1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyên gia: Nhiều tài khoản mạng xã hội phát thông tin sai lệch về Covid-19

(Dân trí) - Một nhà nghiên cứu Anh đã phát hiện hơn 1.000 tài khoản mạng xã hội nghi ngờ có liên quan tới chính phủ Trung Quốc, đang phát tán các thông tin sai lệch trên mạng xã hội về dịch bệnh Covid-19.

Chuyên gia: Nhiều tài khoản mạng xã hội phát thông tin sai lệch về Covid-19 - 1

(Ảnh minh họa: EPA-EFE)

Theo Bloomberg, chuyên gia phân tích thông tin trên các trang mạng xã hội Benjamin Strick tuần trước công bố thông tin về cuộc nghiên cứu trên trang điều tra Bellingcat.

Ông Strick cho biết, các tài khoản này được sử dụng để truyền bá các nội dung tấn công những người chỉ trích chính phủ Trung Quốc và lan truyền các thuyết âm mưu đổ lỗi cho Mỹ về khởi nguồn của virus SARS-CoV-2.

Trong khoảng thời gian từ ngày 25/4 đến 3/5, ông Strick đã phát hiện hơn 1.000 tài khoản trên Twitter và hơn 50 trang Facebook có liên quan tới các nỗ lực làm sai lệch thông tin nêu trên. Ông ước tính có 300 tới 400 tài khoản được lập mỗi ngày.

“Mạng lưới này đã được phát triển và đang tiếp tục gia tăng. Tôi tin rằng đây là một chiến dịch được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn”, ông Strick trả lời trong một cuộc phỏng vấn.

Chuyên gia Strick mô tả rằng đây là “một chiến dịch thông tin được thiết kế cẩn trọng” nhằm “làm sai lệch câu chuyện xoay quanh các chủ đề khác nhau và để tung ra các chương trình nghị sự”.

Các tài khoản nêu trên truyền bá các thông tin không có cơ sở rằng việc hút thuốc lá điện tử có liên hệ với bệnh Covid-19, đồng thời lan rộng thuyết âm mưu về một sự cố an ninh sinh học ở Mỹ với các hashtag #coronavirus và #TruthAboutCovid. 

Ngoài ra, nhiều tài khoản Twitter trong nghiên cứu của chuyên gia Strick có tên Trung Quốc và đăng tải thông tin song ngữ Anh, Trung. Trong khi một số tài khoản khác sử dụng các tên Nga có lẽ là để đánh lạc hướng về nguồn gốc của chúng khỏi Trung Quốc, ông Strick bình luận.

Trang Bloomberg bình luận, hơn 1.000 tài khoản trên mang một số dấu hiệu tương tự mạng lưới gồm 900 tài khoản Twitter được phát hiện vào tháng 8 năm ngoái, vốn được xác định là “một hoạt động thông tin quan trọng được nhà nước hậu thuẫn, tập trung vào các vấn đề ở Hong Kong”, và vận hành từ Trung Quốc.

Ngày 8/5, Trung tâm Tham gia Toàn cầu cũng cho biết họ đã xác định được “một mạng lưới các tài khoản giả mới” trên Twitter. Những tài khoản này “được tạo ra với mục đích khuếch đại các thông tin sai lệch của Trung Quốc”. Hiện không rõ các tài khoản này có giống với mạng lưới mà chuyên gia Strick đã tìm ra hay không.

Lea Gabrielle, điều phối viên của Trung tâm Tham gia Toàn cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định: “Bắc Kinh đang tham tha vào một chiến dịch thông tin tích cực để cố gắng định hình lại câu chuyện toàn cầu xung quanh dịch Covid-19”.

“Đây là một phần trong nỗ lực khiến thế giới nhìn nhận Trung Quốc là nhà lãnh đạo toàn cầu trong việc ứng phó với dịch bệnh, thay vì nguồn gốc của đại dịch”, ông Grabrielle nhận định

Trong khi đó, Twitter bày tỏ sự nghi ngờ về tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết việc xem xét ban đầu tiến hành với 5.000 tài khoản cho thấy không có dấu hiệu bất thường hay ủng hộ các lập trường của Trung Quốc. Phát ngôn viên của Twitter cũng tuyên bố họ đang giám sát tích cực để tìm kiếm các nỗ lực thao túng mạng xã hội này và giảm thiểu chúng.

Hiện Facebook và Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa có phản hồi khi được yêu cầu đưa ra bình luận về nghiên cứu của ông Strick.

Vanessa Molter, trợ lý nghiên cứu sau đại học tại Trung tâm Quan sát Internet của Đại học Stanford, Mỹ cho biết cần có thêm bằng chứng để xác nhận các hoạt động được chính phủ Trung Quốc hẫu thuẫn trên các nền tảng truyền thông xã hội.

Tuy nhiên, có thể nhìn thấy rõ ràng chiến dịch tuyên truyền công khai từ truyền thông nhà nước Trung Quốc. Các cơ quan truyền thông của chính phủ như Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) và Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) đã quảng cáo có trả phí hàng trăm bài viết ca ngợi phản ứng của chính phủ Trung Quốc đối với đại dịch trên mạng xã hội Facbook.

Trong nghiên cứu được công bố vào tháng 3, chuyên gia Molter nói rằng chính phủ Trung Quốc đã sử dụng các cơ quan truyền thông nhà nước để “kiểm soát tin tức và làm chệch hướng các đổ lỗi” kể từ khi bắt đầu bùng phát dịch Covid 19 ở trong và ngoài nước.

Hà Phương

Theo Bloomberg