "Nếu bà ấy chiến thắng, tôi hoàn toàn ủng hộ bà ấy", ông Trump nói. Trước đó, vị tỷ phú New York này từng nói rằng ông lo ngại kết quả bầu cử sẽ có gian lận.

Vấn đề hạt nhân

Hai ứng viên tổng thống chuyển sang một chủ đề tranh luận cũng khá nóng bỏng khác của thế giới đó là vấn đề hạt nhân. Ông Trump cho rằng, hạt nhân là mối đe dọa lớn nhất thế giới, hơn cả mối đe dọa từ biến đổi khí hậu. Theo ông, Trung Quốc cần có trách nhiệm ngăn chặn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên và rằng nước Mỹ không thể là "cảnh sát của thế giới".

Ủng hộ hay không ủng hộ tham chiến ở Iraq và Libya

Tranh luận về việc ai đã ủng hộ cuộc chiến ở Iraq và Libya, Donald Trump nói ông luôn phản đối việc Mỹ đưa quân tới Iraq vào tháng 3/2003 và chỉ trích bà Clinton vì bỏ phiếu ủng hộ cho cuộc xâm lược này vào năm 2002 khi bà còn là một nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ.

Trong khi đó, bà Clinton nói ông Trump hoàn toàn ủng hộ cuộc chiến ở Iraq và thậm chí còn hợp tác làm ăn với Tổng thống Libya Muammar Gaddafi. “Donald Trump ủng hộ cuộc chiến Iraq, điều đó đã được chứng minh hết lần này đến lần khác. Ông ấy thực sự ủng hộ những hành động mà chúng ta đã làm ở Libya”, bà Clinton nói.

Ông Trump liền phản bác lại phát biểu này của bà Clinton: “Sai, sai, sai. Tôi không ủng hộ cuộc chiến ở Iraq - đó chỉ là những lời vô nghĩa của truyền thông, được hậu thuẫn bởi bà Clinton”.

Trên thực tế, trong cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh vào tháng 9/2002, ông Trump đã từng lên tiếng ủng hộ cuộc chiến này. Tuy nhiên đến tháng 9 năm nay, tỷ phú New York lại một mực phản đối cuộc chiến tranh Iraq, dẫn chứng đến các cuộc phỏng vấn trước đó vào tháng 1 và tháng 3 năm 2003.

Thăm dò ý kiến Bạn dự đoán ứng viên nào sẽ đắc cử tổng thống Mỹ?
Donald Trump Hillary Clinton
Clinton và Trump "khẩu chiến" gay gắt đến phút chót - 6
Clinton và Trump "khẩu chiến" gay gắt đến phút chót - 7

Đổ lỗi cho bà Clinton về sự trỗi dậy của IS

Ông Trump đổ lỗi cho cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton về sự trỗi dậy của IS, đồng thời cho rằng Mỹ lẽ ra nên lấy hết dầu của Iraq vì điều đó sẽ giúp ngăn chặn được IS.

“Bà đã chiến đấu với IS cả quãng đời trưởng thành của mình”, ông Trump nói, đồng thời cho rằng cựu Ngoại trưởng Mỹ phải chịu trách nhiệm về sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố này.

Lập luận này dường như hơi kỳ lạ, theo BBC bình luận. Bà Clinton năm nay 68 tuổi, trong khi đó IS chỉ mới nổi lên vào năm 2009, mặc dù gốc rễ của nó là từ nhóm khủng bố Al Qaeda thuộc dòng Sunni, ra đời từ năm 2004.

“Khi bà làm ngoại trưởng, IS chỉ là một nhóm rất nhỏ, còn bây giờ IS đã có mặt ở 30 nước rồi, và bà định ngăn chúng lại ư? Tôi không nghĩ thế”, ông Trump nói.

Ông cũng đả kích việc trang web chiến dịch tranh cử của bà Clinton phác thảo kế hoạch ứng phó với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nếu bà đắc cử. Bà Clinton lập tức phản pháo: "Ít nhất thì tôi cũng có một kế hoạch cụ thể".

Clinton: Tôi đã chuẩn bị để trở thành tổng thống

Tỷ phú Trump châm chọc đối thủ khi cho rằng, gần đây tại Philadelphia và Detroit, bà Clinton chỉ ngồi nhà để vận động, trong khi ông xông xáo bên ngoài.

Tuy nhiên, bà Clinton đã đáp khéo lại rằng: "Tôi nghĩ ông Trump chỉ trích tôi vì chuẩn bị cho cuộc tranh luận này. Đúng vậy, các bạn có biết tôi đã chuẩn bị những gì không. Tôi đã chuẩn bị để trở thành tổng thống. Điều đó rất tốt".

Đáp lại, tỷ phú Trump nói rằng, ông có khí chất làm tổng hơn bà Clinton."Tôi có nhiều đánh giá tốt hơn bà ấy. Tôi cũng có nhiều khí chất làm tổng thống hơn bà ấy. Và tôi có khí chất của người giành chiến thắng", ông Trump nói. Phát ngôn này đã gây ra những tiếng cười khúc khích từ phía khán giả và từ đối thủ của ông trên khán đài.

An ninh mạng


Hai ứng viên trong cuộc tranh luận (Ảnh: Reuters)

Hai ứng viên trong cuộc tranh luận (Ảnh: Reuters)

Tranh cãi về vấn đề an ninh mạng, bà Clinton cho rằng chính Nga đứng sau vụ tấn công vào các tổ chức của Mỹ, trong đó có hệ thống máy chủ của Ủy ban Dân chủ quốc gia. Bà cũng chỉ trích việc ông Trump từng tuyên bố mời Nga tấn công hòm thư để lục lại các email đã xóa của bà. "Tôi rất sốc khi ông Trump công khai mời Putin tấn công mạng nhằm vào người Mỹ", bà Clinton nói.

Về phần mình, ông Trump nói rằng, ông không biết liệu có phải tin tặc Nga đứng sau vụ tấn công máy chủ của đảng Dân chủ hay không. "Cũng có thể là Trung Quốc", ông Trump nói.


Ivanka Trump, con gái ông Trump, chăm chú theo dõi cuộc tranh luận. Ngồi cạnh cô là ứng viên phó tổng thống Mike Pence và vợ ông. (Ảnh: Reuters)

Ivanka Trump, con gái ông Trump, chăm chú theo dõi cuộc tranh luận. Ngồi cạnh cô là ứng viên phó tổng thống Mike Pence và vợ ông. (Ảnh: Reuters)

Clinton, Trump liên tục cắt ngang lời nhau trong cuộc tranh luận

Vấn đề chủng tộc và bạo lực súng đạn

Tranh luận về vấn đề chủng tộc và tình trạng bạo lực súng đạn, bà Clinton nói rằng, việc hàn gắn sự khác biệt

về chủng tộc sẽ giúp khôi phục niềm tin giữa các cộng đồng với lực lượng cảnh sát, và phải đảm bảo lực lượng này phải được huấn luyện tốt nhất và "chỉ sử dụng vũ lực khi cần thiết". Bà cũng cho rằng, kiểm soát súng đạn cũng là một phần để giúp ngăn chặn tội phạm liên quan đến bạo lực súng đạn.

Bà Clinton công kích: "Điều đáng tiếc là ông ấy vẽ ra một bức tranh tiêu cực về cộng đồng người da đen ở đất nước chúng ta. Các doanh nghiệp da đen cung cấp công việc cho rất nhiều người, đó là cơ hội cho nhiều gia đình làm việc để đảm bảo cho tương lai con em chúng ta”.

Bà Clinton cũng nhân dịp này cáo buộc rằng ông Trump lâu nay có rất nhiều những hành động bị coi là phân biệt chủng tộc, ví dụ như đi đầu trong phong trào nghi vấn về nguồn gốc của ông Barack Obama - vị tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử Mỹ.

Về phần mình, ông Trump cho rằng bà Clinton né tránh đề cập đến cụm từ "luật pháp và trật tự". Ông nói: "Chúng ta cần luật pháp và trật tự ở đất nước của chúng ta". Ông cho rằng ở những nơi như Chicago hay Ferguson, người Mỹ gốc Phi đang sống trong một "địa ngục" bởi nó quá nguy hiểm, "Bạn bước ra đường và có thể bị bắn bất cứ lúc nào", ông Trump nói. Theo ông, nước Mỹ cần đưa ra chính sách "chặn và sờ", giúp nhân viên an ninh xác định người bị chặn có mang vũ khí không.


