1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyện về người nữ điệp viên của thế kỷ

Ngày 2/6 vừa qua, nữ điệp viên nổi tiếng thời Chiến tranh Lạnh Melita Norwood qua đời ở tuổi 93. Cái chết lặng lẽ của bà khép lại cuộc đời của một gián điệp từng cung cấp bí mật hạt nhân của Anh cho Liên Xô trong gần 40 năm.

Melita Norwood là một trong những người có thời gian hoạt động thuộc hàng lâu nhất trong số những điệp viên thời Chiến tranh Lạnh. Những năm tháng cuối đời, bà sống lặng lẽ ở Bexleyheath, đông nam thành phố London. Bà qua đời vào đầu tháng 6 nhưng phải đến cuối tháng, các phương tiện truyền thông mới được thông báo tin này.

 

Với vỏ bọc là một nữ thư ký riêng, Melita Norwood đã cung cấp những thông tin được đánh giá là cực kỳ nhạy cảm về chương trình nghiên cứu bom nguyên tử của Anh cho Liên Xô, suốt từ cuối những năm 30 cho tới khi nghỉ hưu năm 1972. Theo các nhà phân tích, các thông tin bí mật do Norwood cung cấp đóng vai trò quan trọng giúp Liên Xô xây dựng thành công chương trình bom nguyên tử.

 

Nếu đánh giá trên là chính xác thì việc làm của nữ điệp viên Melita Norwood cũng góp phần khiến cho cuộc chiến tranh hạt nhân không bùng nổ trong thế kỷ 20. Bởi theo lập luận của các nhà phân tích, Mỹ có rất nhiều khả năng sẽ tiếp tục sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên sau khi đã thực hiện tại Nhật Bản, nếu họ biết Liên Xô chưa chế tạo được loại vũ khí tương tự.

 

Melita Norwood được KGB tuyển mộ năm 1937 và trong suốt thời gian từ năm này cho đến khi về hưu năm 1972, bà chỉ làm chân thư ký riêng cho Tổng thư ký Hiệp hội khoa học nghiên cứu kim loại hiếm, cơ quan phụ trách chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Anh.

 

Với vị trí trên, Norwood trở thành một trong những nữ gián điệp quan trọng nhất của Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh. Trước khi bị lật tẩy, Melita Norwood chưa hề phải đối mặt với bất cứ mối nguy hiểm nào. Mặc dù cơ quan phản gián Anh cũng có nghi ngờ Melita Norwood đang làm gián điệp cho Liên Xô từ năm 1965 nhưng may mắn bà vẫn không bị sờ tới.

 

Những tài liệu mà Norwood tìm cách chụp ảnh rồi chuyển cho tình báo Liên Xô cho phép Joseph Stalin có được sự hiểu biết sâu về chương trình vũ khí nguyên tử của Anh, thậm chí còn chi tiết hơn cả một số bộ trưởng trong nội các thủ tướng Anh Clement Attlee thời bấy giờ.

 

Bị lộ diện

 

 

Chuyện về người nữ điệp viên của thế kỷ  - 1
 

Sự tiết lộ của Mitrokhin

khiến bà Norwood bị lộ diện.

Người lật tẩy hoạt động tình báo của điệp viên Norwood là cựu đại tá KGB Vasili Mitrokhin đào ngũ sang Anh. Mitrokhin làm việc cho văn phòng lưu trữ tài liệu của KGB từ năm 1956 cho đến khi nghỉ hưu năm 1984. Trong suốt 10 năm cuối cùng phục vụ trong ngành tình báo, Mitrokhin đã lén lút giấu hàng nghìn tài liệu vào đế giày mang về nhà sao chép lại.

 

Sau đó, ông ta cho tất cả vào những thùng đựng sữa và đồ hộp rồi cất giấu trong nhà để đợi thời cơ. Khi Liên Xô bị sụp đổ vào đầu thập kỷ 90, Mitrokhin quyết định phản bội và chạy sang phương tây. Đầu tiên, ông này tiếp cận với CIA ở Balkans để đề nghị hợp tác nhưng bị từ chối. Năm 1992, Mitrokhin tới gặp cơ quan tình báo Anh SIS và lần này được tiếp nhận.

 

Sau khi Mitrokhin đã trốn sang Anh an toàn, cựu sĩ quan tình báo Anh Richard Tomlinson đóng vai một nhà báo tới Nga để mang về Anh sáu chiếc hòm bằng nhôm, bên trong chứa những tài liệu của Mitrokhin. Trong số những tài liệu mà Mitrokhin đánh cắp được có một danh sách những gián điệp Anh từng làm việc cho Liên Xô.

 

Tài liệu trên giúp cơ quan phản gián Anh phát hiện Melita Norwood từng chuyển bí mật hạt nhân cho Liên Xô như thế nào trong suốt mấy thập kỷ. David Rose, cựu phóng viên tờ The Guardian là người đầu tiên đưa ra công chúng hình ảnh đời thường của Melita Norwood, cũng như quá khứ hoạt động tình báo huyền thoại của bà.

 

Vẫn bình an vô sự

 

 

Chuyện về người nữ điệp viên của thế kỷ  - 2
 

Căn nhà bà Norwood ở tại Anh.

Năm 1992, dù được Mitrokhin cung cấp nhiều tài liệu để vạch mặt nữ gián điệp Melita Norwood, cơ quan tình báo Anh MI6 vẫn quyết định không truy tố bà vì cho rằng chưa đủ bằng chứng. Các bộ trưởng an ninh Anh cũng không bình luận gì về quyết định này trước các phương tiện thông tin đại chúng.

 

Bản thân các tài liệu của Mitrokhin cũng như sự kiện phản bội của ông ta cũng bị giữ kín mãi đến năm 1996. Riêng Bộ trưởng Nội vụ Anh Jack Straw, hiện giữ chức ngoại trưởng, tới tận năm 1997 mới chính thức đề cập tới trường hợp Vasili Mitrokhin và những tài liệu của ông ta.

 

Mãi đến ngày 11/09/1999, nữ điệp viên năm xưa nay đã là một bà già sống lặng lẽ mới bị kết tội làm gián điệp cho Liên Xô. Nhưng chỉ hơn 3 tháng sau, Bộ Tư pháp Anh chính thức tuyên bố bằng văn bản rằng, nữ gián điệp Melita Norwood sẽ không bị truy tố và bà có thể yên tâm sống đến cuối đời mà không sợ phải ra toà.

 

Báo chí Anh ngay sau sự kiện trên tràn ngập thông tin về bà lão Melita Norwood. Khi trả lời phỏng vấn, bà tự tin tuyên bố từng chuyển cho Liên Xô nhiều thông tin “có thể có giá trị” về vũ khí nguyên tử của Anh. Bà cũng cho biết, mục tiêu của việc hợp tác với tình báo Liên Xô không phải vì tiền mà vì tình yêu đất nước này và muốn Liên Xô được ngang hàng với Anh, Mỹ về vũ khí chiến lược.

 

Theo Đình Chính

Vnexpress/Probert, BBC