1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Chuyên gia Trung Quốc lý giải khả năng thất bại của chiến lược "Zero Covid"

Thành Đạt

(Dân trí) - Nhà khoa học từng giúp Trung Quốc khống chế dịch SARS cho rằng chiến lược "Zero Covid" (Không Covid) mà Bắc Kinh đang theo đuổi sẽ không thành công trong việc đối phó Covid-19.

Chuyên gia Trung Quốc lý giải khả năng thất bại của chiến lược Zero Covid - 1

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại tây bắc Trung Quốc (Ảnh: Xinhua).

Trong cuộc phỏng vấn với Phoenix TV được phát sóng hôm 8/11, Guan Yi, nhà khoa học nổi tiếng từng giúp Trung Quốc ngăn dịch SARS, cho biết Trung Quốc nên tập trung vào việc xây dựng lá chắn bảo vệ cộng đồng bằng cách sử dụng vaccine và nên kiểm tra mức độ miễn dịch của người dân sau khi tiêm vaccine để xác định loại vaccine nào phù hợp.

Ông Guan là giám đốc phòng thí nghiệm trọng điểm nhà nước về các bệnh truyền nhiễm mới tại Đại học Shantou ở miền nam Trung Quốc.

Trung Quốc đại lục bắt đầu tiêm mũi vaccine tăng cường cho người dân, sau khi hoàn thành tiêm chủng cho gần 80% trong tổng số 1,4 tỷ dân và bắt đầu tiêm phòng cho trẻ em.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đang phải vật lộn với những đợt bùng phát dịch rải rác. Đợt bùng phát dịch mới nhất đã lan ra ít nhất 40 thành phố và 20 tỉnh, được đánh giá là đợt dịch lây lan rộng nhất tại Trung Quốc kể từ sau Vũ Hán hồi cuối năm 2019.

Cơ quan Y tế Quốc gia Trung Quốc ngày 9/11 cho biết nước này ghi nhận 54 ca nhiễm mới, so với 62 ca một ngày trước đó. Trong số các ca nhiễm mới, có 39 ca lây nhiễm trong cộng đồng, giảm so với 43 ca một ngày trước đó.

Mặc dù số ca nhiễm mới trong ngày tại Trung Quốc thấp hơn nhiều so với các nước khác trên thế giới, song Trung Quốc vẫn siết chặt các biện pháp chống dịch khắc nghiệt theo chiến lược Zero Covid (Không Covid), bao gồm đóng cửa biên giới, phong tỏa, cách ly và xét nghiệm hàng loạt. Tuy nhiên, chiến lược này cho đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi.

Chính quyền thành phố Thành Đô ngày 10/11 cho biết đã tiến hành 30.000 xét nghiệm Covid-19 tại một trung tâm giải trí lớn, tất cả đều có kết quả âm tính. Trước đó, công viên giải trí Disneyland ở Thượng Hải hồi tháng 10 cũng xét nghiệm hơn 30.000 người, giữ du khách ở lại cho đến gần nửa đêm, sau khi một ca nhiễm được phát hiện từng đến công viên này.

"Các chính quyền địa phương đang áp dụng biện pháp không khoan nhượng đối với những ca nhiễm rải rác này. Nhưng nếu họ vẫn duy trì vậy, tôi nghĩ nền kinh tế của chúng ta sẽ sụp đổ… Tôi nghĩ sẽ không có cơ hội nếu chúng ta đặt mục tiêu loại bỏ tất cả các ca nhiễm", ông Guan nhận định.

"Tương tự bệnh cúm, virus gây đại dịch Covid-19 đã thích ứng với cơ thể người và sẽ tồn tại lâu dài với chúng ta. Đó là sự thật, cho dù chúng ta muốn hay không. Virus này đã tự thích nghi hoàn toàn ở trong cơ thể người. Chúng ta không nên tuyên bố chiến thắng virus này quá sớm, nếu không chúng ta sẽ đánh giá thấp tác động của nó đối với con người", ông Guan cho biết thêm.

Theo ông Guan, đợt dịch SARS vào năm 2002-2003 có thể dập tắt được vì virus vẫn chưa thích nghi hoàn toàn với cơ thể người. Hồi tháng 1/2020, chuyên gia này từng nói với trang tin Caixin rằng, tác động của virus gây đại dịch Covid-19 sẽ nghiêm trọng gấp 10 lần so với SARS.

Ông Guan cho rằng Trung Quốc nên tìm hiểu về mức độ kháng thể trong người dân sau khi tiêm vaccine, thay vì dành quá nhiều nguồn lực để xét nghiệm và phát hiện các ca dương tính.

Ông cũng cho biết Trung Quốc đang vận hành một phòng thí nghiệm ở Shantou để đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều trị Covid-19, đồng thời phát triển loại thuốc uống kháng virus này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm