1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Chuyện tình đẹp xuyên biên giới Việt - Triều lên báo nước ngoài

(Dân trí) - Báo Reuters của Anh đã viết về chuyện tình giữa ông Phạm Ngọc Cảnh, một công dân Việt Nam, và người phụ nữ Triều Tiên Ri Yong-hui. Họ đã vượt qua nhiều khó khăn để đến được với nhau và nên nghĩa vợ chồng.

Chuyện tình đẹp xuyên biên giới Việt - Triều lên báo nước ngoài - 1

Bức ảnh đầu tiên của ông Cảnh và bà Ri (Ảnh: Reuters)

 

Một cặp đôi trẻ với biểu cảm giống nhau hướng về phía máy ảnh với đôi mắt nâu sâu thẳm. Chàng thanh niên, một sinh viên tới từ Việt Nam, cảm thấy anh đã gặp được tình yêu của đời mình. Người thiếu nữ, một cô gái Triều Tiên, vào giây phút đó hiểu rằng vẫn có nhiều rào cản khiến họ không thể đến được với nhau.

Họ đã mòn mỏi chờ đợi trong hơn 30 năm cho tới năm 2002 để được kết hôn, khi bà Ri trở thành vợ ông Cảnh. Triều Tiên khi đó đã đưa ra một quyết định khá hiếm hoi khi cho phép công dân nước họ cưới một người ngoại quốc.

“Từ khoảnh khắc nhìn thấy ông ấy, tôi cảm thấy rất buồn vì nghĩ rằng tình yêu của mình sẽ không thể đến đích”, bà Ri chia sẻ với Reuters từ căn hộ nhỏ tại Hà Nội, nơi bà đang chung sống cùng chồng.

Thông tin về hội nghị thượng đỉnh lần 2 giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump diễn ra tại Hà Nội khiến vợ chồng bà Ri hy vọng rằng Việt Nam có thể đóng một vai trò trong quá trình hòa giải mối quan hệ căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng.

“Nếu bạn là người Triều Tiên, bạn sẽ muốn mâu thuẫn được giải quyết. Nhưng chính trị khá phức tạp. Tôi hy vọng mọi thứ sẽ diễn ra tốt đẹp”, bà Ri chia sẻ.

Việt Nam, với vị thế là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á và đã hòa nhập vào cộng đồng quốc tế, được đánh giá là một trong những hình mẫu mà Triều Tiên có thể học tập để phát triển đất nước trong tương lai.

Chuyện tình trắc trở

Chuyện tình đẹp xuyên biên giới Việt - Triều lên báo nước ngoài - 2

Ông Cảnh và bà Ri hiện đang sống hạnh phúc (Ảnh: Reuters)

 

Vào năm 1967, ông Cảnh là một trong 200 sinh viên Việt Nam được gửi tới Triều Tiên để đào tạo. Vài năm sau đó, khi đang làm thực tập sinh về kỹ thuật hóa học trong một nhà máy phân bón ở duyên hải phía đông Triều Tiên, ông Cảnh đã gặp bà Ri trong một phòng thí nghiệm.

“Tôi nghĩ thầm trong đầu rằng tôi phải cưới cô gái này”, ông Cảnh  nhớ lại, cho biết vì ấn tượng quá mạnh mà ông đã quyết định tiếp cận và xin địa chỉ của cô gái Triều Tiên.

“Ngay khi nhìn thấy ông ấy, tôi đã hiểu được đây là người mình yêu. Ông ấy rất rạng rỡ. Trước đó, tôi đã gặp rất nhiều chàng trai tuấn tú nhưng tôi không có cảm xúc. Chỉ khi ông ấy bắt chuyện, trái tim tôi đã tan chảy”, bà Ri kể lại.

Mặc dù vậy, chuyện tình của ông Cảnh và bà Ri đã gặp nhiều trắc trở khi vào thời điểm đó Triều Tiên và Việt Nam vẫn còn những quy định cấm việc kết hôn với người nước ngoài. Theo Reuters, tới nay Triều Tiên vẫn đang duy trì quy định này và trường hợp của bà Ri chỉ là một trong những lần hi hữu được chấp thuận.

Sau khi viết thư qua lại, bà Ri đồng ý đưa ông Cảnh về nhà. Chàng trai Việt Nam đã mặc quần áo Triều Tiên vì không muốn bị phát hiện đi cùng với một cô gái địa phương do lo ngại những cấm đoán thời bấy giờ. Hai người đã đi xe buýt 3 giờ đồng hồ, đi bộ thêm 2 km để về được nhà bà Ri. Đây là chuyến đi mà ông vẫn nhớ mãi ngay cả khi trở về Việt Nam vào năm 1973.

Sau khi trở về Việt Nam, ông Cảnh cảm thấy rất buồn vì những quy định chặt chẽ khiến ông không thể đến được với người mình yêu thương. 5 năm sau đó, vào năm 1978, ông Canh có cơ hội sang lại Triều Tiên trong một chuyến công tác của phái đoàn từ viện kỹ thuật hóa học Việt Nam.

Ông đã lên kế hoạch gặp bà Ri. Tuy nhiên, mỗi khi cả 2 gặp mặt, bà Ri lại càng thêm đau khổ vì nghĩ rằng họ sẽ không thể gặp nhau lần nữa. Ông Cảnh đã mang theo một lá thư và định gửi tới ban lãnh đạo Triều Tiên, mong mỏi chính phủ Bình Nhưỡng cho phép họ cưới nhau.

Tuy nhiên, bà Ri đã ngăn cản và ông Cảnh đành nói rằng bà hãy chờ ông.

Kết thúc có hậu

Chuyện tình đẹp xuyên biên giới Việt - Triều lên báo nước ngoài - 3

Cặp đôi đang sống hạnh phúc sau nhiều năm xa cách (Ảnh: Reuters)

 

Một vài năm sau đó, do một số trục trặc mà 2 bên không thể liên lạc được với nhau, bà Ri gần như đã rất đau khổ và tuyệt vọng vì chuyện tình yêu chưa có cái kết tốt đẹp như kỳ vọng.

Năm 1992, ông Cảnh một lần nữa lại sang Triều Tiên công tác với cương vị một phiên dịch viên cho một phái đoàn thể thao Việt Nam, nhưng ông không thể gặp bà Ri. Khi ông trở về Hà Nội, bà Ri gửi ông một lá thư, nói rằng bà vẫn còn rất yêu ông.

Theo Reuters, vào cuối những năm 1990, khi Triều Tiên trải qua nạn đói nghiêm trọng, ông Cảnh đã cảm thấy rất lo lắng cho bà Ri và gia đình. Ông đã vận động bạn bè quyên góp và gửi 7 tấn gạo sang giúp đỡ Triều Tiên.

Hành động hào phóng đã mở đường cho ông bà Ri đến được với nhau. Chính phủ Triều Tiên đã biết được về nghĩa cử của ông và đã đồng ý cho ông kết hôn với bà Ri và cho phép bà sang Việt Nam sống cùng chồng trong khi vẫn giữ quốc tịch Triều Tiên.

Năm 2002, cả hai đã thành hôn tại Đại sứ quán Việt Nam ở Bình Nhưỡng và chuyển tới Hà Nội sinh sống. Tình yêu mãnh liệt và quyết tâm của họ đã có một cái kết có hậu.

Đức Hoàng

Theo Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm