1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyện về chú bồ câu cụt chân nhồi bông ở Lầu Năm Góc

Ở hành lang tầng ba của Lầu Năm Góc trưng bày một chú chim bồ câu từng cứu sống nhiều binh sĩ Mỹ trong một trận chiến hồi Thế chiến thứ nhất cách đây 100 năm

Dọc hành lang, chú chim bồ câu trông sống động như thật giữa hàng loạt di vật lịch sử, trong đó có lưỡi lê, quân phục và trực thăng. Nếu để ý, người ta sẽ nhận ra chú chim bồ câu đã được nhồi bông và thiếu một chân, đặt ngay bên ngoài văn phòng Tham mưu trưởng Lục quân và được đặt tên là "Tổng thống Wilson".

Cụt chân khi làm nhiệm vụ

Theo đài ABC News, chú chim bồ câu này là thành viên Quân đoàn Thông tin Mỹ, phụ trách hoạt động truyền tải thông tin giữa các chỉ huy và binh sĩ ngoài tiền tuyến. Chim bồ câu được xem là công cụ liên lạc đặc biệt hữu ích hồi Thế chiến thứ nhất khi điện thoại và điện tín vẫn là những công nghệ mới chưa đáng tin cậy.

Theo các tài liệu quân sự được lưu trữ tại Trung tâm Lịch sử Quân sự và Viện Lưu trữ quốc gia, bồ câu "Tổng thống Wilson" ra đời tại Pháp, sau đó gia nhập Quân đoàn Xe tăng mới được thành lập của quân đội Mỹ. Nhiệm vụ của nó là truyền tin đến các tiểu đoàn xe tăng do đại tá George S. Patton chỉ huy trong chiến dịch tấn công Saint-Mihiel nổi tiếng. Không lâu sau đó, Wilson chuyển đến phục vụ một đơn vị bộ binh hoạt động gần Grandpré - Pháp trong chiến dịch Meuse-Argonne.

Vào sáng 5-10-1918, đơn vị của Wilson bị tấn công. Nó được phái đi để cầu viện pháo binh. Trong hành trình dài 40 km, chú chim bị lính Đức phát hiện và nổ súng khiến nó bị mất một chân và bị thương ở ngực. Nhưng cuối cùng, Wilson vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi truyền tải thông điệp trong khoảng thời gian kỷ lục 25 phút.

May mắn sống sót sau những vết thương, Wilson được cho "nghỉ hưu" và gửi đến một trung tâm của Quân đoàn Thông tin Mỹ tại bang New Jersey. Chú chim sống thêm 11 năm trước khi chết. Sau đó, nó được nhồi bông và trưng bày tại Viện Smithsonian rồi bàn giao cho quân đội Mỹ vào năm 2008.

Giờ đây, khi đã "yên vị" tại trụ sở Lầu Năm Góc ở bang Virginia, Wilson giống như một lời nhắc nhở tới người dân Mỹ rằng không ít chim bồ câu - thường bị công chúng xem là loài vật phiền toái - từng là anh hùng thời chiến tranh.


Chim bồ câu phục vụ hồi Thế chiến thứ nhất của quân đội Mỹ. Ảnh: DEPARTMENT OF DEFENSE

Chim bồ câu phục vụ hồi Thế chiến thứ nhất của quân đội Mỹ. Ảnh: DEPARTMENT OF DEFENSE

Vượt qua làn đạn

Chim bồ câu được cả phe Hiệp ước lẫn Liên minh Trung tâm (phe Đức, Áo - Hung) sử dụng phổ biến trong Thế chiến thứ nhất. Thậm chí, nó còn có khả năng cung cấp thông tin cập nhật cho các chỉ huy khi được thả từ máy bay giữa không trung.

Trong trường hợp đó, chim bồ câu sẽ bay trở lại trụ sở chỉ huy để truyền tải những gì mà phi công nhìn thấy. Điều này rất cần thiết để các chỉ huy nắm được tình hình ở chiến trường cũng như biết kẻ địch đang làm gì trong chiến hào trước khi đưa ra quyết định kế tiếp.

Ngay cả sau khi sóng vô tuyến ra đời, chim bồ câu vẫn là cách dễ dàng nhất giúp phối hợp các đơn vị xe tăng mà ít gây nguy hiểm cho binh sĩ. Trong trường hợp không có bộ đàm và chim bồ câu, họ sẽ phải rời khỏi xe tăng để tiếp nhận mệnh lệnh từ chỉ huy.

Những lúc không làm nhiệm vụ, chim bồ câu được giữ trong các phương tiện di động như xe ngựa hoặc xe buýt hai tầng. Loài chim này được cho là sử dụng sóng âm tần số thấp để lập bản đồ môi trường cũng như tìm đường từ vị trí này đến vị trí khác.


Chú chim bồ câu Wilson tại hành lang tầng ba của Bộ Quốc phòng Mỹ. Ảnh: ABC NEWS

Chú chim bồ câu Wilson tại hành lang tầng ba của Bộ Quốc phòng Mỹ. Ảnh: ABC NEWS

Ngoài Wilson, một chú chim bồ câu nổi tiếng hồi Thế chiến thứ nhất hay được nhắc tới là Cher Ami. Là một trong 600 con chim thuộc sở hữu của Quân đoàn Thông tin Mỹ hoạt động tại Pháp, Cher Ami góp mặt trong trận chiến Meuse-Argonne vào mùa thu năm 1918. Khi ấy, quân đội Đức bao vây Sư đoàn 77 suốt 5 ngày khiến người Mỹ bối rối vì bắn nhầm tiểu đoàn của thiếu tá Charles S. Whittlesey - lúc đó đang bị cô lập khỏi các lực lượng khác của Mỹ - thay vì mục tiêu là quân đội Đức. Do không thể truyền tin đến các chỉ huy nên Cher Ami được xem là hy vọng cuối cùng.

Giống như Wilson, chú chim đã dũng cảm vượt qua làn đạn của kẻ thù tổng cộng 12 lần và gửi thông điệp thành công. Tuy nhiên, nó bị thương ở chân và ngực trong điệp vụ cuối cùng vào ngày 4-10-1918. Người Pháp thậm chí còn trao tặng huân chương cho Cher Ami về hành động anh hùng của nó.

Trong Thế chiến thứ hai, chim bồ câu vẫn là một trong những công cụ truyền tin hiệu quả của quân đội các nước. Ít nhất 32 chú chim bồ câu đã được Anh quốc trao tặng huân chương vì những hành động anh hùng.

Theo Phạm Nghĩa

Người lao động