1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuyện về người Mỹ tự thiêu trước Lầu Năm Góc phản đối chiến tranh Việt Nam

(Dân trí) - Norman Morrison tự thiêu trước Lầu Năm Góc để phản đối chiến tranh Việt Nam, để lại người vợ trẻ nuôi dưỡng 3 đứa con nhỏ.

Chuyện về người Mỹ tự thiêu trước Lầu Năm Góc phản đối chiến tranh Việt Nam - 1

Anne và Norman Morrison cùng 3 con nhỏ trong thập niên 1960. (Ảnh: Guardian)

Một ngày tháng 11/1965, Norman Morrison rời khỏi nhà cùng con gái út Emily, lái xe hơn 64 km tới Washington DC. Chỉ cách Lầu Năm Góc vài mét, Norman đổ dầu lên người trước khi châm lửa. Ngọn lửa bốc cao hơn 3 mét.

Trở về nhà sau khi đón hai con lớn từ trường học, Anne, vợ của Norman, không biết chồng mình đã làm gì. Khi trời tối, Anne vẫn thắc mắc không rõ Norman đã đưa Emily đi đâu. Sau đó, điện thoại đổ chuông. Người gọi tới là một phóng viên.

Biết Anne chưa rõ chuyện gì đã xảy ra, phóng viên đã gợi ý cho cô gọi điện tới bệnh viện. Anne làm theo và được báo tin rằng Norman đã bị bỏng nặng.

“Bằng trực giác, tôi biết anh ấy không qua khỏi”, Anne nhớ lại.

Nhân viên bệnh viện trấn an Anne rằng, con gái Emily của cô không bị thương.

Anne nhờ bạn bè chăm sóc Ben, 6 tuổi, và Christina, 5 tuổi, còn những người khác lái xe đưa cô tới Washington. Tại bệnh viện, Anne đón Emily. Cô bé có vẻ vẫn ổn. Anne cũng nhận lại các vật dụng của Norman, gồm: ví, lược, nhẫn cưới và chiếc áo được anh mua tại Scotland sau khi họ kết hôn.

Anne viết thông báo gửi truyền thông với nội dung: Norman đã đánh đổi mạng sống để bày tỏ sự lo ngại của anh trước những mất mát về người và những đau khổ do hành động can thiệp quân sự của Mỹ ở Việt Nam gây ra.

Là những người yêu chuộng hòa bình, Norman và Anne đã cùng nhau nỗ lực để chấm dứt chiến tranh. Họ cầu nguyện, biểu tình, vận động hành lang, không đóng thuế chiến tranh, viết thư cho các báo và các nhà cầm quyền. Nhưng nếu Anne biết trước kế hoạch tự thiêu của Norman, cô có thể sẽ làm gì đó để ngăn anh lại.

Vào sáng hôm sau, tại nhà riêng của họ, Anna phải báo tin cho hai con Ben và Christina.

“Tôi thực sự không biết mình đang nói gì nữa. Tôi chỉ biết cầu nguyện và cầu xin sự giúp đỡ. Tôi nói với các con rằng, cha của chúng đã mất vì những đứa trẻ ở một đất nước xa xôi đang phải chịu đau khổ. Anh ấy đã ra đi để giúp đỡ những đứa trẻ ấy và ngăn chiến tranh gây ra những đau khổ và mất mát như vậy”, Anne kể lại. Giọng cô lạc đi và cô bắt đầu khóc dù câu chuyện đã xảy ra hàng chục năm.

Sau khi nghe câu chuyện của Norman, nhiều người vẫn không hiểu những gì anh đã làm. Đối với những đứa con còn quá nhỏ của anh, câu chuyện này càng khó hiểu hơn.

Một điều vẫn luôn ám ảnh Anne là quyết định của Norman khi đưa con gái Emily đi cùng tới Washington. Thông tin do nhân chứng đưa ra cũng có nhiều mâu thuẫn. Trước khi chết, Norman đưa Emily cho một người phụ nữ khác? Hay đặt cô bé trên nền đất? Anne cũng chỉ biết rằng Emily không bị bầm tím, bị thương, cháy xém hay bỏng.

Thế hệ trẻ có thể ít người biết đến Norman Morrison. Nhưng vào thời điểm đó, hành động tự thiêu của anh từng xuất hiện trên trang nhất của nhiều tờ báo trên toàn thế giới.

Ảnh hưởng của vụ việc này tại Mỹ cũng không đồng nhất. Một số người cho rằng Norman bị “mất trí” khi hành động như vậy. Trong khi đó, nhiều người khác cảm động với những gì Norman đã làm. Họ viết thư cho Anne để chia sẻ, thậm chí gọi Norman là một "vị thánh". Anne giữ tất cả những bức thư đó trong những chiếc hộp và chuyển từ nhà này sang nhà khác. Suốt nhiều năm, Anne vẫn sợ hãi tới mức không muốn nhìn lại chúng.

Khi Anne gặp Norman gần 10 năm trước khi anh qua đời, người đàn ông này gây ấn tượng với cô là một người vui vẻ và hấp dẫn, chân thật nhưng quyết đoán. Norman quan tâm sâu sắc đến mọi người xung quanh. Anh mãnh liệt và có khiếu hài hước đặc biệt.

Khi Norman qua đời, Christina mới 5 tuổi. Cô vẫn nhớ một vài ký ức quý giá về người cha của mình, trong đó có những khoảnh khắc được nắm tay cha tới trường.

Một ngày sau khi Norman qua đời, một bức thư được gửi từ Washington cho Anne với nét chữ của Norman.

“Anne yêu quý. Đừng chỉ trích anh. Đã nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng, anh chỉ cầu nguyện được thấy điều mình phải làm. Sáng nay, anh đã được thấy điều đó mà không cảnh báo trước”, bức thư viết.

Việc giải thích cho bọn trẻ hiểu hành động của Norman là điều vô cùng đau đớn với Anne.

“Chúng đặt ra nhiều câu hỏi. Không có cách nào tốt hơn à? Tại sao bố phải là người làm như vậy?”, Anne nói.

Một ngày, Christina đã bật ra một sự thật đau lòng rằng, hành động tự thiêu của cha cô cũng “không ngăn được chiến tranh”.

“Là một bé gái muốn cảm nhận được sự đặc biệt từ cha, trái tim tôi như tan vỡ. Ben cũng như vậy. Cuộc sống vẫn tiếp tục, nhưng ngôi nhà của chúng tôi trở nên buồn bã và trống trải lạ kỳ”, Christina chia sẻ.

Anne từng tới Việt Nam vào năm 1999. Bà đi cùng hai con Christina và Emily, khi đó đã ngoài 30 tuổi. Họ ngạc nhiên trước sự tiếp đón nồng nhiệt của Việt Nam và gặp nhiều người Việt Nam.

“Những gì mọi người muốn làm nhất là kể những câu chuyện về việc họ đã ở đâu khi nghe tin Norman qua đời, với những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt họ”, Anne nói.

Anne cho biết bà tới Việt Nam để “nói lời cảm ơn vì sự tốt bụng và tình yêu” của người dân Việt Nam dành cho gia đình bà.

“Là một người con, điều duy nhất giúp tôi hiểu về cái chết của cha mình là biết được nỗi đau xảy ra tại Việt Nam. Trong chuyến đi, tôi gặp những đứa trẻ nói với chúng tôi rằng, sự hy sinh của cha tôi có ý nghĩa như thế nào đối với họ. Đây là sự xoa dịu không gì tả xiết đối với tôi”, Christina cho biết.

Xúc động vô hạn trước hành động dũng cảm của Morrison, từ Việt Nam, nhà thơ Tố Hữu đã sáng tác bài thơ “Emily con” để ngợi ca sự hy sinh cao cả của anh và chia sẻ sự đồng cảm với anh về tình yêu của một người cha dành cho con trước khi quyết tử. Khi bà Anne và các con tới thăm Việt Nam vào năm 1999, họ đã gặp nhà thơ Tố Hữu.

Thành Đạt

Theo Guardian