1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chuyên gia tiền mã hóa Mỹ bị bỏ tù vì giúp Triều Tiên "né" trừng phạt

Hồng Đức

(Dân trí) - Một hacker nổi tiếng và chuyên gia tiền mã hóa tại Mỹ đã bị kết án hơn 5 năm tù với tội danh giúp đỡ Triều Tiên trốn tránh các lệnh trừng phạt của Washington.

Chuyên gia tiền mã hóa Mỹ bị bỏ tù vì giúp Triều Tiên né trừng phạt - 1

Virgil Griffith (Ảnh: Wikimedia Commons).

Theo các công tố viên, Virgil Griffith, 39 tuổi, đã phát triển các "cơ sở hạ tầng và thiết bị tiền mã hóa cho Triều Tiên". Hồi năm ngoái, anh ta thừa nhận đã tham dự một hội nghị về tiền mã hóa ở Bình Nhưỡng vào năm 2019.

Tại hội nghị trên, Griffith đóng vai trò làm cố vấn cho hơn 100 người, bao gồm các quan chức chính phủ Triều Tiên, về cách sử dụng tiền mã hóa để tránh các lệnh trừng phạt và thoát khỏi hệ thống tài chính thế giới.

Mỹ và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt ngày càng chặt chẽ hơn đối với Triều Tiên trong những năm gần đây nhằm gây sức ép để nước này chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân. Hồi năm 2018, Chính phủ Mỹ đã sửa đổi các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên để cấm công dân Mỹ "xuất khẩu công nghệ" cho Bình Nhưỡng.

Tòa án luận tội Griffith là một công dân Mỹ "đã chọn cách xâm phạm quyền lợi của tổ quốc để phục vụ một thế lực thù địch nước ngoài". Luật sư bào chữa cho rằng Griffith là một "nhà khoa học xuất sắc" tự cho hành động của mình là vì hòa bình.

Luật sư tin rằng Griffith có một sự tò mò đến mức ám ảnh với Triều Tiên và một góc nhìn kiêu ngạo nhưng ngây ngô. Vị luật sư cho biết ông thất vọng với bản án 63 tháng tù mà tòa tuyên, nhưng cũng hoan nghênh việc thẩm phán công nhận tài năng và nỗ lực tiến về tương lai của Griffith.

Griffith tự cho mình là một "nhà công nghệ đột phá" và đã tạo tiếng vang trong thế giới công nghệ vào đầu những năm 2000. Năm 2007, anh ta tạo ra WikiScanner, một công cụ vạch mặt những địa chỉ ẩn danh trên Wikipedia, một trang web từ điển bách khoa toàn thư trực tuyến. WikiScanner có thể xác định được chủ sở hữu của một địa chỉ ẩn danh từ một máy tính bất kỳ.

Trước đây, Griffith từng hợp tác với FBI và làm cố vấn cho họ về "dark web", một mạng lưới các trang web được mã hóa đảm bảo ẩn danh cho người dùng.