1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyên gia Nhật Bản: Tokyo có thể giúp Việt Nam nâng cao năng lực hàng hải

(Dân trí) - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Kentaro Nishimoto thuộc Đại học Tohoku (Nhật Bản), cho rằng Việt Nam và Nhật Bản chia sẻ những giá trị chung trong việc thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật pháp và Tokyo có thể hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực hàng hải, cũng như góp tiếng nói trong việc giải quyết vấn đề tranh chấp trên Biển Đông hiện nay.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Kentaro Nishimoto (Ảnh: Thành Đạt)
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Kentaro Nishimoto (Ảnh: Thành Đạt)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Kentaro Nishimoto thuộc Đại học Tohoku ngày 11/9 đã có cuộc phỏng vấn với phóng viên Dân trí tại Hà Nội về tình hình an ninh biển trong khu vực hiện nay cũng như triển vọng hợp tác an ninh giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới. Ông Nishimoto có mặt tại Việt Nam để tham dự Hội thảo “Hướng đến những vùng biển mở và tự do ở châu Á: Vai trò của Luật quốc tế trong việc duy trì trật tự trên biển” do Đại sứ quán Anh, Đại sứ quán Nhật Bản và Học viện Ngoại giao đồng tổ chức.

- Ông đánh như thế nào về tình hình Biển Đông hiện nay?

Tình hình Biển Đông hiện nay vẫn đang diễn biến phức tạp. Liên quan tới Biển Đông, năm 2016, Tòa trọng tài quốc tế ở La Hay, Hà Lan đã đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách "Đường 9 đoạn". Về lý thuyết, phán quyết này đã làm rõ quyền và giới hạn của Philippines cũng như Trung Quốc, đồng thời khẳng định yêu sách “Đường 9 đoạn” do Trung Quốc đưa ra trên Biển Đông là không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là Trung Quốc đã từ chối tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài và điều này khiến việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông gặp nhiều khó khăn.

Luật quốc tế hiện tại chưa có cơ chế bắt buộc các bên liên quan phải thực thi phán quyết của tòa án quốc tế. Nếu một trong các bên không tuân thủ phán quyết, tòa án cũng chưa có biện pháp nào để buộc họ phải tuân thủ và đây chính là một vấn đề gây khó khăn hiện nay.

Mặc dù vậy, phán quyết của tòa vẫn có những ảnh hưởng nhất định và cần xem xét vai trò của phán quyết này về lâu dài.

- Theo ông, Nhật Bản có thể có đóng góp gì cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông?

Nhật Bản không phải là một bên có liên quan trực tiếp tới tranh chấp trên Biển Đông nhưng tuyến hàng hải đi qua vùng biển này có ý nghĩa quan trọng đối với thương mại của Nhật Bản. Do vậy, việc đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông là điều Nhật Bản rất coi trọng.

Nhật Bản có thể giúp các nước có liên quan tới tranh chấp Biển Đông tiến hành các cuộc đối thoại với Trung Quốc. Một điều đáng lưu ý đó là cần thuyết phục Trung Quốc rằng, nước này nên tôn trọng và hành xử theo quy định của luật quốc tế vì ở thời điểm hiện tại, luật quốc tế vẫn đóng vai trò quan trọng.

Ngoài ra, các nước cũng cần thuyết phục Trung Quốc rằng, việc Bắc Kinh tham gia đối thoại với các quốc gia khác trong tranh chấp Biển Đông là nhằm phục vụ cho chính lợi ích của nước này. Theo đó, Nhật Bản có thể đóng vai trò trong quá trình kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật quốc tế cũng như ngồi vào bàn đối thoại với các nước.

- Ông có lời khuyên gì cho các bên liên quan tới tranh chấp Biển Đông?

Một yếu tố rất quan trọng trong việc giải quyết vấn đề này là các nước, đặc biệt là các nước ASEAN, cần duy trì lập trường chung, thuyết phục Trung Quốc rằng một trật tự khu vực dựa trên luật pháp quốc tế sẽ mang lại những lợi ích tốt nhất cho hòa bình và ổn định trong khu vực.

Trong ngắn hạn, những giới hạn của luật quốc tế khó có thể đòi hỏi Trung Quốc thay đổi lập trường ngay lập tức. Tuy nhiên, về lâu dài, Trung Quốc vẫn cần xây dựng hình ảnh là một cường quốc có trách nhiệm trong khu vực. Do vậy, các nước cần duy trì việc thuyết phục Bắc Kinh tôn trọng luật quốc tế và hành xử theo luật.

Ngoài ra, những nước có tranh chấp với Trung Quốc có thể sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp theo UNCLOS như đệ đơn kiện lên tòa án quốc tế giống như cách Philippines từng làm. Tuy nhiên, một vụ kiện tại tòa án quốc tế thường rất tốn kém và khó đoán trước kết quả, hơn nữa các bên liên quan tới vụ kiện cũng không có nghĩa vụ thực thi phán quyết của tòa. Do vậy, các nước cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi sử dụng tới cách này.

- Nền tảng nào giúp Việt Nam và Nhật Bản có thể duy trì hợp tác trong lĩnh vực an ninh, đặc biệt là an ninh hàng hải? Nhật Bản có thể hỗ trợ Việt Nam năng cao năng lực hàng hải như thế nào?

Nền tảng cơ bản cho hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực an ninh là dựa trên thực tế rằng, cả hai nước cùng chia sẻ những giá trị chung trong việc thúc đẩy trật tự quốc tế trên cơ sở luật pháp.

Nhật Bản có thể giúp Việt Nam nâng cao năng lực hàng hải thông qua hai cách chính, gồm cung cấp các trang thiết bị và tàu tuần tra cho Việt Nam, đồng thời phát triển nguồn nhân lực. Ngoài ra, chia sẻ công nghệ và trao đổi thông tin cũng là một cách mà Nhật Bản có thể hỗ trợ Việt Nam.

Chính sách an ninh hiện tại của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đã, đang và sẽ có tác động tích cực tới Việt Nam. Học thuyết Hòa bình tích cực và lập trường coi trọng luật pháp quốc tế trong các vấn đề hàng hải của Thủ tướng Abe chính là nền tảng cơ bản cho quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực an ninh hàng hải những năm gần đây.

Quan điểm của Nhật Bản từ trước đến nay vẫn luôn là tôn trọng luật pháp quốc tế và đảm bảo tự do hàng hải trên biển. Do vậy, dù là chính quyền của Thủ tướng Abe hay bất kỳ nhà lãnh đạo nào khác, quan điểm này chắc chắn sẽ vẫn được duy trì.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thành Đạt