(Ảnh: Reuters)

(Ảnh: Reuters)

Tranh luận gay gắt về kinh tế và các hiệp định thương mại

Clinton, Trump tranh luận về chính sách kinh tế


Tỷ phú Trump trong cuộc tranh luận trực tiếp (Ảnh: Reuters)

Tỷ phú Trump trong cuộc tranh luận trực tiếp (Ảnh: Reuters)

Tỷ phú New York Donald Trump công kích bà Clinton khi cho rằng các kế hoạch kinh tế của bà "chỉ là nói miệng, không hành động, nghe thì có vẻ thuyết phục nhưng không bao giờ có hiệu quả".


Bà Clinton mặc bộ đồ đỏ trong cuộc tranh luận đầu tiên với ông Trump (Ảnh: Reuters)

Bà Clinton mặc bộ đồ đỏ trong cuộc tranh luận đầu tiên với ông Trump (Ảnh: Reuters)

Trump cho rằng, hiệp định NAFTA được ký kết dưới thời Tổng thống Bill Clinton là một thiếu sót và là "điều tồi tệ nhất" đối với ngành sản xuất của Mỹ. Tỷ phú này cho rằng, bà Clinton đã thay đổi quan điểm về NAFTA và nhiều năm qua phải tìm cách khắc phục hậu quả.

"Chồng bà đã ký NAFTA. Đó là hiệp định thương mại tồi tệ nhất từng được ký kết. Và bây giờ bà lại muốn ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)... Nó cũng sẽ tồi tệ như NAFTA...", ông Trump nói.

Ông Trump đã cắt ngang lời bà Clinton khi nói về TPP: "Bà gọi nó (TPP) là tiêu chuẩn vàng. Nhưng bà không có bất cứ kế hoạch nào. Ngoại trưởng Clinton, bà không có kế hoạch nào".

Liên tục bị cắt ngang lời, bà Clinton đã hóm hỉnh nói với đối thủ của mình rằng: "Tôi có cảm giác tối nay ông đổ mọi tội lỗi lên đầu tôi".

Ứng viên tổng thống đảng Độc lập, ông Gary Johnson, mặc dù không có mặt tại buổi tranh luận, song cũng "nhập cuộc" khi bình luận trên mạng xã hội rằng: "Tôi nhận thấy rằng hiện tại tôi đồng ý với cả 2 ứng viên".

Clinton và Trump bắt tay trước khi bước vào tranh luận trực tiếp

Mở đầu tranh luận

Người dẫn chương trình Holt bắt đầu cuộc tranh luận bằng một câu hỏi dành cho bà Clinton về lý do để bà nghĩ rằng bà là lựa chọn tốt hơn cho nước Mỹ để tạo ra việc làm cho nền kinh tế. Bà Clinton nói rằng, bà muốn tạo thêm việc làm và hỗ trợ những người đang phải cân bằng giữa gia đình và công việc.

Bà Clinton ngay sau đó cũng "nhường" quyền tranh luận cho ứng viên Trump. Ông Trump nói rằng, Trung Quốc và Mexico đang biến Mỹ thành một ngân hàng và rồi nước Mỹ để mất việc làm về phía các nước đó. Tỷ phú này cũng cho biết thêm, nếu đắc cử, ông sẽ giảm đáng kể thuế cho doanh nghiệp cũng như sẽ đàm phán lại các hiệp định thương mại.


Clinton và Trump bắt tay trước khi bắt đầu tranh luận (Ảnh: AFP)

Clinton và Trump bắt tay trước khi bắt đầu tranh luận (Ảnh: AFP)

Cuộc chiến tâm lý

Cuộc tranh luận trực tiếp giữa 2 ứng viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton và Donald Trump bắt đầu từ 9 giờ tối ngày 26/9 theo giờ địa phương (8 giờ sáng 27/9 giờ Việt Nam), tại đại học Hofstra, phía đông New York.


