1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

CIA có nữ giám đốc đầu tiên trong lịch sử

(Dân trí) - Thượng viện Mỹ ngày 17/5 đã thông qua đề cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc bổ nhiệm bà Gina Haspel làm giám đốc Cục Tình báo Trung ương (CIA), đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ một phụ nữ đảm nhận vị trí này.

Bà Gina Haspel (Ảnh: Getty)
Bà Gina Haspel (Ảnh: Getty)

Theo BBC, Thượng viện Mỹ ngày 17/5 đã biểu quyết với tỷ lệ 54-45 thông qua đề cử bà Gina Haspel làm giám đốc CIA thay thế ông Mike Pompeo, người mới được bổ nhiệm thành Ngoại trưởng Mỹ.

Trước khi chính thức nhậm chức, bà Haspel đã giữ chức Phó Giám đốc CIA. Trong 30 năm công tác tại cơ quan tình báo hàng đầu nước Mỹ, bà Haspel đã nhiều lần nắm giữ các vị trí lãnh đạo cấp cao tại các cơ quan quan trọng như Cục Bí mật Quốc gia hay Trung tâm chống khủng bố. Đây cũng là lần đầu tiên cơ quan tình báo hàng đầu nước Mỹ có một nữ giám đốc.

Bà Haspel là một nhân vật chính trị nhận được nhiều phản ứng trái chiều do vai trò của bà trong những chương trình gây tranh cãi của chính phủ Mỹ, trong đó có việc bà từng điều hành một nhà tù của Mỹ ở Thái Lan - nơi giam giữ các nghi phạm khủng bố của tổ chức al-Qaeda hồi năm 2002. Đây cũng là nhà tù bị nghi ngờ áp dụng nhiều hình thức tra khảo cực hình đối với các tù nhân, trong đó có “trấn nước” - biện pháp tra tấn sử dụng vải che mặt nghi phạm và liên tục dội nước khiến nghi phạm có cảm giác sắp chết ngạt.

Trước đó, Thượng nghị sĩ kỳ cựu John McCain của đảng Cộng hòa đã bày tỏ quan điểm công khai phản đối việc bổ nhiệm bà Haspel.

Thượng nghị sĩ bang Virginia Mark Warner cho biết bà Haspel đã tuyên bố rằng CIA không bao giờ nên sử dụng cái gọi là “kỹ thuật thẩm vấn nâng cao” và cam kết rằng bà sẽ không bao giờ chỉ đạo sử dụng những biện pháp như vậy ngay cả khi tổng thống yêu cầu.

Nhưng ông Abd al-Rahim al-Nashiri, một người từng bị nghi có liên quan tới al-Qaeda và bị thẩm vấn ở nhà tù do bà Haspel điều hành, cho biết ông và nhiều nghi phạm đã phải chịu cảnh sống khắc nghiệt, bị ngược đãi và đánh đập.

Theo BBC, vào năm 2005, bà Haspel được cho là đã ra lệnh tiêu hủy 92 băng video ghi lại cảnh “thẩm vấn” ông al-Nashiri và một nghi phạm khác, Abu Zubaydah.

Theo báo cáo của Thượng viện năm 2014, dường như có khoảng 119 người đã bị áp dụng những biện pháp tra tấn như vậy.

Đức Hoàng

Theo BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm