1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuyến thám hiểm quanh thế giới gây chấn động của người phụ nữ từng giả nam

Khánh Ngọc

(Dân trí) - Vào năm 1766, Jeanne Baret đã cải trang thành nam giới để được tham gia vào chuyến thám hiểm vòng quanh thế giới đầu tiên của Hải quân Pháp.

Chuyến thám hiểm quanh thế giới gây chấn động của người phụ nữ từng giả nam - 1

Ảnh phác họa nhà thám hiểm Jeanne Baret (Ảnh: Wikipedia).

Jeanne Baret là một trong những nhà thực vật học sinh ra vào thời kì mà các hoạt động thám hiểm là đặc quyền của nam giới. Tuy nhiên, bất chấp thực tế "trọng nam khinh nữ" đó, vào năm 1774, bà đã tìm cách để tham gia vào chuyến thám hiểm khoa học đầu tiên do Hải quân Pháp thực hiện và trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử thám hiểm vòng quanh thế giới.

Trên thực tế, Hải quân Pháp không cho phép phụ nữ có mặt trên các con tàu của lực lượng này. Vì thế khi bạn trai đồng thời là ông chủ cũ của Baret là Philibert Commerson được tuyển dụng làm nhà thực vật học chính cho chuyến thám hiểm vòng quanh thế giới, cặp đôi đã nghĩ ra một kế hoạch. Jeanne Baret làm vai trò trợ lý kiêm đồng nghiệp của Commerson và bà dùng tên Jean của cha mình để được "ứng tuyển".

Cho đến lúc bị phát hiện giả nam, Jeanne Baret đã lên danh sách cho hơn 6.000 loài thực vật, vỏ sò và thậm chí cả các loại đá mà các nhà khoa học Pháp chưa từng biết tới.

Jeanne Baret sinh vào ngày 27/7/1740 ở La Comelle, Pháp, có cha là một nông nhân nghèo. Lớn lên ở vùng quê nghèo và có cha là nông dân, Baret sớm có niềm đam mê với cây cối và khi trưởng thành cô được biết đến là "người phụ nữ của cỏ cây". 

Chính sự tò mò của Baret đã dẫn dắt cô tới làm việc cho Philibert Commerson, một tiến sĩ thực vật học. Mặc dù được thuê làm quản gia, Baret có cơ hội làm việc trong môi trường của một nhà thực vật học nổi tiếng. Trong quá trình nghiên cứu về thực vật, Commerson không chỉ về quê hương của Baret để tìm hiểu các loài cây mà còn nảy sinh tình yêu với cô. Trước đó, vợ Commerson đã mất vào năm 1762.

Hai năm sau khi nảy sinh tình cảm, cặp đôi có con đầu lòng, chuyển đến Paris và cho con cho người khác nuôi. Baret từ vị trí quản gia trở thành người chăm sóc và ở khía cạnh nào đó cũng là một thày giáo về thực vật học của Commerson. Cô đã truyền thụ những hiểu biết tự nhiên của mình về thực vật cho một tiến sĩ trước đó chỉ chuyên nghiên cứu cây cối qua sách vở.

Ở Paris, Commerson tìm cách làm thân với giới quý tộc của thành phố. Nhờ vào các mối quan hệ và danh tiếng của mình, Commerson được Đô đốc Hải quân Louis-Antoine de Bougainville tuyển làm nhà thực vật học chính tham gia vào chuyên thám hiểm của Hải quân Pháp đến những vùng đất mới. Chuyến thám hiểm bắt đầu vào năm 1766. Commerson khăng khăng yêu cầu để Baret làm trợ lý cho mình trong chuyến đi nhưng Hải quân Pháp không cho phép phụ nữ tham gia vào các chuyến thám hiểm của lực lượng này.

Vì thế, cặp đôi tìm ra cách khác.

Cả hai nghĩ ra cách buộc chặt ngực của Baret để không ai nhận ra cô là nữ; đồng thời để cô mặc quần áo rộng thùng thình của thủy thủ. Sau đó, khi Commerson có mặt trên tàu, Baret tìm đến và xin được gia nhập đoàn thám hiểm. Commerson sẽ "đường đường chính chính" tuyển cô làm trợ lý cho mình.

Điều kì diệu là kế hoạch của cặp đôi đã diễn ra suôn sẻ. Thậm chí cả hai còn được ở trong phòng của thuyền trưởng do họ mang theo các thiết bị nghiên cứu khoa học và công việc nghiên cứu đó có ý nghĩa rất quan trọng. Đó là chuyến thám hiểm đầu tiên của một quốc gia châu Âu có sự tham gia của một nhà thực vật học.

Năm 1766, sau khi đoàn thám hiểm khởi hành từ Nantes, điểm đầu tiên đoàn dừng chân là Nam Mỹ. Khi đó Commerson bị ốm và Baret là người rời tàu để thu thập mẫu cây. Vào một trong các chuyến thám hiểm của mình, Baret đã tìm thấy một loài cây leo mới và cô đặt tên là Bougainvillea để vinh danh vị đô đốc Hải quân của đoàn thám hiểm.

Bị lộ thân phận

Do được ở chung phòng với Commerson, Jeanne Baret có thể dễ dàng giấu danh tính của mình và cô thực hiện kế hoạch của mình suôn sẻ trong khoảng thời gian hơn 1 năm. Tuy nhiên, đến khi con tàu gần tiến đến vùng Nam Thái Bình Dương, thủy thủ đoàn bắt đầu nghi ngờ về "Jean". Họ chưa bao giờ nhìn thấy Jean đi tiểu hay cởi đồ trước mặt họ.

Đến nay, có nhiều giai thoại khác nhau mô tả Baret bị phát hiện ra như thế nào. Có giai thoại cho rằng một người dân trên đảo Tahiti lên tàu và ngay lập tức gọi cô là người chuyên mặc đồ khác giới và đó là điều khá phổ biến ở Tahiti. Thủy thủ đoàn nghe thành "một cô gái" và Baret bị lộ tẩy.

Một giai thoại khác cho rằng khi đoàn đến New Guinea các thành viên thủy thủ đoàn đã dồn cô vào một góc và hiếp dâm. Cơ sở cho giai thoại này là thực tế Baret đã phải sống riêng một mình trong vòng 9 tháng và sinh con khi tàu tới Mauritius, thuộc địa của Pháp ở Ấn Độ Dương. Và ở đây, 22 tháng sau khi chuyến thám hiểm bắt đầu, Baret và Commerson bị buộc phải rời đoàn.

Bảy năm tiếp theo Baret sống ở Mauritius. Bà sinh con thứ hai và cho làm con nuôi. Đến năm 1773, Commerson qua đời. Baret kết hôn với một thủy thủ Pháp và cùng chồng về Pháp vào năm 1774, hoàn thành chuyến đi vòng quanh thế giới của mình.

Trên đường trở về quê hương, bà nhận được khoản tiền hậu hĩnh của gia đình Commerson trả công cho cô. Nhưng điều đáng ngạc nhiên hơn là vào năm 1785, Baret nhận được tiền hưu trí từ Hải quân Pháp theo yêu cầu cá nhân của Đô đốc Bougainville. Ông đã gọi bà là "người phụ nữ phi thường". Baret nhận tiền hưu cho tới khi bà qua đời vào ngày 5/8/1807.

Chỉ tới tận những năm 2010, công lao của Jeanne Baret mới được công nhận. Cuốn tiểu sử được đặt tên Khám phá của Jeanne Baret ra mắt công chúng vào năm 2010 và vào năm 2012, một loài cây kì nham ở Nam Mỹ đã được đặt tên là Solanum baretiae để vinh danh bà.