Chuyên gia Việt trong nhóm của WHO hé lộ bước tiếp theo điều tra Covid-19
(Dân trí) - Theo Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng, chuyên gia người Việt trong nhóm điều tra nguồn gốc Covid-19 ở Trung Quốc, điều tra các trang trại nuôi động vật hoang dã ở đây là bước quan trọng tiếp theo.
Nhà sinh học và cũng là chuyên gia về dịch tễ, an toàn thực phẩm, Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng, là một trong 10 nhà khoa học quốc tế tham gia vào cuộc điều tra kéo dài gần 1 tháng về nguồn gốc Covid-19 tại Vũ Hán, Trung Quốc. Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) ngày 5/4 dẫn lời Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng, nhà khoa học Việt Nam đang làm việc tại Viện Nghiên cứu chăn nuôi quốc tế (ILRI) ở Kenya, cho biết thế giới đặc biệt quan tâm đến nghiên cứu về nguồn gốc Covid-19.
Nói về cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 của nhóm chuyên gia quốc tế do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu, ông cho biết: "Chúng tôi nhận thức được rằng chúng tôi đảm nhận sứ mệnh này trong bối cảnh có những vấn đề nhạy cảm chính trị, nhưng chúng tôi vẫn tập trung vào cuộc điều tra với mục tiêu đề ra và sứ mệnh mà chúng tôi được giao phó".
Trả lời câu hỏi liệu nhóm chuyên gia có bị hạn chế tiếp cận dữ liệu trong quá trình điều tra hay không, ông Nguyễn Việt Hùng nói, hiện tại một số dữ liệu vẫn đang được tổng hợp và xử lý.
Sau nhiều lần trì hoãn, báo cáo điều tra của nhóm đã được công bố hôm 30/3. Tuy vậy, báo cáo vẫn chưa thể giải đáp được nhiều câu hỏi về nguồn gốc của đại dịch. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng nhấn mạnh rằng cần phải mở rộng điều tra hơn nữa.
Ông Hùng cho rằng, mục tiêu quan trọng của nhóm điều tra là tìm hiểu vai trò của chợ đầu mối hải sản Hoa Nam - khu chợ có liên hệ với một số ca Covid-19 đầu tiên ở Vũ Hán. Hiện chưa rõ virus SARS-CoV-2 bắt nguồn từ khu chợ này hay do một người mang mầm bệnh đến đây và lây lan. Tuy nhiên, các chuyên gia trong nhóm của WHO tin rằng, virus bắt nguồn từ động vật hoang dã như dơi và "rất có thể" lây truyền sang con người thông qua một động vật trung gian.
Ông Hùng cho biết, dữ liệu do các nhà nghiên cứu Trung Quốc tổng hợp và được chuyên gia hai bên phân tích đã đưa ra manh mối quan trọng. Một số hàng hóa bán ở chợ Hoa Nam có nguồn gốc từ các tỉnh phía nam Trung Quốc, nơi có nhiều dơi sinh sống. "Chúng tôi không có những thông tin như vậy trước khi đến Trung Quốc, và nó cho thấy con đường lây lan tiềm tàng từ các trang trại nuôi động vật hoang dã miền nam Trung Quốc đến Vũ Hán", ông Hùng nói.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh: "Bức tranh tổng thể không nằm ở đó, đó là lý do tại sao chúng tôi khuyến nghị tìm hiểu phương thức nuôi nhốt các động vật hoang dã này, cách con người tiếp xúc với động vật hoang dã và xác định xem liệu các động vật hoang dã này có tiếp xúc với dơi hoặc động vật hoang dã khác hay không, bởi vì loại tương tác đó có thể đóng vai trò quan trọng đối với sự xuất hiện của SARS-CoV-2".
Ông nói, nhóm chuyên gia do WHO dẫn đầu đã công bố báo cáo điều tra, và giai đoạn hai của cuộc điều tra phụ thuộc vào kết quả làm việc của WHO với giới chức Trung Quốc. "Tôi cho rằng, trọng tâm vẫn là ở Trung Quốc bởi do các mối liên hệ với Vũ Hán cũng như các thông tin (về những trang trại ở miền nam Trung Quốc) mà chúng tôi tìm thấy. Chúng ta cũng đồng thời cần hướng đến một số điểm nóng bùng phát dịch khác trên thế giới mà chúng ta đã có được những bằng chứng ban đầu về khả năng virus có thể bắt nguồn từ đó", ông Hùng nói.
Bình luận trên được đưa ra sau khi nhóm chuyên gia do WHO dẫn đầu công bố báo cáo điều tra nguồn gốc Covid-19 ở Vũ Hán. Báo cáo đưa ra 4 giả thuyết chính, trong đó giả thuyết "nhiều khả năng" nhất là virus lây từ động vật hoang dã như dơi sang người thông qua một động vật trung gian. Tuy nhiên, Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh rằng vẫn cần điều tra thêm để tìm ra đích xác nguồn gốc của đại dịch nhằm ngăn chặn các đại dịch tương tự trong tương lai.