Cuộc tranh luận dự kiến thu hút khoảng 100 triệu người theo dõi. (Ảnh: BBC)

Cuộc tranh luận dự kiến thu hút khoảng 100 triệu người theo dõi. (Ảnh: BBC)

Khoảng 1.000 cảnh sát và nhân viên an ninh cùng với cảnh sát và nhân viên mật vụ đã được huy động cho sự kiện này. Riêng chi phí cho hoạt động bảo vệ an ninh của sự kiện ước tính khoảng 2 triệu USD. Cuộc tranh luận dự kiến thu hút lượng người kỷ lục với khoảng 100 triệu người theo dõi.


Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa bà Clinton và ông Trump dự kiến thu hút lượng người theo dõi kỷ lục so với các cuộc bầu cử trước đó. (Ảnh: BBC)

Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa bà Clinton và ông Trump dự kiến thu hút lượng người theo dõi kỷ lục so với các cuộc bầu cử trước đó. (Ảnh: BBC)

Bà Clinton được cho là phải đối mặt với áp lực lớn hơn bởi bà từng trải qua 34 cuộc tranh luận bầu cử sơ bộ, từng chạy đua vào Nhà Trắng năm 2008, và do đó kỳ vọng của cử tri vào bà lớn hơn. Tuy nhiên Kelleyanne Conway, quản lý chiến dịch tranh cử của ứng viên Cộng hòa Donald Trump, lại bác bỏ quan niệm cho rằng bà Clinton là một nhà thuyết trình kỳ cựu, mặt khác nhấn mạnh ông Trumo đã sẵn sàng để đấu khẩu với bà.

Về phía đảng Dân chủ, phát ngôn viên của bà Clinton, Jennifer Palmieri, tuần trước khẳng định: “Chúng tôi luôn sẵn sàng đối phó với mọi “bộ mặt” của Trump. Ông ta có thể gây hấn hoặc có thể bị động, điều này thật khó để đưa ra kết luận". Người phát ngôn này cũng bình luận rằng: “Donald Trump cứ lặp lại những lời nói dối với hy vọng mong manh là không ai chỉ ra lỗi sai của ông ấy. Điều này đảm bảo trình độ nói dối của ông ta là chưa từng có tiền lệ trong nền chính trị Mỹ".

Còn theo kết quả khảo sát của Washington Post ABC News, cả ông Trump và bà Clinton “nhập cuộc” khi không được sự ủng hộ của đa số cử tri. Cụ thể, khoảng 57% cử tri Mỹ không ủng hộ cả 2 ứng viên này trở thành chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng.

Lester Holt - người chịu áp lực hơn cả

Chịu áp lực trong cuộc tranh luận không chỉ có 2 nhân vật chính mà còn là người dẫn chương trình Lester Holt - nhà báo 57 tuổi của đài NBC News. Ông Holt được cho là sẽ phải đối mặt với áp lực thậm chí lớn hơn cả ông Trump và bà Clinton với vai trò điều phối cuộc tranh luận.


Người dẫn chương trình Lester Holt. (Ảnh: NBC)

Người dẫn chương trình Lester Holt. (Ảnh: NBC)

Cuộc tranh luận sẽ được chia ra làm 6 phần mỗi phần 15 phút và bắt đầu bằng câu hỏi của Lester Holt, người dẫn chương trình của đài NBC News. Sau mỗi câu hỏi liên quan đến 3 chủ đề “Phương hướng của nước Mỹ”, “Tiến tới sự thịnh vượng” và “Đảm bảo an ninh cho nước Mỹ”, mỗi ứng viên có 2 phút để trả lời, tranh luận. Được biết, các chủ đề này đã được gửi trước đó khoảng 1 tuần cho các ứng viên nghiên cứu. Tuy nhiên, chúng có thể thay đổi theo tình hình.

Trước thềm cuộc tranh luận, nhà báo Holt đã phải đối mặt với những đồn đoán ông có thể thiên vị cho ứng viên Dân chủ bằng cách đưa ra những câu hỏi dễ cho bà Clinton, ngược lại có thể gây khó cho ông Trump.

Bản thân ông Trump tuần trước chỉ trích rằng ông Holt là “người của đảng Dân chủ”. “Đó là hệ thống chẳng ra gì, bọn họ đều là người Dân chủ, đó là một hệ thống bất công”, ông Trump nói. Tuy nhiên, ông Trump đã nhầm bởi thực tế theo bản đăng ký bầu cử ở bang New York, ông Holt là người của đảng Cộng hòa.

Minh Phương-An Bình

Video: PBS

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm