1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

CICA khẳng định nguyện vọng về một châu Á hòa bình

Ngày 21/5, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã trả lời phỏng vấn nhân dịp đoàn Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tham dự Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ tư về phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) vừa diễn ra tại Thượng Hải, Trung Quốc.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc

Xin Thứ trưởng cho biết đôi nét về Hội nghị về phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (gọi tắt là CICA) và kết quả chính của Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ tư vừa diễn ra tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 21/5?

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Hội nghị Phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á, gọi tắt là CICA, ra đời năm 1992 nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên về an ninh, kinh tế, môi trường, nhân đạo...

Sau hơn 20 năm phát triển và ba kỳ Hội nghị Thượng đỉnh, đến nay CICA gồm 26 nước thành viên, trong đó có cả Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, các nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ, Trung Đông và gần 10 nước và tổ chức quốc tế là quan sát viên, trong đó có Liên hợp quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Trung Quốc là Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ tư này.

Trong bối cảnh tình hình châu Á diễn biến phức tạp cả về chính trị, an ninh và kinh tế, đặc biệt có những điểm nóng, thậm chí căng thẳng, làm xói mòn lòng tin, Hội nghị đã đạt ba kết quả quan trọng sau: Thứ nhất, Hội nghị khẳng định nguyện vọng của các nước thành viên về xây dựng một châu Á hòa bình, ổn định, an toàn, hợp tác và thịnh vượng.

Thứ hai, Hội nghị đã nhấn mạnh những nguyên tắc cốt lõi của CICA, đó là tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại toàn vẹn lãnh thổ của nước khác.

Thứ ba, các nước nhấn mạnh phải thực hiện một cách nghiêm túc và nhất quán trên thực tế các nguyên tắc, tuyên bố và cam kết đã đưa ra.

Xin Thứ trưởng cho biết những đóng góp của đoàn Việt Nam vào các kết quả quan trọng đó của Hội nghị.

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đi dự Hội nghị lần này vào lúc tình hình Biển Đông đang diễn biến phức tạp, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Hơn lúc nào hết, sự tham gia Hội nghị của Phó Chủ tịch nước là hết sức cần thiết nhằm thực hiện ba nhiệm vụ: Thứ nhất, với tư cách là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của CICA, đáp ứng sự trông đợi của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, thúc đẩy hợp tác và phát triển ở châu Á.

Thứ hai, chúng ta làm cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ lập trường, quan điểm xây dựng, có trách nhiệm và thiện chí của Việt Nam.

Nhiệm vụ thứ ba cũng hết sức quan trọng là trong khi kiên quyết bảo vệ chủ quyền đất nước, chúng ta cũng nỗ lực góp phần giảm căng thẳng, giảm nguy cơ đối đầu, thúc đẩy đối thoại, qua đó duy trì hòa bình, khôi phục lại ổn định ở khu vực nóng bỏng sát sườn với ta, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về luật biển 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nguyên tắc không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực.

Với thái độ xây dựng, có trách nhiệm và kiên trì giữ vững nguyên tắc, Đoàn ta đã góp phần khẳng định những nguyên tắc căn bản của CICA, là nền tảng rất quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác ở châu Á nói chung và Biển Đông nói riêng; đồng thời thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ các nguyên tắc đó trên thực tế.

Xin Thứ trưởng cho biết Hội nghị có bàn về vấn đề Biển Đông hay không?

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Tôi xin trả lời ngay là có, vì ba lý do: Thứ nhất, CICA quan niệm an ninh châu Á có tính toàn diện và thống nhất, không thể chia tách. An ninh và ổn định của mỗi nơi ảnh hưởng đến an ninh chung của toàn khu vực. Một nước không thể vì an ninh của riêng mình mà đe dọa an ninh của nước khác. Hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông đang bị đe dọa nghiêm trọng. Điều đó có nghĩa là nền hòa bình, an ninh và ổn định chung của châu Á cũng đang bị đe dọa.

Thứ hai, tình hình Biển Đông vừa qua căng lên, do Trung Quốc đặt giàn khoan trái luật pháp quốc tế, sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Điều đó khiến dư luận quốc tế, nhất là khu vực châu Á, hết sức lo ngại. Đây là một thực tế khách quan. Vì thế, các nước thành viên có trách nhiệm của CICA không thể làm ngơ và đều đã lên tiếng tại Hội nghị.

Thứ ba, vấn đề Biển Đông đã, đang và sẽ là một trong những thách thức lớn nhất về an ninh đối với CICA. Liệu các nguyên tắc căn bản, cốt lõi của CICA là tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ các quốc gia, hòa bình giải quyết các tranh chấp, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực đã được toàn thể các nước thành viên CICA nêu trong Tuyên bố của Hội nghị có được thực hiện trên thực tế ở Biển Đông hay không, điều này sẽ quyết định uy tín, vị thế và vai trò của cơ chế này ở châu Á.

http://www.vietnamplus.vn/cica-khang-dinh-nguyen-vong-ve-mot-chau-a-hoa-binh/261214.vnp

Theo VietnamPlus/TTXVN